Đức bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế
Quốc tế - Ngày đăng : 00:35, 26/05/2023
Dữ liệu cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,3% trong quý này khi được điều chỉnh theo các hiệu ứng giá và niên lịch. Điều này xảy ra sau khi nền kinh tế Đức sụt giảm 0,5% trong quý IV/2022. Suy thoái kinh tế thường được định nghĩa là hai quý suy thoái liên tiếp.
Trước đó, khảo sát của Viện ZEW cho thấy lòng tin của nhà đầu tư tại Đức giảm mạnh trong tháng 5, gây thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Chỉ số kỳ vọng về nền kinh tế theo khảo sát của ZEW giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm 14,8 điểm, xuống âm 10,7 điểm.
Con số trên thấp hơn dự báo của các nhà phân tích và lần đầu tiên quay trở lại mức âm kể từ tháng 12/2022. Mức âm cho thấy hầu hết các nhà đầu tư bi quan về nền kinh tế.
Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết, các chuyên gia về thị trường tài chính nhận định tình hình nền kinh tế sẽ xấu hơn trong sáu tháng tới. Ông nói thêm kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, dù nhẹ. Theo ông, lòng tin của nhà đầu tư giảm sút một phần do khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục tăng lãi suất, trong khi nguy cơ Mỹ vỡ nợ gây thêm sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Sau khi giảm 0,5% trong quý IV/2022 do giá năng lượng cao, kinh tế Đức đã tránh được suy thoái nhờ việc tăng trưởng trong quý I/2023. Tuy nhiên, một loạt số liệu kinh tế tiêu cực trong những tuần gần đây đã làm giảm hy vọng về sự phục hồi mạnh của cường quốc công nghiệp của châu Âu.
Hồi tháng 4/2023, nền kinh tế Đức được dự báo sẽ thoát khỏi suy thoái "trong gang tấc" và đạt mức tăng trưởng khiêm tốn trong quý đầu năm 2023. Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức cho biết, suy thoái kỹ thuật trong hai quý âm liên tiếp dường như đã được ngăn chặn.
Các viện kinh tế hàng đầu của Đức đều dự báo rằng kinh tế nước này trong năm 2023 có thể tăng trưởng 0,3%. Các chỉ số kinh tế cho thấy nhiều tín hiệu tích cực đáng chú ý trong quý đầu tiên, với sản lượng công nghiệp và xây dựng đạt tăng trưởng, tình trạng “thắt cổ chai nguyên liệu” cũng dần được tháo gỡ, giá năng lượng giảm và điều kiện thời tiết thuận lợi.
Cùng với đó, tâm lý người tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới, mặc dù sức mua giảm do tác động của lạm phát vẫn là yếu tố đè nặng lên nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế, đây là một “khởi đầu thuận lợi” trong năm nay. Mùa Đông ôn hòa và mức dự trữ khí đốt cao đã góp phần cung cấp đủ khí đốt cho Đức nói riêng và châu Âu nói chung, điều này được phản ánh qua việc giá năng lượng giảm đáng kể.
Tỷ lệ lạm phát dự báo tiếp tục giảm trong những tháng tới, mặc dù vẫn ở mức cao. Phạm vi lạm phát dự báo là 5,4% đến 6,6% trong năm 2023 và 2,1% đến 3,5% cho năm 2024. Ngoài những tín hiệu tích cực, Bộ Kinh tế vẫn cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra với triển vọng kinh tế, chẳng hạn như tiêu dùng cá nhân yếu, các vấn đề gần đây về thể chế tài chính và bất ổn địa chính trị do xung đột Nga - Ukraine.