Điện ảnh và du lịch: Liên kết để phát triển
Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 14/05/2023
Cảnh trong phim Hành trình tình yêu của một du khách |
Lợi ích của điện ảnh với du lịch
Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, Hành trình tình yêu của một du khách (A tourists guide to love) chiếu trên Netflix kể về chuyến đi của Amanda - một chuyên viên du lịch (Rachael Leigh Cook đóng) đến Việt Nam sau khi chia tay bạn trai. Phim được quay tại 5 điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam bao gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội và Hà Giang. Vẻ đẹp các danh lam thắng cảnh trong phim được khắc họa xen kẽ các phân đoạn về tập quán văn hóa, như cuộc sống náo nhiệt với khu chợ Bến Thành, thả hoa đăng trên sông Hoài, gói bánh chưng, chuẩn bị bữa cơm ngày Tết tại Hà Giang, xem múa rối nước ở Hà Nội...
Hai tuần sau khi phát hành toàn cầu và độc quyền trên Netflix, Hành trình tình yêu của một du khách đã vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng top 10 phim toàn cầu (tiếng Anh) với 20,92 triệu giờ xem trong tuần từ ngày 24-30/4. Phim cũng lọt vào top 10 tại 89 quốc gia trên Netflix và xếp hạng 1 tại Canada, Costa Rica, Bulgaria, Phần Lan, Nam Phi, Việt Nam. Là tác phẩm quốc tế đầu tiên được quay gần như hoàn toàn tại Việt Nam, phim cho thấy nỗ lực của Netflix trong việc góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp và văn hóa Việt Nam tới bạn bè khắp thế giới.
Cảnh trong phim Gái già lắm chiêu 5 |
Trước đó, những bộ phim nước ngoài quay ở Việt Nam như Người tình (1991), Đông Dương (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002)... cũng từng góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt Kong: Skull Island (2017) - phim “bom tấn” của Hollywood đã đưa khu danh thắng Tràng An đến với thế giới.
Một số phim Việt Nam như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) đã đưa vùng đất Phú Yên trở thành điểm đến của nhiều du khách (tăng hơn 30% so với năm 2014). Chuyện của Pao với hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng ở Hà Giang rất hấp dẫn du khách. Mắt biếc (2019) đã đưa ngôi làng Hà Cảng (Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) bình yên như bao làng quê khác trở thành điểm đến được nhiều người ưa thích.
Tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc... quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là một giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy nhu cầu tham quan của du khách trong nước, thu hút du khách nước ngoài. Để tận dụng được lợi thế phim ảnh trong phát triển du lịch, họ đều có những chính sách ưu đãi để thu hút nhà làm phim, tăng tính cạnh tranh. Như đơn giản hóa về thủ tục để phục vụ các đoàn làm phim nước ngoài, đào tạo cho các nhà làm phim trong nước về cách thức làm việc với các đoàn phim nước ngoài, đầu tư ngân sách phù hợp và các chính sách ưu đãi khác như giảm thuế, hoặc hoàn chi phí quay phim để thu hút kíp làm phim “bom tấn”...
Cần sự gắn kết chặt chẽ
Sở hữu vô vàn cảnh đẹp và di sản văn hóa đặc sắc, Việt Nam rất giàu tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Thế nhưng, sự gắn kết giữa du lịch và điện ảnh trong quảng bá, xây dựng hình ảnh điểm đến chưa hiệu quả. Cảnh đẹp trong nhiều phim Việt chỉ dừng lại là bối cảnh đơn thuần. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tạo nên “cơn sốt” cảnh đẹp của Phú Yên trên mạng xã hội vào năm 2015, song đến tận giữa năm 2016, các công ty du lịch mới chào bán các tour tham quan điểm đến này, cho thấy sự gắn kết giữa địa phương, doanh nghiệp và nhà sản xuất phim vẫn còn bỏ ngỏ trong việc mang lại hiệu quả đối với du lịch từ điện ảnh.
Tín hiệu đáng mừng là sau khi Huế được chọn làm bối cảnh của seri phim Gái già lắm chiêu 3-4-5, Kiều, Mắt biếc, để không bỏ ngỏ tiềm năng quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạo thuận lợi cho các đoàn làm phim, như hỗ trợ kinh phí thông qua hình thức miễn giảm vé vào di tích, giảm chi phí lưu trú, sử dụng bối cảnh miễn phí... Đặc biệt là chính sách thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu xây dựng phim trường chuyên nghiệp bên cạnh các phim trường tự nhiên.
Cảnh trong phim Mắt biếc |
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề cập đến giải pháp “ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch”. Luật Điện ảnh 2022 cũng quy định rõ về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, như tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Hợp tác sản xuất, thu hút các đoàn làm phim nước ngoài là cách giúp điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh phát triển và góp phần quảng bá du lịch. Theo đó, Đà Nẵng đã đăng cai tổ chức Liên hoan phim châu Á từ ngày 9-13/5 với chủ đề “Điện ảnh Việt Nam và châu Á - Hợp tác, phát triển”. Thành phố Đà Nẵng đã chọn điểm đến để giới thiệu với giới đạo diễn, đoàn làm phim, bởi sự kiện là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh địa phương.
Vào cuối tháng 5 này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lần đầu tiên phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 tại Nha Trang. Trong đó có diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” nhằm thông tin về chính sách mới liên quan đến du lịch và điện ảnh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc đưa thương hiệu du lịch vào điện ảnh, với sự tham gia của hơn 300 khách mời (giới làm phim, doanh nghiệp...) trong và ngoài nước.