Ra mắt bộ sách lịch sử ngành công thương Việt Nam
Sách hay - Ngày đăng : 02:26, 13/05/2023
Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Namlà công trình đồ sộ, được nghiên cứu, xây dựng công phu với tổng cộng hơn 2.500 trang, được hoàn thành sau gần hai năm thực hiện. Trong đó có gần 900 trang của cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010 và gần 1.600 trang, trình bày hơn 1.400 sự kiện trong hai tập Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011-2020, tập 1 (2011-2015) và Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011-2020, tập 2 (2016-2020).
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện ngành công thương qua các thời kỳ lịch sử (cả lịch sử ngành và lịch sử tổ chức của ngành, hệ thống các ngành, phân ngành); đã tái hiện lại một cách hệ thống, chân thực, khách quan những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những thời điểm khó khăn, thách thức mà ngành công thương đã trải qua, xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá bộ sách là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú và có độ tin cậy cao; xứng đáng được xem là một công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam, lịch sử kinh tế Việt Nam, lịch sử Chính phủ Việt Nam, đóng góp vào kho tàng lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là "cẩm nang" rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với ngành công thương cũng như những đóng góp, cống hiến của ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành công thương Việt Nam, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ và trân quý các giá trị truyền thống, góp phần tạo lập, nuôi dưỡng niềm tự hào, yêu ngành, yêu nghề và hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực phấn đấu cùng toàn ngành hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
"Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự tâm huyết, nỗ lực của ban biên soạn, nhóm tác giả, các chuyên gia, nhà khoa học, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngành công thương và đơn vị liên quan trong quá trình sưu tầm, thu thập tài liệu, tư liệu và biên tập bản thảo", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Bà Đặng Thị Ngọc Thu - Tổng biên tập Tạp chí Công Thương cho biết, bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam đã áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu, bao gồm phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu xã hội học, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… Việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đã giúp tái hiện lịch sử ngành công thương và nền kinh tế một cách liền mạch, được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều, đồng thời cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý kinh tế. Đó là những bài học xử lý các mối quan hệ: giữa Nhà nước và thị trường; giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát... đúng như lời dạy của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: "Lý luận cách mạng Việt Nam phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, và giải quyết những vấn đề do cách mạng Việt Nam đặt ra".
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật là cơ quan xuất bản bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam. Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010 và Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011-2020 được biên soạn, xuất bản công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, chú trọng cả nội dung khoa học và hình thức thể hiện. Bộ sách đã khái quát những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những khó khăn, thách thức của ngành công thương, qua đó cho thấy những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ sách là tài liệu có giá trị góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế của đất nước nói chung cũng như đối với ngành công thương trong 72 năm xây dựng và phát triển.