Phát triển du lịch văn hóa - lịch sử: Chú trọng chất lượng hơn số lượng
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 15/05/2023
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM |
* TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển du lịch di sản văn hóa, vậy mảng này đóng góp như thế nào trong cơ cấu ngành du lịch của thành phố, thưa ông?
- Du lịch di sản văn hóa là một trong 7 trụ cột phát triển ngành du lịch của thành phố. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du khách quốc tế có xu hướng tham quan di sản văn hóa chiếm khoảng 38%, số lượng tăng khoảng 15% hằng năm.
Tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, 57% du khách quốc tế và 28% khách nội địa có nhu cầu tham quan di sản văn hóa. Đó cũng là lý do chúng tôi tập trung đẩy mạnh những sản phẩm này. Trong năm 2022, chúng tôi đã yêu cầu mỗi quận, huyện có một sản phẩm du lịch đặc trưng, qua đó cùng với doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương phát triển những sản phẩm du lịch về di sản văn hóa. Ngoài việc phát triển sản phẩm, phải chú trọng nâng cao giá trị lịch sử, giá trị điểm đến cũng như chất lượng về thuyết minh.
* Nhiều người cho rằng việc cá nhân đăng ký tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM còn khó khăn. Ông nghĩ sao về những ý kiến ấy?
- Chúng tôi có cổng để khách cá nhân đăng ký tham quan. Cách đăng ký vẫn cần điều chỉnh, như đăng ký trực tuyến, đảm bảo trình tự khi đến tham quan. Do lượng khách đăng ký quá nhiều, trong ngày 30/4, chúng tôi hỏi ý kiến của lãnh đạo thành phố để có thể mở thêm một số khung giờ nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân và du khách. Sau khi rút kinh nghiệm và đánh giá lại đợt tổ chức vừa rồi, thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng để người dân thành phố cũng như du khách có cơ hội tham quan di tích kiến trúc này.
Lần tổ chức đầu tiên không tránh khỏi một số thiếu sót. Tuy nhiên, qua phần đánh giá, có 70-75% du khách hài lòng với chương trình này. Đặc biệt, du khách rất ấn tượng với việc sau khi tham quan, hình ảnh của du khách được đưa lên nền tảng riêng và du khách có thể tải về làm kỷ niệm.
Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ xây dựng những câu chuyện sâu hơn trong phần thuyết minh. Du khách không chỉ nghe mà còn có thể thông qua mã QR Code lưu lại bài thuyết minh, như một phần kỷ niệm sau chuyến tham quan. Bên cạnh đó là thực hiện phim về lịch sử hình thành TP.HCM cũng như lịch sử hình thành trụ sở HĐND và UBND TP.HCM một cách sâu hơn.
* Việc mở cửa trụ sở cơ quan công quyền, kể cả dinh tổng thống cho du khách tham quan đã được nhiều nước thực hiện từ lâu. Hình như TP.HCM làm việc này hơi chậm...
- Việc mở cửa trụ sở HĐND và UBND TP.HCM để tham quan là sự mong mỏi của rất nhiều du khách khi đến thành phố. Lãnh đạo thành phố đã xem xét và đồng ý mở chương trình tham quan này. Tuy nhiên, khi chuẩn bị cho lần mở đầu tiên phải mất khá nhiều thời gian chuẩn bị để đảm bảo những yếu tố về an ninh, an toàn.
* Ngoài trụ sở HĐND và UBND, thành phố còn nhiều di tích kiến trúc, lịch sử nổi tiếng khác. Vậy Sở Du lịch có kế hoạch khai thác tiềm năng này như thế nào?
- Các tour khai thác những di tích kiến trúc, lịch sử thì không mới. Trước đây, nhiều công ty du lịch đã có những tour đi bộ, dạo quanh thành phố và du khách có thể đi ngang những công trình kiến trúc cổ của thành phố, nhưng chỉ nhìn bên ngoài. Lần này, chúng tôi kết hợp để du khách có cơ hội được vào bên tham quan và hiểu thêm về kiến trúc cổ.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm có khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa và 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến TP.HCM, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu ngành du lịch đạt 51.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% kế hoạch năm 2023. Thống kê trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm ngày 30/4 và 1/5, có khoảng 48.000 lượt khách quốc tế đến TP.HCM. Các điểm đến tại thành phố ghi nhận khoảng 980.000 lượt khách tham quan, khoảng 180.000 lượt khách đăng ký tại các cơ sở lưu trú, đạt trên 70% công suất phòng. Đây là con số ấn tượng nếu so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Với tour tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM, chúng tôi muốn giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất. Sau khi tổ chức chương trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng sản phẩm du lịch.
Đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến văn hóa - lịch sử, chủ trương chung không phải càng nhiều càng tốt, mà tập trung từng bước để đảm bảo mỗi sản phẩm ra đời sẽ đem đến cho du khách trải nghiệm tốt nhất, giúp du khách tìm hiểu sâu nhất về di tích đó. Đây cũng là điều mà du khách, đặc biệt du khách quốc tế mong muốn.
* Cảm ơn những chia sẻ của ông!