Phát triển TP.HCM trong cách mạng công nghiệp 4.0

Chuyên đề - Ngày đăng : 06:00, 26/05/2023

Cách thức mà các thành phố có thể giải quyết tốt nhất cho sự thay đổi, tái cấu trúc là tập trung thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Để đạt được mục tiêu này, cần phải tích hợp và áp dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo, mô hình tổ chức hiện đại trong quy hoạch và quản trị đô thị.

Khái niệm thành phố thông minh phát triển cùng với công nghệ ICT (thông tin và truyền thông) dựa trên hiệu quả, kỹ trị và tân tự do, chủ yếu xem công nghệ và PPP (đối tác công - tư) là phương tiện để tối ưu hóa việc phát triển và quản lý đô thị.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDG), tạo ra những thay đổi to lớn cho người dân. Các mục tiêu phát triển bền vững đã được Việt Nam quốc gia hóa thông qua việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5/2017, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững quá trình đô thị hóa tại các tỉnh, thành trong cả nước.

TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước, là đầu tàu của kinh tế và có ảnh hưởng, tác động lớn đến toàn quốc. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW 2012 của Bộ Chính trị và kế hoạch hành động quốc gia  2017, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững TP.HCM. Dựa vào các định hướng trên, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 6/12/2017, quá trình thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định. Ngoại trừ  các năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng, bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, củng cố và nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như cơ chế điều chỉnh chính sách thu ngân sách nhà nước, cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất của các cơ quan trung ương, chi ứng vốn cho các công trình xây dựng lớn trên địa bàn... Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài chưa hiệu quả; thiếu cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư...

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) hay công nghiệp 4.0 làm mờ đi ranh giới sinh học, vật lý và kỹ thuật nhờ công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT). Hơn nữa, 4IR cũng tác động đến các thành phố và hình thành khái niệm "thành phố thông minh" với những thách thức cụ thể: quy hoạch, kết nối, dữ liệu, năng lượng, quản trị và giao thông.

-7714-1684981435.jpg

Để 4IR được tích hợp tại các thành phố, cần đáp ứng ba tiêu chí. Đầu tiên, khái niệm về tính bền vững nên vượt ra ngoài hệ sinh thái kinh tế. Một thành phố bền vững phải là một thành phố lành mạnh phục vụ con người sinh hoạt hòa nhập, tiết kiệm, thích ứng và bền vững ở ba phương diện chính: nhà ở dễ tiếp cận (kết hợp chương trình nhà ở xã hội); không gian công cộng và sử dụng tiện ích hòa nhập, hệ thống giao thông toàn diện, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng nhanh. Thứ hai, thực hành quy hoạch đô thị là rất quan trọng, đòi hỏi sự chính xác và cập nhật thường xuyên. Sử dụng công nghệ số xây dựng mạng ảo kết hợp với cấu trúc vật lý để góp phần thực hành hiệu quả công tác thông tin quy hoạch đô thị một cách minh bạch, công khai đối với toàn dân. Thứ ba, sự thành công của thành phố thông minh phụ thuộc vào doanh nghiệp đáp ứng thách thức của 4IR và là một phần không thể thiếu của quy trình quy hoạch.

Thành phố thông minh trước hết cần  quản trị hiệu quả, sáng tạo và khoa học. Mô hình chính quyền đô thị hai cấp, cũng như các chính sách công thúc đẩy, phát triển các nguồn lực kinh tế, xã hội, thúc đẩy phúc lợi và kinh doanh tốt. Sự kết nối đối tác trong nước, khu vực và quốc tế sẽ quyết định sự thành công của các thành phố thông minh trong thời đại 4IR.

Trước những cơ hội mới trong bối cảnh đất nước đang có cả về vị thế kinh tế và địa - chính trị tốt trong khu vực, tháng 12/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chính phủ đã ra Quyết định 642/QĐ-TTg 2022 về nhiệm vụ lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Dự thảo nghị quyết mới tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách các lĩnh vực, như quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của thành phố, tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức...

Để tổ chức thực hiện tốt nghị quyết mới, trong bối cảnh hiện tại, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM rất thấp (GRDP ước tăng 0,7%), thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng, doanh nghiệp giải thể, tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn, sức mua của người tiêu dùng giảm, chi phí đầu vào tăng... thành phố cần có giải pháp trung và dài hạn.

Một là, cần nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tự chủ, tự quản với sự tham gia tích cực của người dân để phát triển nguồn vốn xã hội cho sự quản trị đô thị hiện đại. Từng bước xây dựng và áp dụng mô hình đô thị hai cấp với cấp quận là cấp cơ sở cho TP.HCM, nhằm đảm bảo tốt cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền trong lĩnh vực đầu tư và tài chính - ngân sách cũng như giảm thiểu sự quản lý hành chính quan liêu, tốn kém thời gian và thiếu sự minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm trong quản trị đô thị. Song song với việc xây dựng mô hình mới cần ưu tiên xây dựng những bộ luật tương ứng để đảm bảo tính thực thi. Đây cũng là tiêu chí chủ yếu đánh giá sự hoạt động hiệu quả của các nhà lập pháp.

Hai là, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ thí điểm trong hai lĩnh vực ưu tiên là tài chính và logistics vì TP.HCM là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước. Với vị thế này và vị trí địa - chính trị quan trọng, TP.HCM xứng đáng là một trung tâm tài chính và logistics quốc tế. Các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cần định hướng đổi mới theo hướng phát triển của thành phố thông minh trong hai lĩnh vực này để ứng dụng công nghệ mới hiệu quả và kết nối đối tác toàn cầu.

Ba là, cần xác định tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành một trong những trung tâm tài chính và dịch vụ logistics quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm nền tảng cho kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Khi xây dựng quy hoạch cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy và tích hợp các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội. Mô hình 5 nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội (bao gồm tài nguyên, con người, sản phẩm, tài chính và xã hội) có thể là sự tham chiếu hiệu quả trong quá trình này.

TS. Đoàn Duy Khương