Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Trong nước - Ngày đăng : 00:20, 26/05/2023
Theo đó, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Việc xây dựng dự thảo nghị quyết dựa trên quan điểm bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội TP.HCM và Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng cũng cho biết, nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.
Nội dung chính của dự thảo nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách: nhóm cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; nhóm cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; nhóm các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; nhóm các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.
Hồ sơ dự thảo nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Theo đó, về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM”.
Về cơ sở pháp lý, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Bên cạnh đó, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển. Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, hồ sơ dự thảo nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất sau khi được thông qua, nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và được thực hiện trong 5 năm. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc vì chưa phù hợp với Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thời điểm có hiệu lực không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua). Trong khi đó, nếu được Quốc hội cho phép, sẽ thông qua cuối tháng 6/2023. Bên cạnh đó, nhiều nội dung cần hướng dẫn thi hành đến nay chưa hoàn tất. Vì vậy, đề nghị quy định phù hợp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện.
Theo báo cáo của Chính phủ, Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm:
1. Bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội TP.HCM và Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia.
2. Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
3. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
4. Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết 54; bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới.
5. Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả.