Nạn buôn người trên thế giới: Thách đố văn minh nhân loại?

Bình luận - Ngày đăng : 09:43, 24/06/2009

Dù tệ buôn bán nô lệ đã được tuyên bố chấm dứt trên hơn một thế kỷ qua, nhưng nạn buôn bán người hiện nay vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tệ nạn này càng lan rộng và trở thành câu hỏi nhức nhối đối với nhiều quốc gia.
Nạn buôn người trên thế giới: Thách đố văn minh nhân loại?

Dù tệ buôn bán nô lệ đã được tuyên bố chấm dứt trên hơn một thế kỷ qua, nhưng nạn buôn bán người hiện nay vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tệ nạn này càng lan rộng và trở thành câu hỏi nhức nhối đối với nhiều quốc gia.

Bản đồ buôn người mở rộng

Trong một quán rượu đối diện với cổng nhà ga phía Nam thủ đô Brussels của Bỉ có hai cô gái tóc vàng ngồi hút thuốc, đưa mắt nhìn khách qua đường. Khoảng vài phút sau hai cô gái này bước lên lầu với một người đàn ông khoảng lục tuần với giá từ 40 - 80 euro... Đây là một trong nhiều điểm điển hình tại châu Âu chứa gái mại dâm nhập cư, phần đông còn tuổi vị thành niên.

Với giấy nhập cư giả, những cô gái này đến từ Ucraina, Albani hoặc Rumani, làm giàu cho bọn buôn người và công nghiệp kinh doanh tình dục siêu lợi nhuận, và họ chính là những nạn nhân của cỗ máy buôn người xuyên quốc gia đang lan tràn trên thế giới.

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trên thế giới hiện có khoảng 27 triệu nạn nhân của tệ buôn người xuyên biên giới, và hằng năm có thêm hơn 800 ngàn nạn nhân mới, tăng gấp 7 lần so với năm 1960. Nạn nhân thường là người nghèo, bị các cơ quan môi giới đánh lừa khi đi tìm việc làm và bị bán đi như những món hàng, biến thành những nô lệ tình dục, hoặc những lao nô làm việc trong điều kiện hết sức cơ cực.

Hãng AFP đưa tin, Chính phủ Mỹ vừa mở rộng danh sách theo dõi các quốc gia bị nghi là không nỗ lực đầy đủ để chống nạn buôn người. Theo báo cáo hằng năm dày 320 trang về nạn buôn người do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 16/6, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, Mỹ đã đưa 52 quốc gia vào danh sách theo dõi, chủ yếu ở khu vực châu Phi, châu Á và Trung Đông, tăng 30% so với năm 2008.

Một số quốc gia nằm trong danh sách này năm ngoái đã được đưa ra khỏi danh sách trong năm nay như Moldova, Algeria, Qatar, Oman...Tuy nhiên, danh sách năm nay lại có thêm những cái tên mới như Angola, Bangladesh, Campuchia, Iraq, Lebanon, Nicaragua, Pakistan, Philippines, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)...Trong đó, Malaysia, Zimbabwe, Chad, Niger, Mauritania, Swaziland... là những quốc gia có nạn buôn người nghiêm trọng nhất.

Tội ác liên quan đến mọi quốc gia

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton nói rằng, việc chống tệ nạn buôn người ở bên ngoài và bên trong nước Mỹ là một phần quan trọng trong chương trình làm việc của chính quyền Tổng thống Obama. Theo một phúc trình của Bộ này, có đến 17 quốc gia đã không tích cực giải quyết vấn đề này.

Ngoại trưởng Hillary Clinton phân tích: “Hoạt động buôn người phát triển mạnh trong bóng tối. Và nó có thể dễ dàng bị nhiều người gạt sang một bên, xem đó là chuyện xảy ra cho người khác, ở chỗ khác. Nhưng không phải vậy. Buôn người là một tội ác liên quan đến mọi quốc gia trên thế giới, kể cả trong nước Mỹ”.

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trên thế giới hiện có khoảng 27 triệu nạn nhân của tệ buôn người xuyên biên giới, và hàng năm có thêm hơn 800 ngàn nạn nhân mới, tăng gấp 7 lần so với năm 1960.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tình trạng nghèo khổ, thất nghiệp, thiếu cơ hội và kinh tế khó khăn là những nguyên nhân chính khiến nhiều nước trong khu vực trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm và nạn buôn người. Tổ chức Văn phòng Di trú Quốc tế ước tính có khoảng 500.000 cô gái nhập cư hiện đang bán thân tại các nước Tây Âu.

Trong khi đó, điều phối viên đặc trách về bài trừ nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Luis de Baca, nhấn mạnh rằng, các tội ác buôn người hiện nay không có đường ranh giới. Ở Iran, trẻ em bị buộc làm nô lệ tình dục, còn các cô gái thì bị bán sang Pakistan và nhiều nước khác. Phụ nữ từ Nam Á và Đông Nam Á bị bán sang Syria làm người giúp việc trong nhà. Và phụ nữ từ Đông Âu và Iraq bị buộc phải hành nghề mại dâm...

Nghị định thư Liên Hiệp Quốc chống buôn người đã được phê chuẩn năm 2003 và đã được 117 quốc gia ký kết. Nghị định thư này coi hành động buôn người là một loại tội phạm quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi luật tại các nước còn yếu và các hình phạt có xu hướng nương nhẹ. Do vậy, UNODC (Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc) kêu gọi các quốc gia mạnh tay hơn nữa đối với những kẻ buôn người.

LAM HỒNG