TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng những xung lực mới
Trong nước - Ngày đăng : 04:00, 14/05/2023
Có thể khẳng định rằng, trước Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị đã có 4 đảng văn (gồm 3 nghị quyết chuyên đề và 1 kết luận về TP.HCM), đó là Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14/9/1982, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 18/11/2002, Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017. Tất cả đều nhấn mạnh tầm quan trọng rất lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế và đặc biệt là vị trí chính trị của TP.HCM "vì cả nước, cùng cả nước".
Hay nói cách khác, Nghị quyết 31-NQ/TW không phải là nghị quyết đầu tiên được ban hành quy định riêng cho sự phát triển TP.HCM. Nói như vậy để thấy rằng vai trò, vị trí, tầm vóc, sứ mệnh của TP.HCM ngày càng được nhận diện rõ hơn, được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm xuyên suốt trong mọi thời kỳ, từ đó mà trọng trách của thành phố cũng ngày càng được tăng cường tương ứng.
Tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM; Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TP.HCM hoàn chỉnh đề án ban hành nghị quyết trình Quốc hội.
Năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020. Lúc này, tầm vóc của TP.HCM không còn khu trú với vai trò là một địa phương của khu vực miền Nam đất nước, mà đã được đặt trong tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vai trò đầu tàu, động lực của vùng "TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước".
Được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, ngày 19/10/2017 Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã báo cáo Bộ Chính trị đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị. Sau phiên họp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017. Trong đó, Bộ Chính trị "cho phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM, phải đặt trong khuôn khổ chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trong khuôn khổ pháp luật" và giao trách nhiệm "Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn".
TP.HCM tiếp tục phát triển xứng tầm với vị thế đầu tàu của khu vực Nam bộ và vùng Đông Nam bộ |
Trên tinh thần đó, với sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đột phá của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Bộ Chính trị, sự hướng dẫn và ủng hộ của các ban, Văn phòng Trung ương Đảng, cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ và các bộ ngành liên quan; sự chỉ đạo, hỗ trợ và triển khai hết sức khẩn trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội; sự chia sẻ, đồng cảm của các địa phương trong cả nước, chỉ sau tròn một tháng, ngày 24/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với tỷ lệ rất cao: 460/465 đại biểu biểu quyết tán thành, đạt 93,69%, đáp ứng đầy đủ quy trình thủ tục thông qua nghị quyết tại một kỳ họp Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là sự thể chế hóa nhanh nhất ở cấp cao nhất một chỉ đạo của Đảng tại Kết luận 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị. Đây là sự tin cậy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, thành phố tự hào được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, qua đó yêu cầu TP.HCM phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, tạo điều kiện cho TP.HCM và các bộ ngành, Chính phủ và Quốc hội triển khai trong 3 năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020. Thời gian thực hiện Nghị quyết là 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết.
Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện, cùng với những kết quả to lớn đã được ghi nhận cùng với sự phát triển của TP.HCM, chúng ta phải khách quan nhìn nhận rằng cần bổ sung nhiều hơn và linh hoạt hơn "dư địa" cơ chế lẫn chính sách, nguồn lực lẫn cơ hội cho TP.HCM phát triển cùng cả nước, vì cả nước và cả nước vì TP.HCM.
Không thể lỡ mất thời cơ, cơ hội cho sự phát triển
Sau khi kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 và mở cửa hoàn toàn để thành phố chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, thì kinh tế TP.HCM tiếp tục thể hiện sự hồi phục và bứt tốc ngoạn mục. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhiều nhưng trong vai trò hạt nhân, vai trò đầu tàu của mình thì TP.HCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vị thế của một thành phố đang trên đường phát triển thành siêu đô thị, vươn tầm khu vực và quốc tế, cùng với mục tiêu trở thành địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước nhanh chóng nhận diện một số vấn đề cần tập trung giải quyết, đó là làm thế nào để TP.HCM tiếp tục bứt tốc phát triển. Trọng trách của TP.HCM cùng dòng chảy thời gian không bao giờ là hằng số, mà là những chỉ tiêu kinh tế - xã hội ngày càng lớn hơn "luôn phải hướng lên cao, tiến về trước".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đồng chủ trì buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM |
Bởi lẽ, như chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (diễn ra vào ngày 7/5/2023 vừa qua), tiềm năng của TP.HCM còn rất lớn, nếu có điều kiện thuận lợi, có cơ chế phát huy hết thì TP.HCM sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn về bối cảnh phải ứng phó với biến động, khủng hoảng ở bên ngoài, vừa tháo gỡ những vướng mắc của thực tiễn nội tại của thành phố.
Có thể thấy, bên cạnh một số khó khăn của TP.HCM trong thời gian qua, trong đó có một số hạn chế trong triển khai Nghị quyết 54, thì điều trăn trở hiện nay là có những cơ chế tháo gỡ những vấn đề này để TP.HCM tiếp tục đi lên.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và trí thức đều bày tỏ hy vọng rằng Nghị quyết 31 của Đảng lần này sẽ sớm được cụ thể hóa bằng một nghị quyết mới của Quốc hội và từ nghị quyết này phải tạo được hành lang pháp lý vượt trội, làm bệ đỡ cho TP.HCM phát triển.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM năm 2022 tăng 9,03% so với cùng kỳ. Xét theo từng khu vực, nông lâm thủy sản tăng 3,74%; công nghiệp và xây dựng tăng 12,92%; thương mại dịch vụ tăng 8,37%. Khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (64%) trong cơ cấu nền kinh tế TP.HCM năm 2022, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng (hơn 22%) và nông lâm thủy sản (0,6%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9%.
Đặc thù vượt trội để đột phá…
TS. Trần Du Lịch trong lần trả lời báo điện tử Chính phủ cách đây không lâu từng khẳng định, trên tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, sau đó là Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định rõ định hướng phát triển TP.HCM và đặc biệt trong Nghị quyết 31 yêu cầu phải xây dựng cơ chế, nhất là vấn đề phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước ở TP.HCM đủ tính vượt trội, để khai thác được thế mạnh của thành phố, nhất là vị trí, vai trò đối với vùng Đông Nam bộ và vai trò đầu tàu của thành phố.
Trong dự thảo nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 dự kiến được trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới đây, TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng mang tính hệ thống, bao gồm 7 nhóm nội dung với hơn 40 điểm, theo đó về cơ chế thì mở rộng phân cấp, phân quyền trên 5 lĩnh vực: quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, quản lý đô thị - tài nguyên môi trường, quản lý khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và tổ chức bộ máy, trong đó bao gồm cả phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức (thuộc TP.HCM).
Cụ thể, về cơ chế thì có thể hiểu là mở rộng thẩm quyền cho chính quyền TP.HCM trên một số lĩnh vực như trên để phát huy năng động, sáng tạo của chính quyền TP.HCM trong quá trình quản lý và phát triển; song song với đó lồng vào đó một số cơ chế, chính sách vượt trội, ví dụ như chính sách để thu hút các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược hoặc chính sách để huy động nguồn lực tài chính cho những khu vực mà thành phố còn nhiều dư địa.
Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, trong lần xây dựng nghị quyết mới này, TP.HCM không đặt trọng tâm vào việc khai thác nguồn thu như Nghị quyết 54 hiện hành, thay vào đó TP.HCM đề nghị được thí điểm cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của địa phương. Quan điểm xây dựng nghị quyết mới của TP.HCM là đáp ứng tiêu chí đột phá, vượt trội. Dự thảo nghị quyết mới có đề xuất của TP.HCM và những gợi ý, giao nhiệm vụ từ phía các cơ quan trung ương, các bộ, ngành và chuyên gia. "Đó là những việc luật chưa quy định, luật có quy định nhưng còn chồng chéo với nhau, không giải quyết được các vấn đề để TP.HCM phát triển để làm sao khai phóng hết các nguồn lực phát triển để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 Bộ Chính trị đã ban hành", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin. Cụ thể, TP.HCM phải là cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế Việt Nam, là đầu tàu, trung tâm về nhiều mặt, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, quan điểm xây dựng nghị quyết mới của thành phố là đáp ứng tiêu chí đột phá, vượt trội. Dự thảo nghị quyết mới có đề xuất của TP.HCM và những gợi ý, giao nhiệm vụ từ phía các cơ quan trung ương, các bộ, ngành và chuyên gia, hay nói cho rõ và dễ hiểu hơn là các bộ, ngành cũng sẽ có "liên kết trách nhiệm" trong việc chủ động và tích cực phối hợp với TP.HCM để tạo ra, nghĩ ra các chính sách mới mang tính vượt trội, đột phá. |
Trong rất nhiều buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, Thường trực Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan trong việc chuẩn bị nội dung dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thách thức mà còn phải thúc đẩy, tạo động lực phát triển mới cho thành phố, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; các cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP HCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Tựu trung, nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM và thành phố với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị đang sẵn sàng tiếp nhận những xung lực mới, những trọng trách mới nặng nề hơn, tầm vóc hơn, trong tâm thế của một đầu tàu kinh tế của khu vực Đông Nam bộ, vùng Nam bộ nói riêng, để cùng cả nước phát triển, vươn xa trên tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM".
Tại kỳ họp cuối năm 2022, Quốc hội đã tiến hành tổng kết và cho phép kéo dài Nghị quyết 54 thêm một năm, đến ngày 31/12/2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hiện hành.
Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung nghị quyết mới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn; trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp.