Nhớ núm mối...
Du lịch - Ngày đăng : 04:32, 09/06/2009
Mùa bông dầu rụng chao nghiêng giữa không trung cùng những cơn mưa bất chợt ùa về. Mưa tạnh. Một vạt nắng bỗng hiện ra. Một cơn gió thoảng qua. Nắng và gió quá đỗi thân quen. Ta chợt nhận ra và reo lên trong lòng như thể gặp lại người quen cũ: “Nắng và gió núm mối đây mà!”.
Ngã ba sông Ngãi Tứ (Vĩnh Long) |
Người Sài Gòn không thể nhận ra màu nắng ấy, không ngửi được mùi gió ấy. Bởi màu nắng ấy, hương gió ấy bay ra từ ký ức của người ly hương - những người đã từng trải qua thời thơ ấu nơi chốn quê nhà.
Nhà tôi ở ngã ba sông Ngãi Tứ. Đó là cái ngã ba như bất cứ ngã ba nào ở miệt đồng miền Tây Nam bộ với doi đất hình mũi tàu lờ mờ trong sương sớm và lãng đãng chìm khuất trong ánh nắng cuối ngày.
Với người xa quê, không phải cái ngã ba nào cũng giống nhau. Trong tiềm thức của họ, mỗi ngã ba sông đều đọng trong lòng những hoài niệm khó quên. Tuổi thơ tôi gắn liền với con nước lớn ròng của dòng sông chảy ngang nhà và cái doi đất hình mũi tàu đó mãi mãi neo đậu trong ký ức.
Bây giờ, mỗi lần về thăm nhà nhân dịp Tết Đoan ngọ, tôi vẫn thức dậy lúc sáng sớm để ngắm cái doi đất đó trong sương, vẫn thích thú tắm mình dưới dòng sông và hít thở con gió núm mối thoảng về lăn tăn trên mặt sông trong màu nắng sớm.
Dân quê tôi không gọi là nấm mà kêu là núm mối. Nhớ hồi đi học ở tỉnh về quê ăn Tết mùng 5 tháng 5, tôi thường hỏi bà ngoại: “Năm nay vườn nhà mình có nấm mối không ngoại?”.
Bà tủm tĩm cười, hóm hĩnh nói: “Vườn nhà bà chỉ có núm mối chớ không có nấm mối con ơi!”. Giống như ngoại, má tôi cũng vậy: “Mày mà kêu hạt lúa, hạt gạo coi chừng không có hột cơm để ăn đó con!”. Sau này, mỗi lần về nhà tôi lại thưa: “Thưa ngoại, thưa má, con mới dìa” chớ không dám nói “con mới về”!
Núm mọc ngay trên gò mối |
Núm mối là núm mọc ra từ ổ mối. Ổ đó được con mối xây dưới lòng đất, nơi gò cao của những khu vườn tạp hoặc các lùm bụi hoang. Khi đào lên ta sẽ thấy những ổ mối riêng lẻ liên kết nhau rất tinh vi. Bên trong là những ổ mối giống như vắt cốm chùi. Cốm chùi làm bằng lúa nếp rang, hột nếp bung ra, lấy ruột trộn với đường rồi vắt lại thành từng vắt bằng nắm tay.
Trẻ con quê tôi ngày trước chẳng có nhiều bánh kẹo như bây giờ, mỗi lần má đi chợ về là chạy ùa ra mừng: “Má dìa... má dìa...” để được nhận những vắt cốm chùi thơm ngon, béo ngậy... Cái vắt cốm chùi đó ngon lắm, không biết chợ huyện quê tôi bây giờ còn bán không?
Tết Đoan ngọ, trời bắt đầu vào mưa. Mùa hè oi ả gặp mưa bỗng trở nên mát dịu, đất đang khô cằn uốn mình mềm ra... Meo ổ mối “vươn vai thức dậy”, để rồi vào một sáng tinh sương, cả một “binh đoàn” núm mối vạch đất chui lên! Núm nhiều hay ít tùy lượng đất mà đàn mối làm ổ “cốm chùi”, cũng như tùy vào gò đất nhỏ hay lớn.
Những gò mối lớn, có thể nhổ được cả thúng núm. Nhổ núm mối là niềm vui của trẻ con miệt vườn. Với màu nắng ấy, hương gió ấy và cơn mưa bất chợt ập đến là bọn trẻ con trong xóm tôi nao nức đến mùa núm mối. Thời chiến tranh, đất vườn bỏ hoang nhiều nên bọn trẻ có thể nhổ núm ở bất cứ khu vườn nào mà không sợ bị chủ đất quở mắng.
Bây giờ, có chủ vườn còn khiêng cả bộ vạt ra gò mối để ngủ canh chừng núm mọc. Bọn trẻ xóm tôi thường hay xí trước các gò đất, lùm bụi... những nơi mà năm trước hay có núm.
Có khi tờ mờ sáng thức dậy, tôi chưa kịp rửa mặt, chạy ù ra vườn thì đã thấy thấp thoáng bóng dáng mấy đứa kia ở đó rồi. Người ta nói những người “nặng bóng vía” khi đi qua gò núm mối sẽ không thấy núm. Bởi vậy dù tôi ra sau, mấy đứa kia vẫn để lại những bãi núm vô cùng ngon ăn.
Núm mối còn búp sau khi nhổ |
Nhổ núm mối thì phải nhổ nhẹ nhàng và phải lấy hết gốc núm. Gốc núm ăn sâu trong lòng đất, được nuôi dưỡng bởi “tinh hoa” của đất và mối nên ăn rất ngọt. Những núm vừa bum búp phồng lên dàn đội hình như những “chú lính” khỏe mạnh sẵn sàng xung trận là những núm ngon nhất. Núm nở ra như những chiếc dù thì không ngon bằng và sẽ mau tàn.
Có khi đi ngang qua mà không thấy núm là vì màu núm tiệp với màu đất, những người nóng tính, gấp gáp, qua loa thường dễ bỏ qua mà đi tìm núm chỗ khác. Bà con miệt vườn mộc mạc cho là “nặng bóng vía” nên không thấy núm mối!
Núm mối chỉ cần cạo rửa hết đất rồi ngâm chút nước muối là sạch, núm nhỏ thì để nguyên tai; núm lớn thì chẻ làm hai, làm ba. Núm mối làm món gì cũng ngon: nấu canh với các loại rau, với bầu, với mướp... hoặc làm nhưn bánh xèo, nấu bánh canh, nướng với lá cách...
Núm mối xào mỡ là món dễ làm nhất. Chỉ cần bỏ nấm vào chảo xào với mỡ heo hoặc dầu ăn, không cần nêm gia vị, núm vẫn ngọt và thơm mùi đặc trưng rất... núm mối.
Người dân miệt vườn thường ăn Tết Đoan ngọ với món bánh xèo. Núm mối mà làm nhưn bánh xèo thì quả là chẳng món nào ngon hơn! Hương vị ngọt ngào của núm mối cộng với sự béo giòn của bánh xèo và mùi vị đặc trưng của các loài rau đã làm cho bánh xèo trở nên món ăn “đầy cá tính”.
Năm nào cũng vậy, sáng mùng 5 tháng 5 là tôi chèo ghe dọc theo hai bờ sông Ngãi Tứ để hái lá cát lồi, đọt chiết, đọt xoài, lá lụa, lá cách, lá bằng lăng..., là những lá tươi nõn không thể thiếu khi ăn bánh xèo.
Bánh xèo đổ xong đem cúng ông bà, sau đó cả nhà cùng ăn. Nếu có thêm vài người bạn hoặc bà con hàng xóm ăn cùng thì càng vui hơn. Bánh xèo là “món ăn tập thể” của người miền quê và chỉ với khung cảnh thiên nhiên trong mát, khoáng đạt thì ăn bánh mới ngon.
Tôi rời quê lên Sài Gòn hơn mười năm và có chừng ấy thời gian không được ăn núm mối nữa. Bây giờ mỗi khi “chạm” vào một cơn gió, một vạt nắng mang hơi hướm mùa núm mối giữa Sài Gòn là lòng tôi lại bồi hồi nhớ về quê nhà.
Nơi đó có má tôi, có chị Tư, chị Năm và cô Bảy, cô Tám em tôi chuẩn bị đổ bánh xèo với nhưn núm mối vào dịp Tết Đoan ngọ. Nơi đó có cây lụa trổ lá trắng non tươi, có cây bằng lăng nở bông tím một góc trời, có cây ô môi sững sờ một sắc hồng dưới bến sông, có khóm hoa tím tôi trồng bên sân nhà cô bạn hàng xóm trước ngày rời quê lên tỉnh học.
“For get me not” chỉ mãi là một niềm ước vọng. Màu hoa tím kia theo năm tháng cũng nhạt nhòa trong ký ức, có còn chăng là những giây phút chạnh lòng thương lại chốn xưa:
Bỗng dưng lại nhớ quê mình
Khóm hoa tím với dáng hình ngày xưa.