Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 giúp TP.HCM thu hút thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển

Chuyên đề - Ngày đăng : 05:00, 25/05/2023

Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 54) nếu được Quốc hội thông qua, TP.HCM có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển. Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để hiểu rõ hơn về việc UBND TP.HCM đề xuất xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)

* Là đầu tàu kinh tế cả nước, thời gian qua, TP.HCM đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hành động để phát triển thành phố. Trong đó, đề án Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM (sau đây gọi tắt là trung tâm) được kỳ vọng giúp thành phố thu hút các nguồn lực đầu tư. Hiện nay, đề án này đã vào giai đoạn nào, thưa ông?

- Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM đã được lãnh đạo thành phố ấp ủ từ nhiều năm qua nhưng chưa được cụ thể hóa. Lần này, thành phố đưa thành đề xuất để Quốc hội xem xét, thông qua. 

Đề án đã trình Thủ tướng và Thủ tướng đã giao lại cho một phó thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu thành lập ban chỉ đạo quốc gia, trong đó Chủ tịch UBND TP.HCM là thành viên. Về phía thành phố, trung tâm là ý tưởng và cũng là mong muốn, quyết tâm rất lớn và cũng đã thành lập một tổ công tác tham mưu cho Chủ tịch UBND TP.HCM về những nội dung này. 

Nếu đề án thông qua chủ trương, các bước triển khai cụ thể sẽ được ban chỉ đạo quốc gia nhanh chóng triển khai. Điều thuận lợi nhất là Bộ Chính trị đã có chủ trương về việc này. Sau khi Quốc hội thông qua, ban chỉ đạo quốc gia sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, bước đi, thời điểm, nội dung, phân công cụ thể. Ví dụ như xây dựng hành lang pháp lý gồm những nội dung gì, cơ quan nào, chủ trì vấn đề nào... Nếu thu hút nhà đầu tư thì thu hút nhà đầu tư thuộc loại nào, lĩnh vực nào... Lúc đó sẽ phân công bộ, ngành nào, thành phố hay cơ quan nào sẽ làm nhiệm vụ chào mời, giới thiệu dự án cho các nhà đầu tư.

* Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có cơ chế, chính sách riêng cho Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM không, thưa ông?

- Đề án hiện nay mới chỉ xác định những nội dung, những vấn đề trọng tâm mà trung tâm đặt ra và cần phải giải quyết. Còn để giải quyết những vấn đề đó thì cần những bước cụ thể với từng nội dung và sẽ có sự phân công cho từng cơ quan.

Đề án đã xác định nội dung công việc phải làm từng giai đoạn, hành lang pháp lý cần phải xây dựng để trung tâm hoạt động. Ba trụ cột của Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM gồm thị trường tiền tệ - ngân hàng, thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh. Ra đời sau nên trung tâm phải xác định đâu là năng lực cạnh tranh cốt lõi, trọng tâm, điểm nhấn của trung tâm là gì để đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. 

-5933-1684982001.jpg

* Vậy với Công ty Tài chính Nhà nước TP.HCM thì sao?

- Trước đây, Trung ương đã có chủ trương cho phép TP.HCM giữ lại toàn bộ vốn bán cổ phần trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của TP.HCM. Tuy nhiên, cho giữ lại phần vốn này mà chưa cụ thể là bộ phận nào được phép giữ. Và lần này, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất phần vốn này được giao về cho HFIC và đưa vào vốn điều lệ của công ty. 

HFIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và chủ sở hữu là UBND TP.HCM. Công ty có hai chức năng là đầu tư tài chính và đầu tư cho vay theo những chương trình mục tiêu, trọng điểm của thành phố. Lâu nay, HFIC chủ yếu cho vay theo chương trình kích cầu của thành phố. Nguồn tài chính này phục vụ cho những chương trình mục tiêu, phát triển thành phố và được HĐND thông qua những lĩnh vực nào, ngành nghề nào sẽ cho vay, đầu tư. Nguồn tài chính thu được từ cổ phần hóa để lại tại HFIC vì HFIC là một định chế tài chính, một công ty tài chính, một doanh nghiệp. Và nếu để 1 đồng thì HFIC được phép huy động thêm 6 đồng nữa để cho vay. Đây được xem là khoản vốn mồi để HFIC huy động thêm những đồng vốn khác tạo ra nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

HFIC thay mặt thành phố quản lý nguồn tiền này và chi ra cho những chương trình, kế hoạch mục tiêu của thành phố được HĐND thông qua. Tuy nhiên, nguồn tài chính được giữ lại này vẫn còn rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để đầu tư phát triển của thành phố.

* Vậy hoạt động của HFIC có liên quan như thế nào đến Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM sau này, thưa ông?

- Xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM là tạo môi trường cho các nhà đầu tư tham gia và HFIC cũng có thể tham gia vào trung tâm này. Tham gia vào lĩnh vực nào của trung tâm thì HFIC phải xem xét có phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được UBND TP.HCM giao hay không. Nhà đầu tư thấy phù hợp lĩnh vực nào thì đầu tư vào lĩnh vực đó. HFIC cũng là doanh nghiệp như những doanh nghiệp khác và doanh nghiệp nào vào trung tâm cũng bình đẳng như nhau. 

* Cảm ơn ông! 

Hồng Nga