Doanh nghiệp dệt may TP.HCM hướng đến phát triển xanh

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 00:42, 11/05/2023

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, các doanh nghiệp dệt may hiện đối mặt rất nhiều khó khăn về chuyển đổi đầu tư để đạt mục tiêu phát triển bền vững, duy trì đà tăng xuất khẩu và không bị loại khỏi chuỗi cung ứng, vì vậy phát triển theo hướng “xanh hóa” là tất yếu.
Doanh nghiệp dệt may TP.HCM hướng đến phát triển xanh

Số liệu do Bộ Công Thương công bố cho biết, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Đồng thời, chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (đi kèm Quyết định 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ) cũng nêu rõ dệt may, da giày phải đầu tư theo hướng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn quốc tế. 

Ông Trần Văn Quy - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy cho biết, trước yêu cầu ngày càng khắt khe thì đơn vị này đã đầu tư 180 tỷ đồng vào nhà xưởng 10.000m2 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nhà máy này được đầu tư công nghệ hiện đại, từ khâu nhuộm dệt đến hoàn tất sản phẩm, có thể tiết kiệm 60-70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc trong nước với năng suất 2 triệu mét vải/năm.

-6077-1683799671.jpg

Đoàn lãnh đạo HUBA tại buổi đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Dệt may Trung Quy

"Nhà máy dệt nhuộm Trung Quy đã tạo những nguồn nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, để cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may để xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada", ông Quy chia sẻ. "Với quy trình khép kín từ dệt nhuộm và hoàn tất cùng các nguồn sợi sử dụng tại Việt Nam, thì nhà máy của chúng tôi có thể đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa phục vụ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết".

Với việc đưa vào sử dụng nhà máy mới từ năm 2021, doanh thu hằng năm của Trung Quy hiện lên đến con số 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại, cũng theo ông Quy, ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn do mất đơn hàng, thị trường tiêu thụ ảm đạm khi đối thủ cùng ngành ở Bangladesh vẫn tăng trưởng ổn định, đã soán ngôi Việt Nam trở thành nhà sản xuất thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Bên cạnh đó, do giá nhân công tại Bangladesh giảm (chỉ bằng 1/6 so với giá nhân công tại Việt Nam), các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy khắt khe, giá điện tăng cao cũng khiến cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức.

-5569-1683815164.jpg

Đoàn lãnh đạo HUBA tặng quà lưu niệm cho Công ty Trung Quy

Tại buổi đến thăm và làm việc với Công ty Trung Quy của đoàn lãnh đạo HUBA gần đây, bên cạnh việc đánh giá cao sự sự năng động của công ty trong việc đầu tư vào lĩnh vực mà ngành dệt may đang còn thiếu, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA khuyến nghị Trung Quy nên đi theo hướng phát triển bền vững theo hướng "xanh hóa", tiếp tục phát triển sợi dệt, đẩy mạnh liên kết giữa những doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước để khai thác những điều kiện ưu đãi của các FTA, đồng thời đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

UBND TP.HCM đã giao cho HUBA chủ trì Diễn đàn Kinh tế TP.HCM với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không" (HEF 2023) nhằm đón đầu xu thế phát triển bền vững trong tương lai. "Chúng tôi cũng đang dự thảo phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức giải thưởng doanh nghiệp xanh nhằm để tôn vinh những doanh nghiệp trong khó khăn vẫn hướng đến phát triển bền vững", ông Hòa cho biết. 

Tâm An