Việt Nam chi gần 600 triệu USD nhập khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:36, 19/05/2023
Trong số các thị trường nhập khẩu rau quả hiện nay thì Trung Quốc đang đứng vị trí số một với tổng kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 211,962 triệu USD, tăng 5,59% so với cùng kỳ năm trước. Đứng vị trí thứ hai trong kim ngạch nhập khẩu là thị trường Mỹ với con số 85,131 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái nhập khẩu đạt 97,387 triệu USD).
Vị trí thứ ba là thị trường Úc với kim ngạch nhập khẩu 41,472 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái nhập khẩu là 49,284 triệu USD). Đứng vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là thị trường Myanmar và Campuchia với con số xuất khẩu lần lượt là 37,496 triệu USD và 25,898 triệu USD.
Về thị phần nhập khẩu rau quả, hiện Trung Quốc chiếm 37,88%, Mỹ chiếm 15,22%, Úc chiếm 7,41%, Myanmar chiếm 6,7%, Campuchia chiếm 4,07%…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu các loại rau quả chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, Myanmar, Úc và Campuchia. Các loại rau quả nhập khẩu nhiều nhất gồm táo chiếm 13%; nho, quýt, tỏi và đậu xanh mỗi loại chiếm 8%; hạt dẻ 7%; anh đào 4%; các loại khác chiếm 37%.
Riêng rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 41% trong quý I/2023, trong đó tỏi và quýt đứng đầu bảng các với tỷ lệ 19% mỗi loại. Đứng thứ ba là nấm, chiếm 15%, sau đó tới táo 11%, lê 7%, hành 5%, còn lại là các loại rau quả khác.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong số các thị trường nhập khẩu rau quả, Ấn Độ là thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 23,206 triệu USD (so với con số 6,744 triệu USD năm 2022), tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường duy nhất mà chúng ta nhập siêu rau quả.
Các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ gồm hành, tỏi, cây gia vị. Nguyên nhân nhập khẩu rau quả từ thị trường Ấn Độ tăng mạnh một phần là do các doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam và làm marketing rất mạnh. Mặt khác, rau quả của họ qua Việt Nam chịu thuế thấp.
Ở chiều ngược lại, hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ chưa được nhiều do hàng rào thuế quan rất cao, từ 40-70% (ngoại trừ mặt hàng thanh long). Bên cạnh khó khăn về yếu tố hàng rào thuế quan, các doanh nghiệp của chúng ta còn gặp rất nhiều rủi ro về vấn đề thanh toán.
Dự báo về con số nhập khẩu rau quả năm nay, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhập khẩu thường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu. Ví dụ, nếu xuất khẩu đạt con số 4 tỷ USD, thì kim ngạch nhập khẩu cũng đạt con số 2 tỷ USD. Nguyên nhân do Việt Nam đang có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu họ mở cửa thị trường cho Việt Nam thì Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường cho họ.