Lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm
Chính sách mới - Ngày đăng : 03:30, 11/06/2009
![]() |
Thực phẩm không bảo đảm vệ sinh là nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và nòi giống dân tộcGiám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi và bày tỏ bức xúc hôm qua, 10/6.
Quá nhiều văn bản nhưng áp dụng không đầy đủ Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh): “Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc về ai?”. Ảnh: T.DŨNG
“Tại sao sữa kém chất lượng, kẹo làm bằng bột đá, thịt heo bơm nước tăng trọng và nhiều, rất nhiều thực phẩm kém chất lượng vẫn được lưu thông trên thị trường, hiện diện trong bữa ăn của mỗi gia đình?” – ĐB Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) bức xúc.
Bà Hòa nhấn mạnh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh là nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và nòi giống dân tộc.
ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) đặt câu hỏi: “Trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATVSTP thuộc về ai?”. ĐB Kim Anh liệt kê 5 bộ liên quan như: Bộ Y tế, NN-PTNT, Công Thương, Công an và Khoa học- Công nghệ. Đối với thực phẩm nhập khẩu, trách nhiệm kiểm tra Nhà nước về ATVSTP thuộc những... 12 cơ quan.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho rằng việc quản lý ATVSTP mỗi cơ quan chịu một phần, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến..., cho đến tay người tiêu dùng. Cũng vì thế, khi xảy ra tình trạng mất ATVSTP thì không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.
![]() |
Bữa cơm công nghiệp tập thể tại một nhà máy trong Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
ĐB Bùi Thị Hòa nhận định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều nhưng lại chồng chéo thậm chí mâu thuẫn, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết. Trong 5 năm qua, các cơ quan Trung ương ban hành tới 337 văn bản, địa phương ban hành 930 văn bản. “Có quá nhiều văn bản nhưng việc cập nhật và áp dụng thì chưa đầy đủ” – bà Hòa nói.
Trái với sự phong phú về số lượng văn bản, bộ máy quản lý Nhà nước về ATVSTP quá khiêm tốn. Theo báo cáo của Chính phủ, từ tháng 7/2008 trở về trước, cả nước không có hệ thống quản lý chuyên ngành thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành ATVSTP mà chỉ có thanh tra y tế kiêm nhiệm với số lượng... 0,5 người/tỉnh. Trong khi đó, Trung Quốc có tới 50.000 người, riêng thủ đô Bangkok của Thái Lan đã có tới 5.000 người.
Theo ĐB Võ Thị Dễ (Long An), việc quản lý các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản rất lỏng lẻo, hầu như không kiểm soát được.
Tại TPHCM và các tỉnh lân cận, chỉ cần ra chợ hóa chất Kim Biên, muốn mua bao nhiêu chất bảo quản thực phẩm cũng có và giá cực rẻ.
Do đó, bà Dễ đề nghị cần sớm ban hành quy định hóa chất bảo quản và phụ gia thực phẩm phải được kinh doanh ở các cửa hàng chuyên biệt.
Hàng tuồn qua biên giới: Không kiểm soát đượcCác loại hương liệu, phẩm màu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ai kiểm soát chất lượng nhưng vẫn được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên (TP.HCM) - Ảnh: M.Đức
Tăng đầu tư cho ATVSTP Nguồn lực dành cho công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm ATVSTP 5 năm qua đạt 392 tỉ đồng/năm. Trung bình mức đầu tư chỉ đạt 1.100 đồng/người dân/năm, một con số quá thấp, chỉ bằng 1/15 mức đầu tư của Thái Lan. Các ĐB đồng tình nâng con số này lên 9.000 đồng/người dân/năm để nâng cao chất lượng cuộc sống, quan trọng hơn là chất lượng giống nòi trong tương lai. T.Lân |
Tình trạng thực phẩm kém chất lượng tràn qua biên giới vào nội địa thời gian vừa qua cũng dấy lên nhiều quan ngại cho các ĐB Quốc hội.
“Cần tăng cường công tác quản lý ở các cửa khẩu, đặc biệt là hàng hóa nhập qua đường tiểu ngạch vì hiện nay hàng hóa không rõ nguồn gốc, mất ATVSTP chủ yếu từ các tỉnh biên giới tràn về. Trong đó có cả thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm dạng nguyên liệu hoặc vật tư đầu vào của sản xuất như thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản... Nếu tập trung quản lý tốt ở cửa khẩu sẽ giảm áp lực rất lớn cho các địa phương, kể cả giảm biên chế và kinh phí thực hiện” – ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) đề nghị: “Trước hết, cần kiện toàn tổ chức liên ngành kiểm dịch và chất lượng thực phẩm trong việc nhập khẩu tiểu ngạch để tất cả các loại thực phẩm vào VN phải được kiểm dịch, xử lý nghiêm túc, tránh trường hợp để lọt thực phẩm vì cho rằng không nằm trong danh mục kiểm định”.
Với kinh nghiệm của một địa phương biên giới, ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) phản ánh kẽ hở mà dân buôn thường “lách” để nhập hàng mà không phải kiểm tra.
Theo ĐB Bình, Bộ Y tế quy định hàng hóa là rau, củ, quả thực phẩm trao đổi giữa cư dân biên giới với nhau không thuộc danh mục phải kiểm tra ATVSTP. Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động thương mại biên giới cũng quy định hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng đưa vào chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu không phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng.
Đồng thời, nếu hàng hóa đó có giá trị dưới 2 triệu đồng/người/ngày thì được miễn thuế nhập khẩu. Tại cửa khẩu Lào Cai, mỗi ngày có từ 1 tỉ -1,2 tỉ đồng hàng hóa loại này nhập khẩu không được kiểm soát. “Quy định thuận lợi cho người dân, song thực tế rau, củ, quả tươi là nhóm hàng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao”- bà Bình nói.
1 cái xúc xích, 5 bộ quản lý
Tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều ở mức báo động khiến các đại biểu "truy" trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các bộ, ngành.
Không đại biểu nào chấp nhận tình trạng hiện có tới 5 bộ chịu trách nhiệm chính trong quản lý chất lượng về thực phẩm nhưng không có quy định nào nêu rõ vai trò, trách nhiệm "nhạc trưởng".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé ví von "một con gà, một mâm cơm của người dân có tới 5 bộ chức năng quản lý", "một công việc mà nhiều chủ thể quản lý sẽ dễ dẫn đến đùn đẩy, giống như câu nói dân gian là "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoc học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang cho rằng ví von"một cái xúc xích hay một con gà có 5 bộ quản lý" chỉ là "cách nói ấn tượng". Nhưng ông Vang thừa nhận, trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn, thực phẩm, nhất thiết phải có một nhạc trưởng là Bộ trưởng Y tế.
Bộ trưởng: Trách nhiệm vô hạn nhưng quyền hữu hạnBộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: "Nhạc trưởng, nhạc công ai đúng, sai cái gì sẽ được kiểm điểm để làm tốt hơn". Ảnh: TSơn
Thay mặt Chính phủ phát biểu sau một ngày lắng nghe đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận những thiếu sót, yếu kém trong quản lý về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Cam kết sẽ kiểm điểm trách nhiệm về những yếu kém trong quản lý, Bộ trưởng khẳng định: "Nhạc trưởng, nhạc công ai đúng, sai cái gì sẽ được kiểm điểm để làm tốt hơn".
Tuy nhiên, ông Triệu trần tình: "Một số bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng có một số tâm tư là trách nhiệm và quyền hạn đôi chỗ còn chưa tương xứng, chưa đồng bộ. Trách nhiệm là vô hạn, nhưng quyền là hữu hạn, chưa nói đến điều kiện hoạt động rất thiếu thốn".
"Thực sự các thành viên Chính phủ cũng rất có tự trọng, cũng rất day dứt, đau khổ khi công việc chưa tốt. Có những cái làm chưa tốt trước dân cũng rất day dứt, rất đau khổ chứ không phải không có trách nhiệm", Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Quốc Triệu kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, giao cơ chế rõ ràng giữa các cơ quan liên ngành quản lý, nếu không, "ngành nọ chỉ huy ngành kia rất khó".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân mở màn chất vấn Sáng nay, 11/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân sẽ mở màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII vào lúc 8 giờ 30 phút. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đăng đàn trả lời chất vấn. Các bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp vào ngày 12 và sáng 13/6. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, đến hết ngày 10/6, đã có 233 chất vấn được gửi tới Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Ngoài 24 câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ, hai Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ Công Thương cùng nhận được nhiều chất vấn nhất với 26 câu hỏi. Nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động chất vấn, việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo nhóm vấn đề. Mở màn chất vấn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân sẽ trả lời về các nhóm vấn đề như: sách giáo khoa, gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm, phân bổ ngân sách giáo dục... P.Dương Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN QUỐC TRIỆU: Đã nghèo là khó, nghèo là khổ Cảm ơn ý kiến phát biểu thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội, kể cả những ý kiến phê bình gay gắt và những ý kiến chia sẻ... GDP của nước ta chưa đầy 1.000 USD/người, mới ra khỏi đói nhưng chưa thoát nghèo, đã nghèo là khó, nghèo là khổ, nghèo là hèn, nghèo cũng đi với lạc hậu. Nhưng chúng ta đã rất cố gắng, về tuổi thọ so với các nước có cùng bình quân kinh tế chúng ta vượt từ 6-8 tuổi, tức là tuổi thọ của chúng ta đã 72 tuổi, những nước có trình độ kinh tế như ta chỉ từ 62-64 tuổi. Suy dinh dưỡng sau hơn 20 năm đổi mới đã giảm từ 51% xuống còn 19%... Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của chúng ta đã xuất khẩu vào nhiều nước rất kỹ tính về an toàn vệ sinh thực phẩm, thu về nhiều tỉ USD. Đại biểu HỒ THỊ THU HẰNG (Vĩnh Long): Ba lý do tăng đầu tư vào an toàn thực phẩm Tôi tán đồng đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nhiều ý kiến phát biểu trước tôi là tăng đầu tư cho công tác an toàn thực phẩm từ khoảng 1.000 đồng/người/năm lên 9.000 đồng/người/năm và có thể hơn nữa bởi đây là vấn đề cấp bách, phức tạp liên quan đến sức khỏe của con người, đến chất lượng cuộc sống của cả dân tộc. Điều này có thể gây sức ép với ngân sách nhà nước nhưng hiệu quả rất cao bởi những lý do sau. Thứ nhất, theo Tổ chức Y tế thế giới thì mỗi năm VN mất 340 tỉ đồng chi cho thiệt hại thiếu an toàn, vệ sinh thực phẩm. Số này đủ để xây dựng và trang bị y tế cho toàn bộ hơn 10.300 trạm y tế xã của cả đất nước VN. Thứ hai, đầu tư để chúng ta sản xuất an toàn nông sản thực phẩm ứng dụng nghiêm các quy trình sản xuất tốt như GAP, GPP, GMP... thì VN không những tiếp tục bảo vệ thị trường xuất khẩu mà còn có một thị trường rộng lớn hơn mới thỏa được những điều kiện ngày càng nghiêm ngặt của thế giới, góp phần tăng tỉ lệ xuất khẩu, nâng cao đời sống của người dân, nâng cao thu nhập quốc dân. Thứ ba, chúng ta cũng có tiền lệ tăng đầu tư cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình gấp 11 lần từ năm 1991-1995 và đã thành công ngoạn mục trong việc giảm tỉ lệ sinh, nhận được giải thưởng của Liên Hiệp Quốc năm 1997. Tôi thấy rằng vấn đề an toàn thực phẩm hệ trọng không kém vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình. V.V.T. ghi |