Mũi Cà Mau ta đó

Sống khỏe - Ngày đăng : 09:36, 10/06/2009

Ngày 26/5/2009, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình sinh quyển và con người (MAB) của UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ đề cử Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau của VN.
Mũi Cà Mau ta đó

Ngày 26/5/2009, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình sinh quyển và con người (MAB) của UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ đề cử Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau của VN.

Ảnh: Kiên Hùng


Mũi Cà Mau ta đó là mũi đất khó quên của khách du lịch, nơi du khách có thể sáng tắm biển đông, chiều tắm biển tây.
Trên thế giới, ít có nơi nào nhận được món quà tặng kỳ diệu của biển cả như ở Mũi Cà Mau, nằm trầm mình dưới chân sóng mà vẫn được bồi đắp không ngừng.

Được vậy chính là nhờ dòng hải lưu Bắc Nam đã đón hết phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam, và vì đụng phải đảo Hòn Khoai nên nó tạt vòng lại, tấp hết lên bãi bùn là nơi có thềm lục địa cao hơn những vùng chung quanh, theo thời gian mà hình thành Mũi Cà Mau. Lật bản đồ 10 năm trước kia, ta thấy Mũi Cà Mau bây giờ không giống như trước đây, được vẽ nhọn như cái móc.

Hiện nay, cái móc ấy gần như đầy đặn. Nghĩa là thêm đất, thêm rừng, thêm nguồn lợi tự nhiên. Đất ở đây mọc ra không ngừng, đất sinh ra đất (có tài liệu nói mỗi năm Mũi Cà Mau vươn ra biển gần 100m).


Hệ thống sông ngòi ở Cà Mau chằng chịt, có chiều dài tổng cộng 7.000km. Do vậy, đường bộ không cạnh tranh nổi với đường thủy. Sông ở Cà Mau là những dòng sông hội tụ, nghĩa là một con sông mang trên mình nó không biết bao nhiêu là con rạch, mỗi ngày có hai con nước lớn và nước ròng, cho nên đi bất kì hướng nào cũng xuôi dòng. Vì vậy, có thể nói là dễ dàng đến các tỉnh thành ở Nam bộ mà không cần bước chân lên bờ.


Cà Mau có hai mảng rừng độc đáo mà không nơi nào ở nước ta có. Đó là rừng đước và rừng tràm. Đước là linh hồn của rừng ngập mặn Cà Mau. Hoa đước không đẹp, không quý phái như nhiều loài hoa khác, gọi là hoa, nhưng màu lại xanh mốc, hơi xù xì. Những tháng gió bấc già là những tháng hoa đước xôn xao trong cành lá. Từ mùa đước ra hoa đến mùa trái đước chín phải mất nửa năm tròn. Trái đước nẩy mầm từ khi còn treo lơ lửng trên cành, đây là hiện tượng rất đặc biệt.

Ảnh: Võ An Khánh

Ngày qua ngày, gió lung lay, trái đước rụng xuống, phát triển thành cây mẹ. Chính nhờ đặc điểm này mà đước phát triển rất nhanh trong việc lấn biển, giữ đất, giữ rừng. Người ta gọi “rừng đước biết đi” là vậy. Các cụ già ở miệt rừng đước nói rằng, từ xưa đến nay, chưa có cây đước nào ngã xuống vì bão lớn.

Tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có 13 loài thú, trong đó có 2 loài nằm trong sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài, vọc bạc và 4 loài có trong sách đỏ VN. Có 74 loài chim thuộc 23 họ cùng 28 loài chim di trú từ các nơi trên thế giới, trong đó có nhiều loài quý hiếm.


Vườn quốc gia U Minh Hạ là nơi hùng vĩ, hoang sơ, hiện có 58 loài thuộc 21 họ chim, trong đó có nhiều loại quý hiếm; có 26 loại thuộc 12 loài bò sát, trong đó có 7 loại có trong sách đỏ thế giới. Nơi đây hiện có 15 loài thú thuộc 9 họ với 3 loài có trong sách đỏ nước ta và một loài trong sách đỏ thế giới.

Đến nay, đã có hơn 500 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó VN có tám. Đó là rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng quốc gia Cát Tiên, quần đảo Cát Bà, châu thổ sông Hồng, ven biển và đảo Kiên Giang, miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau.

Nhưng có một tài sản vô cùng quý ở U Minh Hạ ít người biết đến, đó là than bùn. Hiện có 6.000ha than bùn được hình thành đã hàng ngàn năm từ xác thực vật, có bề dày từ 2 - 5m, có nơi còn dày hơn. Việc giữ gìn, bảo vệ rừng U Minh luôn gắn liền với việc bảo vệ tính đa dạng sinh học của rừng. Nếu không, đến một ngày không xa, rừng U Minh sẽ chỉ còn là những khu tràm nhân tạo và cái chất “U Minh” thực thụ sẽ không còn vẹn nguyên như vốn có xưa kia.


Mũi Cà Mau còn biết bao nhiêu chuyện lạ, chuyện hay để viết, để nói. Nhân sự kiện UNESCO công nhận Mũi Cà Mau là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, xin kể đôi nét về rừng đước, rừng tràm ở vùng đất trẻ còn rất nhiều sinh lực, cứ tăng trưởng, tăng trưởng mãi, không chịu định hình.

TRẦN THANH PHƯƠNG