95% tổ chức tín dụng đã triển khai chuyển đổi số
Tài chính, chứng khoán, ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 12/05/2023
Nhiều tổ chức tín dụng chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.
Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn dữ liệu dân cư là một trong những động lực giúp ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước là một trong số các bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao về sự vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06 (Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, nhìn đến năm 2030").
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an cũng vừa ký kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Trong đó nêu cụ thể các nhiệm vụ, giao đơn vị đầu mối với sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với C06 - Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng…
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tính đến hết tháng Ba giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng so với cùng kỳ năm 2022; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%. Đáng chú ý, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.