Sử dụng nguồn vốn tự có và vốn vay

Toàn cảnh - Ngày đăng : 08:33, 22/04/2009

Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam thường dựa vào hai nguồn vốn chính là vốn tự có và vốn vay. Làm thế nào để có thể sử dụng cả hai nguồn vốn này một cách hiệu quả nhất?Nguyễn Hà Hương (Bình Thạnh, TP.HCM)
Sử dụng nguồn vốn tự có và vốn vay

* Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam thường dựa vào hai nguồn vốn chính là vốn tự có và vốn vay. Làm thế nào để có thể sử dụng cả hai nguồn vốn này một cách hiệu quả nhất?

Nguyễn Hà Hương (Bình Thạnh, TP.HCM)

- Vốn tự có bao gồm vốn cổ phần thường, thặng dư vốn từ việc phát hành thêm cổ phiếu, lợi nhuận sau thuế. Còn vốn vay, bao gồm vốn vay ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) và trái phiếu. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phải xuất phát từ việc điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn tự có và nguồn vốn vay trong tổng cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

- Nếu làm phép so sánh giữa việc sử dụng vốn vay với vốn tự có thì rõ ràng mỗi loại nguồn vốn đều có những ưu và nhược riêng. Vì vậy, việc chọn lựa để điều chỉnh tỷ lệ phù hợp phải dựa vào đặc thù riêng của từng doanh nghiệp trong những thời điểm nhất định.

- Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có chi phí sử dụng vốn thấp, giúp tối đa hoá lợi nhuận để từ đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp (cấu trúc vốn của doanh nghiệp). Mặt khác, trong việc lựa chọn nguồn vốn, doanh nghiệp có thể ưu tiên cho vốn hóa lợi nhuận giữ lại (mạnh dạn sử dụng lợi nhuận giữ lại, miễn là cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư để họ đồng tình), vốn vay và vốn cổ đông (phát hành thêm cổ phiếu).

- Chủ doanh nghiệp phải nắm rõ chi phí sử dụng nguồn vốn của từng loại vốn (dựa trên nguyên tắc phù hợp với cơ cấu của từng doanh nghiệp, ngành nghề, thị trường...). Trên thực tế, không có công thức chung nào cho việc xác định một cơ cấu vốn tối ưu.

- Việc xác định cơ cấu vốn phù hợp với từng doanh nghiệp phụ thuộc vào 6 yếu tố: rủi ro kinh doanh (sự ổn định hay biến động trong doanh thu), cơ cấu chi phí cố định và biến phí, tài sản cố định (giá trị thế chấp), năng lực khấu trừ thuế thu nhập của doanh nghiệp, quản trị hội đồng doanh nghiệp (đối với công ty cổ phần đại chúng), chất lượng thông tin của doanh nghiệp (gồm kế toán, kế hoạch kinh doanh).

Mọi câu hỏi dành cho chuyên mục “Bài học ngoại khóa” xin gửi về: Báo Doanh Nhân Sài Gòn, 7 Trần Quốc Thảo, phường 6, quận 3, TP.HCM hoặc email: kimdung@doanhnhansg.com.vn; dungdnsg@yahoo.com

TS tài chính HOÀNG THỊ HOA