Doanh nhân tháp tùng Hồ Chủ tịch thăm nước Pháp

Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 14/05/2023

Khoảng cuối tháng 5/1946 tại Hà Nội, ông Nguyễn Lương Bằng (sau này là Phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đến nhà ông bà tư sản Đỗ Đình Thiện cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chính phủ Pháp mời sang thăm và Bác muốn ông Thiện cùng đi.
-1758-1683969284.jpg

Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện và vợ Trịnh Thị Điền cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng

Suy nghĩ hồi lâu, ông Thiện hỏi lại: “Nếu tôi từ chối có được không?”. Ông Bằng nói: “Vậy thì anh tìm một người như anh thay thế”. 

Tìm đâu ra?

Vậy là trong chuyến bay chiều 31/5/1946 khởi hành từ sân bay Gia Lâm chở Hồ Chủ tịch và đoàn tùy tùng sang Pháp có hai ông Vũ Đình Huỳnh và ông Đỗ Đình Thiện (1904-1972). Ông Huỳnh được Bác phong hàm đại tá - xem như “quan võ”, còn ông Thiện là “quan văn”.

Paris và một số nơi ở nước Pháp không xa lạ với ông Thiện, bởi ông này từng học tại Trường Kỹ sư canh nông Toulouse, tham gia phong trào tranh đấu đòi độc lập cho Việt Nam và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Ông bị cảnh sát Pháp bắt vì in truyền đơn cách mạng thức tỉnh lòng yêu nước của những người lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Sau khi ở tù 4 tháng, ông bị trục xuất về Việt Nam.

Năm 1932, sau khi kết hôn với bà Trịnh Thị Điền (1912-1996) - một đảng viên Đảng Tân Việt, ông bà từ nhà hoạt động cách mạng dần trở thành doanh nhân, nhà tư sản. Năm 1940, ông bà đã có tiệm tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, đồn điền cà phê ở Chi Nê, Hòa Bình. Năm 1943, khi quỹ của Đảng chỉ còn 24 đồng, ông bà đã tặng 3 vạn đồng qua lần tiếp xúc với ông Nguyễn Lương Bằng.

Khi Việt Nam vừa giành lại độc lập, chính quyền non trẻ, thù trong giặc ngoài, những doanh nhân như vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ... đã trở thành biểu tượng đáng kính của người dân yêu nước, hành trình cùng dân tộc, gắn bó với Chính phủ Hồ Chí Minh.

Toàn quốc kháng chiến, ông Đỗ Đình Thiện ở lại Hà Nội đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến quận Hoàn Kiếm. Đồn điền ở Hòa Bình của gia đình ông được chọn làm nơi in tiền giấy bạc Cụ Hồ.

Giữa cuối tháng 2/1947, máy bay Pháp oanh tạc dữ dội đồn điền Chi Nê, dù không có thương vong nhưng bị thiệt hại nặng máy móc và kho cà phê cháy suốt một tuần (theo hồi ký của nhà thơ Huy Cận). Sau vụ này, Bác có thư thăm hỏi, động viên gia đình Đỗ Đình Thiện. Thư viết: “Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không đáng sợ. Còn trời còn nước còn non/ Thì còn của cải bà con họ Hồ”.

Trong chiến khu Việt Bắc, ông Thiện làm giám đốc nhưng không hưởng lương tại Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo. Ngày hòa bình, ông về Hà Nội làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, còn vợ làm thủ quỹ Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Trở lại chuyến công du cùng Bác Hồ năm 1946 sang Pháp, ông Thiện với nhiệm vụ hỗ trợ phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị Fontainebleau bàn về hòa bình và độc lập tại Đông Dương, đã tham dự tới 300 cuộc gặp gỡ, họp báo của Hồ Chủ tịch với quan chức Pháp, bà con Việt kiều. 

Ông đảm nhiệm việc ghi chép tất cả sự kiện, tài liệu như vai trò một nhà báo, một “quan sử”. Tập tài liệu tới 67 trang của ông và các bức ảnh chụp 100 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Pháp thật quý giá, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. 

Trần Đình Việt