Mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành chính quyền đô thị gắn với đặc thù TP.HCM

Trong nước - Ngày đăng : 02:52, 22/05/2023

Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển cho TP.HCM, góp phần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền.
Mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành chính quyền đô thị gắn với đặc thù TP.HCM

TP.HCM là một trong những đô thị trực thuộc Trung ương phát triển nhất của cả nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển của thành phố. Một trong những chỉ đạo và định hướng xuyên suốt là xây dựng và phát triển TP.HCM theo mô hình chính quyền đô thị. Có thể kể đến một số văn bản như Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nghị quyết số 131/2020/NQ-QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển cho TP.HCM, góp phần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền.

Cùng với định hướng của Đảng và Nhà nước, TP.HCM cũng có định hướng và quyết tâm xây dựng chính quyền đô thị hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Điều này đã được thể hiện thông qua các định hướng phát triển và chương trình hành động của thành phố. Từ Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI đã xác định chủ đề năm 2021 của thành phố là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tiếp tục xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Đến năm 2023, TP.HCM tiếp tục triển khai chủ đề năm là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”. Đây là một định hướng khá rộng nhưng thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền thành phố, đồng thời, xác lập mục tiêu khá vững chắc cho sự phát triển của thành phố trong năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong việc thực hiện chủ đề năm 2023, TP.HCM xác định  3 “trụ cột” nổi bật: Trụ cột thứ nhất là “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”, trụ cột thứ hai là “thúc đẩy phát triển kinh tế”, trụ cột thứ ba là “đảm bảo an sinh xã hội”.

Trụ cột thứ nhất nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, từ đó, góp phần vào phát triển kinh tế. Từ góc tiếp cận này, trụ cột thứ nhất mang tính điều kiện, tiền đề cho các trụ cột tiếp theo. Bởi sẽ rất khó phát triển kinh tế hay bảo đảm an sinh xã hội nếu hoạt động công vụ yếu kém, hoạt động hành chính trì trệ hay môi trường đầu tư không được cải thiện. Các hoạt động này thời gian qua đã được cải tiến rất quyết liệt, nhưng trên thực tế vẫn cần cải tiến mạnh mẽ hơn nữa không chỉ phù hợp với yêu cầu, với tình hình thực tế mà còn vì đang tồn tại một số hạn chế, bất cập.

Từ những vướng mắc ở trụ cột thứ nhất, cùng với thời điểm nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, nên mức tăng trưởng quý I/2023 của thành phố chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương. Khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của thành phố) tăng 2,07%, trong đó có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm (vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội); khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,06%. Từ trụ cột thứ 2 dẫn đến việc chăm lo cho nhân dân trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, đời sống ở trụ cột thứ 3… chưa được nâng cao chất lượng, tình trạng người bị giảm việc, mất việc vẫn tồn tại trong vài giai đoạn. 

TPHCM-750.jpg

Trụ sở UBND TP.HCM (Ảnh minh họa).

Để xác định trụ cột thứ nhất - xây dựng chính quyền đô thị với với sự kiện toàn về thể chế, tổ chức bộ máy, nhân sự, quy hoạch đô thị,… trong đó, tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành là một trong những yếu tố then chốt, phương hướng cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo theo Quyết định sổ 3637/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 của UBND TP.HCM về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030 đã xác định “Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, gương mẫu, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của thành phố; tổ chức chính quyền đô thị, hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”.

Tuy nhiên, thực tiễn việc xây dựng tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2030 việc xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành chính quyền đô thị là hết sức quan trọng và cần thiết. Để có cơ sở đề xuất mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành chính quyền đô thị gắn với đặc thù của TP.HCM cần phải dựa trên cơ sở khoa học. Việc đề xuất này phải dựa trên cơ sở lý thuyết về mô hình chính quyền đô thị, kinh nghiệm xây dựng chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới và thực tiễn xây dựng bộ máy chính quyền đô thị tại TP.HCM trong thời gian qua.

Chính quyền đô thị là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương, được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị hiệu quả cao và mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của chính quyền địa phương.

Chính quyền đô thị vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị.

Chính quyền đô thị là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, cần phải dựa trên nhu cầu, mong muốn của người dân về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tại TP.HCM trong tương lai. Đồng thời, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh “Tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”.

Cùng với những "cơ chế, chính sách vượt trội và đặc thù phát triển TP.HCM" sẽ được thông qua trong một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 chắc chắn sẽ tháo gỡ rất lớn cho TP.HCM về thể chế, đặc biệt huy động các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách, phân cấp phân quyền cho thành phố chủ động hơn. Trong đó, đề nghị cần quan tâm đặc biệt đến xây dựng trụ cột thứ nhất với một tổ chức bộ máy chính quyền chủ động, một cơ chế vận hành thông thoáng, dám làm, dám chịu trách nhiệm dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Việc bắt tay vào nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế vận hành chính quyền đô thị gắn với đặc thù của TP.HCM vì vậy là vô cùng cần thiết lúc này.

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa (Khoa Chính trị - Hành chính, ĐHQG TP.HCM)