Liên kết doanh nghiệp với nông dân

Toàn cảnh - Ngày đăng : 08:47, 10/06/2009

Trước hết doanh nghiệp cần chủ động liên kết thành hiệp hội, tạo ra nguồn lực mới để liên kết với nông dân, gắn chặt với thị trường nông thôn, cả thị trường tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu; lao động, khoa học - công nghệ…
Liên kết doanh nghiệp với nông dân

Trước hết doanh nghiệp cần chủ động liên kết thành hiệp hội, tạo ra nguồn lực mới để liên kết với nông dân, gắn chặt với thị trường nông thôn, cả thị trường tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu; lao động, khoa học - công nghệ…

Nông sản Việt Nam bày bán tại siêu thị Lotte - Ảnh: Quý Hòa

Giáo sư Paul Krugman, giải Nobel Kinh tế năm 2008 đã đưa ra quan điểm: Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn, hướng tốt nhất của VN là thị trường nội địa... VN nên có chiến lược đầu tư công nghệ nhắm đến xuất khẩu công nghệ cao... (Báo Người Lao Động ngày 22/5/2009).

Nhửng yêu cầu thiết thực

Đó là lời khuyên hợp lý, nhưng chúng ta cần có suy nghĩ riêng và vận dụng lời khuyên ấy phù hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Công nghệ cao là gì đối với ĐBSCL? Theo tôi là phải từ quy trình công nghệ hợp lý mà thực tiễn đang có nhu cầu để tạo nguồn lực mới có sức cạnh tranh, đó là quy trình liên kết cụ thể giữa doanh nghiệp và nông dân, qua đó để liên kết “bốn nhà”.

Qua khảo sát thì thấy những nhu cầu thiết thực ở ĐBSCL:

- Người nông dân đến nay vẫn chưa hiểu biết nhiều về WTO, chỉ biết rằng nông sản của các nước sẽ tràn vào VN, sản phẩm do mình sản xuất ra chất lượng kém, giá thành cao, không thể cạnh tranh lại, nông dân đã nghèo khó và sẽ nghèo khó hơn.

- Nhà doanh nghiệp thì lo lắng thị trường xuất khẩu đang co lại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường nội địa thì mới chuyển hướng, với nguồn lực doanh nghiệp nhỏ, kinh nghiệm quản lý còn kém, e rằng không đủ sức cạnh tranh khi các tập đoàn kinh tế nước ngoài tràn vào VN; liên kết với các tập đoàn kinh tế ngoài nước thì ngại sẽ bị triệt tiêu (cá lớn nuốt cá bé). Từ đó doanh nghiệp ĐBSCL bắt đầu thấy phải vươn lên bằng bản lĩnh người VN, trước hết phải có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn (xuất khẩu và nguyên liệu chế biến) có chất lượng cao, để chế biến ra sản phẩm có sức cạnh tranh, nhưng đang lúng túng là nông dân sản xuất nhỏ lẽ, sẽ khó đáp ứng yêu cầu ấy.

- Doanh nghiệp và nông dân cần khoa học và công nghệ. Nhà khoa học thiết tha phục vụ doanh nghiệp và nông dân, nhưng nhu cầu hai bên chưa gặp nhau, điều kiện chuyển giao khoa học và công nghệ khó khăn, không thể chuyển giao cho từng nông dân cá thể.

- Các ngân hàng thương mại ở ĐBSCL thấy rằng muốn tồn tại và phát triển thì phải dựa vào thị trường nội địa, chủ yếu là doanh nghiệp và nông dân; nhưng dựa vào doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ sẽ không đủ sức cạnh tranh, nông dân thì nợ ngân hàng chồng chất, cho vay tiếp thì có thể phá sản. Nhà nước đã có chính sách cho doanh nghiệp vay tiền với lãi suất thấp, nhưng chưa đủ, kích cầu cho nông dân đang diễn ra nhiều phức tạp, không ít nông dân vay tiền ngân hàng để mua máy truyền hình, mua xe máy, võ lãi mà không dùng để sản xuất.

Không thể không dựa vào nhau

Ai cũng trả lời được câu hỏi “Doanh nhân và nông dân ai cần ai?”. Đó là doanh nhân và nông dân đều rất cần nhau, vì lợi ích của nhau và vì sự nghiệp phát triển đất nước. Còn nói về vai trò và vị thế đối với kinh tế thị trường toàn cầu hóa, thì doanh nghiệp phải là vai trò chính, vì doanh nghiệp mới có nguồn lực chủ động để liên kết.

Trước hết doanh nghiệp cần chủ động liên kết thành hiệp hội, tạo ra nguồn lực mới liên kết với nông dân, gắn chặt với thị trường nông thôn, cả thị trường tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu, lao động, khoa học - công nghệ... Doanh nhân phải chủ động liên kết với các nhà khoa học để đào tạo nông dân theo yêu cầu của doanh nghiệp về quy trình chế biến gắn với quy trình sản xuất nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu với khối lượng lớn, chất lượng ngày càng cao, tạo ưu thế cho doanh nghiệp cạnh tranh tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tuy doanh nghiệp của ta đại bộ phận là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng nếu biết lợi dụng cơ hội kinh tế thế giới đang khủng hoảng để nhập thiết bị giá rẽ, nhỏ và vừa nhưng hiện đại gắn với lợi thế liên kết chặt với thị trường nông thôn, sẽ tạo ra sự linh hoạt trong kinh doanh, có lợi thế hơn tập đoàn kinh tế nước ngoài với thị trường lạ về văn hóa.

Nếu mỗi doanh nghiệp làm như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đang làm: đưa 157 kỹ sư xuống nông thôn hướng dẫn cho 2.000 nông hộ quy trình sản xuất, từ đó nông dân sản xuất có hiệu quả, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thu nhập cao hơn, càng gắn bó với công ty, đã tạo cho công ty một thị trường ổn định (khách hàng), và nắm được thị trường nông thôn, tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Nông dân liên kết với doanh nghiệp sẽ có điều kiện sản xuất nhiều hàng hóa, chất lượng cao, giá thành hạ, bán được và có lời nhiều hơn. Muốn liên kết tốt với doanh nhân thì nông dân phải xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất; mới có điều kiện hợp tác với các nhà khoa học, vì nhà khoa học không thể chuyển giao công nghệ với từng hộ nông dân, doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ nhỏ lẽ. Thời gian qua vì sản xuất nhỏ lẽ, mạnh ai nấy làm rồi tự tiêu thụ, đã bị tiểu thương và thương lái chèn ép, bị thiệt hại từ 20%, thậm chí đến 30% lời (cả đầu vào, đầu ra).

Doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân sẽ tạo ra thị trường tài chính và tín dụng ổn định, từ đó ngân hàng phải đổi mới cách cho vay và có dịch vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp. Đó là cơ sở để tồn tại và phát triển.

Nhà nước cần có chính sách tạo ra động lực mới cho doanh nghiệp và nông dân liên kết, nhất là đầu tư đào tạo nông dân có khả năng tiếp cận và tham gia thị trường, vì đó là yếu tố quyết định cho sự liên kết thành công và cũng là làm cho ĐBSCL phát triển bền vững. 

TRẦN VĂN TƯ (Chủ tịch Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Cần Thơ)