Cục "máu đông" nợ xấu tái phát triển
Tài chính, chứng khoán, ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 12/05/2023
Khi nền kinh tế suy yếu, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng sụt giảm phải thu hẹp hoạt động sản xuất, nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, thì chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng liên đới.
Nợ xấu tăng trở lại
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2022 ở mức 2%.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của NHNN, dù trong tháng 2/2023, toàn hệ thống các TCTD xử lý được 21,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý), nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2 vẫn tăng lên mức 2,91%.
Đáng lưu ý, mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Nhưng qua rà soát và đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu, như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...).
Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.
Thực tế, báo cáo tài chính quý I/2023 vừa qua của các ngân hàng cũng chứng kiến xu hướng nợ xấu tăng nhanh tương tự. Như tại OCB, nợ xấu tính đến cuối quý I/2023 tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. MBBank cũng ghi nhận tổng nợ xấu lên 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm, đặc biệt nợ xấu tại ngân hàng này có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.
Tại ABBank, tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 ghi nhận hơn 3.198 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%. Tương tự, tổng nợ xấu của VIB tăng vọt 47% so đầu kỳ, lên đến 8.342 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng tăng lên mức 3,6% so với 2,45% thời điểm đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 2,4 lần khi chiếm 3.731 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 42% lên 2.435 tỷ đồng.
Không chỉ nợ xấu gia tăng từ các khoản cho vay khách hàng, một số ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trước đây cũng đang đứng trước rủi ro nợ xấu từ khoản đầu tư này. Theo VIS Rating ước tính, tỷ lệ nợ xấu TPDN đã tăng lên gần 10% tính đến tháng 3/2023, từ mức 1,2% vào cuối tháng 9/2022. VIS Rating cũng ước tính, khoảng 113.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn trong quý II/2023 tới quý IV/2023 có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán.
Nguyên nhân và giải pháp
Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng sụt giảm phải thu hẹp hoạt động sản xuất, nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng lây lan theo là tất yếu. Cụ thể, dù đã lường trước những khó khăn và thách thức, nhưng tăng trưởng GDP quý I vừa qua chỉ đạt 3,32% đã khiến không ít chuyên gia kinh tế phải bất ngờ.
Còn theo dữ liệu cập nhật mới đây của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã có 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng mạnh 25,1% so với cùng kỳ năm trước và đã tương đương gần 54% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường của cả năm 2022. Với số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn đang gia tăng, các khoản cho vay của ngân hàng đang đối mặt với rủi ro khó thu hồi.
Mặt bằng lãi suất cho vay tăng nhanh và cao trong những tháng vừa qua, khiến áp lực chi trả lãi vay của nhiều doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân gia tăng cũng có thể làm tăng nguy cơ nợ xấu. Nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận của các ngân hàng, do vừa phải thoái thu lãi nếu không thu được, vừa phải tăng áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay tăng nhanh và cao trong những tháng vừa qua, khiến áp lực chi trả lãi vay của nhiều doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân gia tăng cũng có thể làm tăng nguy cơ nợ xấu. Nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận của các ngân hàng, do vừa phải thoái thu lãi nếu không thu được, vừa phải tăng áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Chính vì vậy, NHNN gần đây đã linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, nỗ lực kéo giảm lãi suất trở lại, không chỉ nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp, mà còn là để giảm bớt những rủi ro nợ xấu cho ngành ngân hàng. Theo chia sẻ mới đây của đại diện NHNN, hiện lãi suất tiền gửi bình quân đang giảm về mức 6-6,1%/năm, lãi suất cho vay bình quân 9-9,2%/năm, đây là mức giảm khá tích cực. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm.
Gần đây, vào hôm 23/4/2023, NHNN chính thức ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Thông tư cũng quy định dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024, nhằm giãn áp lực phải trích dự phòng đối với các khoản nợ xấu được tái cơ cấu.
Cùng thời điểm này, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN trong tình hình khó khăn hiện nay, khi cho phép các TCTD mua lại ngay trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM mà tổ chức này đã bán ra.
Như vậy, sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành vào tháng 3, nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, việc NHNN liên tục ban hành Thông tư 02 và 03 sẽ không chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn giúp cả hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng nói riêng tránh được rủi ro nợ xấu gia tăng đột biến như đã phân tích ở trên.