Phế truất đồng USD?

Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 12/05/2023

Không ít ý kiến cho rằng, đồng nhân dân tệ (CNY) đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm khi tìm cách phế truất vị thế số một của đồng đô la Mỹ (USD). Sự chuyển dịch đang thể hiện rõ nhất tại nước Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đang siết cả nguồn cung và nhu cầu USD tại Nga, khiến CNY ngày càng phổ biến ở đây.

Thách thức vị thế

Nhằm ứng phó các lệnh trừng phạt của phương Tây khi nhiều ngân hàng Nga đã bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán Liên Ngân hàng Quốc tế (SWIFT) và không thể thực hiện nhiều giao dịch, nước Nga gần đây cho biết sẽ loại bỏ hoàn toàn việc dùng USD và đồng euro (EUR) trong giao dịch năng lượng, để chuyển sang sử dụng các nội tệ quốc gia tương ứng.

Thời gian qua, hầu hết giao dịch năng lượng với đối tác nước ngoài của Nga đã được thực hiện bằng đồng ruble và CNY. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ lệ thanh toán bằng EUR và USD của Nga trong các giao dịch với đối tác nước ngoài trong năm 2022 đã giảm từ mức 79% hồi đầu năm xuống còn 50% vào cuối năm. Ngược lại, tỷ trọng dùng CNY cho các giao dịch tiền tệ của Nga tăng trên 30%.

Không ít ý kiến cho rằng, CNY đang nổi lên như là một đối thủ đáng gờm và đang nỗ lực tìm cách phế truất vị thế số một của USD. Trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, tỷ phú Elon Musk cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đồng USD có thể duy trì được vị trí đồng tiền dự trữ số một thế giới. Nhìn vào đòn trừng phạt nặng nề mà Mỹ nhắm vào Nga, nhiều quốc gia  đã và đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào USD để đề phòng.

Đáng lưu ý, ngay cả những đồng minh lâu năm của Mỹ như các nước EU, gần đây cũng lo ngại về sức mạnh và sự phụ thuộc quá lớn vào USD, đồng thời cũng muốn EUR trở nên phổ biến hơn và cạnh tranh hơn trong giao thương quốc tế. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với trang Politico, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thẳng thắn cho biết: "EU cần giảm sự phụ thuộc vào đặc quyền ngoại giao của đồng USD".

-5688-1683620968.jpg

Sự chuyển dịch thể hiện rõ nhất tại nước Nga, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đang siết cả nguồn cung và nhu cầu USD tại Nga, khiến đồng CNY ngày càng phổ biến ở đây. Từ năm 2014, Nga đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào USD sau khi sáp nhập Crimea. Năm 2018, khi Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, họ bắt đầu bán trái phiếu chính phủ Mỹ và tìm cách giao dịch bằng ruble cũng như các tiền tệ khác.

Các doanh nghiệp tại Nga cũng đang chuyển sang phát hành trái phiếu bằng CNY thay vì USD như trước. Thống kê cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, lần đầu tiên khối lượng giao dịch CNY vượt USD. Bộ Tài chính Nga cho biết, tỷ lệ CNY tối đa mà quỹ đầu tư nước này nắm giữ đã được nâng gấp đôi, lên 60% từ tháng 12 năm ngoái. Nhiều gia đình ở Nga nắm giữ tính ra gần 6 tỷ USD tiền tiết kiệm bằng CNY, tính đến cuối năm ngoái. Trước chiến sự, con số này gần như bằng 0.

Giới phân tích tin rằng, tận dụng lợi thế thương mại, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đưa đồng CNY vào thanh toán với các đối tác thương mại lớn, xây dựng sức mạnh của đồng tiền này nhằm thách thức vị thế thống trị của đồng USD. Các thỏa thuận đã được thiết lập với một số quốc gia như Nga, Kazakhstan, Pakistan, Brazil để sử dụng CNY trong các giao dịch xuyên biên giới thay cho USD. Olga Gogaladze - một cố vấn tài chính tại Nga chia sẻ: "Mọi người đều nói về sự kết thúc của đồng đô la Mỹ. Nhân dân tệ đang nổi lên là ứng cử viên thay thế”.

Khi kinh tế Mỹ gặp khó

Số liệu thống kê từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng USD trên thế giới dù vẫn cao hơn nhiều so với các đồng tiền chủ chốt khác, nhưng đã có xu hướng giảm nhẹ trong thập niên qua, xuống còn dưới 60%. Cụ thể, trong quý IV/2022, USD chiếm khoảng 58,4% dự trữ ngoại hối, tiếp theo là EUR ở mức 20,5%, yên Nhật (JPY) ở mức 5,5%, bảng Anh (GBP) ở mức 5% và CNY mới chỉ 2,7%.

Chẳng những vậy, rủi ro vỡ nợ của Mỹ khiến các nhà đầu tư sụt giảm niềm tin vào USD. Đầu tháng 5, các chuyên gia kinh tế tại Nhà Trắng cảnh báo nếu Mỹ vỡ nợ, nền kinh tế sẽ mất hơn 8 triệu việc làm và thị trường chứng khoán "bốc hơi" một nửa giá trị.

Xu hướng này diễn ra giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang chật vật trước rủi ro suy thoái, lạm phát cao và khủng hoảng hệ thống ngân hàng gần đây, càng khiến đồng USD trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt khi chu kỳ nâng lãi suất của Mỹ đang đi vào hồi kết. Cuộc họp tháng 5 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,25% và đây có thể là lần tăng cuối cùng trong năm 2023. 

Những rối loạn trên thị trường tài chính Mỹ khiến các nhà hoạch định chính sách phải chùn tay. Trong những ngày đầu tháng 5, Mỹ chứng kiến thêm vụ sụp đổ của Ngân hàng First Republic, khiến Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) phải đóng cửa ngân hàng này và bán toàn bộ 93,5 tỷ USD tiền gửi và phần lớn tài sản cho JPMorgan.

Động thái trên khiến First Republic trở thành vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau Washington Mutual trong năm 2008. Quy mô của ngân hàng này lớn hơn đôi chút so với Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng đã sụp đổ trong tháng 3/2023. First Republic có hơn 220 tỷ USD tài sản vào thời điểm bị tiếp quản và là ngân hàng lớn thứ 14 của nước Mỹ vào cuối năm 2022.

Tiếp đó, cổ phiếu của các ngân hàng như PacWest Bancorp, First Horizon và Western Alliance và hàng loạt cổ phiếu ngân hàng địa phương đã lao dốc trên thị trường chứng khoán, càng làm dấy lên lo ngại về một lĩnh vực đã ghi nhận ba vụ sụp đổ trong hơn một tháng. Các ngân hàng đã tăng khoản vay khẩn cấp từ FED trong tuần thứ hai liên tiếp, một dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng đang diễn ra trong hệ thống. Các nhà đầu tư cảnh báo, căng thẳng trong hệ thống ngân hàng còn lâu mới chấm dứt. 

Chẳng những vậy, rủi ro vỡ nợ của Mỹ cũng khiến các nhà đầu tư sụt giảm niềm tin vào USD. Đầu tháng 5, các chuyên gia kinh tế tại Nhà Trắng cảnh báo nếu Mỹ vỡ nợ, nền kinh tế sẽ mất hơn 8 triệu việc làm và thị trường chứng khoán "bốc hơi" một nửa giá trị. Nhà Trắng chỉ ra ba kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế Mỹ, bao gồm trường hợp tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. 

Dự báo của các chuyên gia kinh tế tại Nhà Trắng tương tự đánh giá của Moodys Analytics. Hồi tháng 3, đơn vị này đã cảnh báo một vụ vỡ nợ kéo dài có thể khiến hơn 7 triệu người Mỹ thất nghiệp. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6/2023 nếu Quốc hội không nới trần nợ. Còn tại cuộc họp báo hôm 3/5, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, nếu không nới trần nợ công sẽ là rủi ro chưa từng có tiền lệ và gây ra hậu quả khó lường với Mỹ.

Khả Hân