Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khó khăn

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 25/05/2023

Số liệu thống kê cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang ở trong thời điểm khó khăn nhất 10 năm trở lại đây. Đại dịch Covid-19, những bất ổn về thị trường, lạm phát đã liên tục giáng những đòn chí mạng vào nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trước những khó khăn dồn dập đó, cùng với đội ngũ doanh nhân là sự chung tay gỡ khó của Nhà nước. Nhưng để tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn là câu chuyện cần bàn.

Bạn tôi, hiện là chủ tịch một tập đoàn xây dựng bày tỏ doanh nghiệp  bất động sản rất khó bán sản phẩm, cạn vốn nên nợ dây dưa, đành phải gán nợ bằng bất động sản, thiết bị thi công và cả cổ phiếu.

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, GDP quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong quý I/2023, cả nước có đến 60.241 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp mới thành lập chỉ hơn 33.900. Số doanh nghiệp rời thị trường nhiều gần gấp đôi số doanh nghiệp mới thành lập, cho thấy doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, những doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, dịch vụ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans cho biết, ngành dệt may đang giảm 19% lượng đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thị trường Mỹ và EU giảm khoảng 40%, thị trường Nhật Bản giảm 17%. Do đó, những khoản nợ cũ đã đến hạn hoặc chuẩn bị đáo hạn đang là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp dệt may.

Phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM Nguyễn Văn Khánh cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải giảm nhân công, đóng cửa tạm thời do các thị trường truyền thống đều giảm mạnh đơn hàng.

Trường hợp như của người bạn đã đề cập ở trên, dẫu doanh nghiệp đối mặt với bộn bề khó khăn nhưng vẫn có thể hoạt động cầm chừng. Không ít doanh nghiệp khác khi bị nghẽn dòng tiền đành tạm ngừng hoạt động.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo. Theo đó, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, thị trường, sẵn sàng đánh thức các nguồn lực cho phát triển bằng các biện pháp, cách thức khác nhau.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM có 8 ngành nghề kinh doanh đang bị bủa vây bởi khó khăn. Ngoài thua lỗ, giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản. Không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh khiến hàng loạt doanh nghiệp thiếu đơn hàng.

Cộng đồng doanh nghiệp hiện không chỉ đối mặt với sự suy giảm thị trường mà còn phải đối diện với khó khăn liên quan đến môi trường kinh doanh, như thủ tục đất đai, tiếp cận vốn tín dụng, huy động vốn... Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 42,9% doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp khó về tiếp cận đất đai. Một số dự án đã được Nhà nước phê duyệt nhưng thủ tục thu hồi đất, đền bù chậm nên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

-7085-1684910511.jpg

Về tiếp cận vốn tín dụng, cũng theo ông Tuấn, đây là khó khăn hàng đầu mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua. Dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng là rất ít và đang có xu hướng giảm. 

TS. Lê Đăng Doanh cho biết, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9%, nhưng có doanh nghiệp phản ánh họ đang phải vay vốn với mức lãi suất từ 10-12%. Lãi vay cao khiến chi phí đầu vào tăng, khó có lãi, sản phẩm kém sức cạnh tranh.

Việc siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến thị trường bất động sản bị thu hẹp, ngưng trệ, kéo theo hàng loạt ngành khác bị đình trệ. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bất động sản hiện chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng. Cộng thêm với dư nợ trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thì tổng dư nợ bất động sản đang bằng khoảng 36% GDP, tương đương với tỷ lệ dư nợ bất động sản trên GDP năm 2012, khoảng 36-40% GDP.

Nếu thị trường bất động sản sụp đổ thì không chỉ doanh nghiệp bất động sản phá sản mà còn kéo theo hàng loạt ngành nghề đình trệ, tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế và cuốn theo cả hệ thống tài chính mất thanh khoản.

Trước thực trạng của thị trường hơn năm qua, Nhà nước đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là với doanh nghiệp bất động sản - tâm điểm khó khăn của nền kinh tế. Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 17/2/2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, nhiều giải pháp đã được đề xuất, có thể tóm tắt:

Về thể chế: Hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi). Xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành và trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, thuế, chứng khoán...

Về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc. Thực hiện có hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn cấp cho các ngân hàng thương mại để cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Điều hành hạn mức tín dụng phù hợp, giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Về nguồn vốn trái phiếu: Sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu. 

Công bằng mà nói, trong số những chính sách đã được đề xuất, có những chính sách đang phát huy tác dụng. Đặc biệt là gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đang được giải ngân. Nhưng vướng mắc về thủ tục pháp lý thì vẫn còn tồn tại. 

TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, chủ trương là một chuyện nhưng bộ máy hành chính các cấp có thực hiện tốt hay không là chuyện khác. Nỗi ám ảnh sợ sai đã khiến một bộ phận cán bộ, công chức "nằm im".

Phan Thế Hải