Nói “không” rất khó!

Chính sách mới - Ngày đăng : 00:10, 10/06/2009

Sau hàng loạt bê bối của hàng “Made in China”, phóng viên một vài tờ báo ở Mỹ thử theo một gia đình đi mua sắm, xem có thể tránh được những hàng hóa độc hại này không. Kết quả là “không thể tránh được” vì hàng hóa Trung Quốc đã len lỏi và bao phủ khắp các kênh phân phối. Dường như thị trường VN cũng đang lâm vào tình cảnh rủi ro tương tự trước cơn lốc hàng giá rẻ Trung Quốc.
Nói “không” rất khó!

Sau hàng loạt bê bối của hàng “Made in China”, phóng viên một vài tờ báo ở Mỹ thử theo một gia đình đi mua sắm, xem có thể tránh được những hàng hóa độc hại này không. Kết quả là “không thể tránh được” vì hàng hóa Trung Quốc đã len lỏi và bao phủ khắp các kênh phân phối. Dường như thị trường VN cũng đang lâm vào tình cảnh rủi ro tương tự trước cơn lốc hàng giá rẻ Trung Quốc.

Chợ sỉ : đa số hàng Trung Quốc

Dù nhiều ngày qua báo chí đã cảnh báo quần áo, đồ dùng trẻ em xuất xứ từ Quảng Đông - Trung Quốc (TQ) có chứa hóa chất độc hại, song tại TP.HCM các sản phẩm này vẫn được bày bán nhan nhản. Theo giới tiểu thương kinh doanh hàng may mặc ở TP.HCM, không thể thống kê nổi lượng quần áo TQ đang bày bán tại các chợ, cửa hàng, siêu thị..., song chắc chắn không dưới 40% sản phẩm phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thuộc loại trung bình khá là hàng TQ.

Trong đó, nhiều nhất là các loại quần tây, quần jeans, áo thun, áo kiểu..., giá ngang ngửa với hàng trong nước nhưng mẫu mã thì rất phong phú. Tuy nhiên, hiện nay, đa số người bán đều e dè khi đề cập xuất xứ của chúng.


Tại chợ An Đông 2, các sạp quần áo thời trang vẫn treo hàng TQ lẫn lộn với hàng VN, Hàn Quốc... Tuy nhiên, khi hỏi xuất xứ thì hầu hết người bán đều nói tránh đi, khi là hàng Thái Lan, lúc là hàng Hồng Kông. Một chị tiểu thương ở chợ An Đông 2 cho biết: “Hàng bán ở chợ này đa phần là hàng TQ, nhưng vì có thông tin quần áo nhập vào VN từ Quảng Đông chứa chất độc hại nên tụi tôi phải nói xuất xứ khác đi cho dễ bán”.

Không chỉ thay đổi xuất xứ, nhiều tiểu thương còn gỡ bỏ bớt mạc trên quần áo cho khách hàng yên tâm. Theo nhiều tiểu thương, phần lớn khách hàng có thói quen chọn quần áo theo sở thích, mặc vào thấy đẹp là mua, chứ ít ai quan tâm đến việc sản phẩm có độc hại hay không, xuất xứ từ đâu, nên người bán muốn quảng cáo hàng ở đâu cũng được. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, tiểu thương kinh doanh quần áo trẻ em ở chợ An Đông 2, cho biết, sức mua tuy có giảm chút ít từ khách lẻ nhưng khách hàng mua sỉ vẫn lấy hàng đều đều.

Sạp của bà chủ yếu bán quần áo trẻ em do công ty gia đình sản xuất, chỉ có một số ít hàng TQ để đa dạng sản phẩm. Nhưng “Từ khi nhận được thông tin này tôi cũng lo lắm. Định qua TQ lấy thêm hàng nhưng bây giờ thì dẹp luôn ý định này. Bán hàng của mình làm cho chắc ăn”, bà Loan cho biết.


Trong khi quần áo không bị giảm mãi lực thì hàng đồ chơi đã vắng khách. Tuy nhiên, chỉ sau vài hôm đầu báo đăng thôi, chứ đến ngày 4/6 thì các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em khu vực chợ Bình Tây vẫn nhộn nhịp. Chủ một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở chợ Bình Tây cho biết: “Thông tin về hàng xuất xứ từ Quảng Đông độc hại tôi cũng có nghe, nhưng có thấy ai lấy mẫu kiểm tra hay nhắc nhở gì đâu.

Mọi chuyện lại đâu vào đó thôi”. Theo quan sát của chúng tôi, tại cửa hàng này có đến 90% là hàng TQ. Từ các loại đồ chơi cho trẻ vài tháng tuổi như lục lạc, kèn cho đến đồ chơi cho trẻ lớn như xe, súng, máy bay, tàu thuyền, rô-bốt, siêu nhân, búp bê... chỉ toàn hàng TQ.

Siêu thị : chỉ sợ hàng Quảng Đông ?

Không chỉ có chợ, tại siêu thị, các loại trái cây, giày dép, đồ nhựa, quần áo xuất xứ từ TQ vẫn được bán ê hề. Tại khu vực kinh doanh quần áo may sẵn ở siêu thị Hà Nội, chúng tôi thấy toàn là hàng TQ. Không những thế, ở khu vực đồ chơi trẻ em đa phần hàng hóa đều có nhãn “Made in China”. Tuy nhiên, hầu hết không ghi chi tiết là được sản xuất bởi công ty, ở tỉnh, thành phố nào. Tương tự, gian hàng đồ chơi trẻ em tại các siêu thị Maximark, Co.opMart, Citimart, Big C... cũng toàn hàng TQ. Không chỉ vậy, hàng gia dụng tại tất cả các siêu thị đều có hàng TQ.


Trước thông tin hàng TQ chứa chất độc hại, các siêu thị đã bắt đầu rà soát lại nguồn gốc hàng hóa kinh doanh. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại chuỗi siêu thị Big C cho biết: “Với trái cây, chúng tôi chỉ cung cấp hai loại là táo Fuji và lê đường có xuất xứ từ TQ, nhưng số lượng rất ít, chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng số trái cây nhập khẩu trong hệ thống.

Với quần áo may sẵn cũng vậy, hàng TQ chỉ chiếm 4% trong ngành hàng may mặc của chúng tôi. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kiểm tra lại nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đồng thời yêu cầu nhà cung cấp cam kết về nguồn gốc xuất xứ”. “Tất cả quần áo may sẵn tại siêu thị chúng tôi kinh doanh đều có nguồn gốc tại Phúc Kiến, Quảng Châu”, bà Trang nói thêm.

Hiện siêu thị này đang tiếp tục kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng đồ chơi. Cũng như Big C, các siêu thị Co.opMart, Maximark, Citimart, Metro cũng đang trong quá trình làm việc với nhà cung cấp, xác minh lại nguồn gốc những mặt hàng này. “Nếu phát hiện ra mặt hàng nào có xuất xứ từ Quảng Đông, chúng tôi sẽ đưa ra khỏi quầy”, đại diện siêu thị Maximark cho biết.

Tại chợ An Đông, chủ các sạp giày dép ước tính, giày thể thao, dép nhựa thời trang của Trung Quốc chiếm đến 80% lượng hàng hóa mùa hè. Chưa kể các mặt hàng khác như đồ bộ mặc ở nhà, quần áo thể thao, cặp học sinh, túi xách thời trang.

T.PHƯƠNG - M.HÀO