Chuyện người đàn bà thép
Chân dung - Ngày đăng : 06:06, 25/06/2009
![]() |
Người phụ nữ ấy từng trải qua những tháng ngày khốn khó. Người con trai duy nhất qua đời, bản thân chị bị suy tim tới độ 4, nhưng chị đã vượt lên bằng nghị lực và tinh thần thép.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô học trò Nguyễn Thị Minh Đức (ảnh) có một ước mơ là trở thành nữ quân nhân nhưng điều đó không thành hiện thực vì khi khám tuyển Đức không đủ sức khoẻ và có biểu hiện của bệnh thấp khớp, tim mạch. Năm 1975, tốt nghiệp Khoa chăn nuôi Trường Trung cấp Nông nghiệp, chị Đức về trại gà tỉnh Hoàng Liên Sơn. Chiến sự biên giới nổ ra, gia đình phải di tản xuống Yên Bái, từ trại gà chị chuyển sang trại lợn công tác. Năm 1989, chị Đức chuyển về phòng hành chính Trường cấp III Nguyễn Huệ, sau đó học tiếp ngành tài chính và làm kế toán của trường.
Năm 1988, chị Đức lên bàn phẫu thuật tim lần thứ nhất. Năm 2006, lần thứ hai chị phải lên bàn mổ thay một van tim và kèm theo là bao lời đồn thổi “độc mồm” của những kẻ ghen ăn tức ở, nào là: Lần này bà ấy sẽ chết, Công ty bị ngân hàng phát mại sẽ phá sản. Nghị lực của người đàn bà “thép” đã giúp chị vượt qua tất cả. Lên bàn mổ và xuống giường bệnh chỉ đúng một tháng, chị lại lao vào công việc cho đến nay chưa nghỉ một ngày.
Nghề không dành cho phụ nữ
Khi chuyển về công tác tại Trường cấp III Nguyễn Huệ, điều kiện kinh tế khó khăn, đồng lương ba cọc, ba đồng của hai vợ chồng không đủ trang trải cuộc sống. Cái nghề hoạn lợn, vá mũi trâu bò trước kia nay đã trở thành “cần câu cơm” nuôi sống gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn. Khó ai có thể hình dung người phụ nữ có thân hình mảnh khảnh, mắc bệnh tim lẫn thấp khớp ấy lại có thể một mình xoay xở với con lợn nặng 40-50 cân để hoạn chỉ trong nháy mắt, còn vá mũi trâu bò thì cực siêu.
Nếu nhắc đến người phụ nữ đảm đang, chịu thương, chịu khó theo nghĩa truyền thống hay hiện đại thì chị Đức đều thuộc cả hai tip người này. Cùng lúc đảm nhận vị trí kế toán hành chính, công đoàn kiêm luôn tay đánh trống trường, với chị Đức là rất bận rộn. Nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian đi làm thêm vào lúc chiều tối và buổi sáng sớm. Mùa nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng chị lại lọc cọc đạp xe đi hoạn lợn và có mặt ở trường trước lúc 7 giờ để đánh trống cho học sinh vào lớp. Buổi chiều, khi buông dùi trống xuống, chị lại tất bật đi làm cho đến tối đen mới trở về nhà.
Chị kể, hàng ngày cứ đều đều hoạn từ 6 - 8 con lợn. Có những hôm chiếc xe đạp cà tàng không chịu đựng được đường dốc khúc khuỷu đứt cả xích, mà nhà dân thì ở thưa thớt nên đành phải dắt bộ cả chục cây số là thường, về đến nhà đã 8 giờ đêm. Và cứ thế qua nhiều năm chị Đức không còn nhớ mình đã hoạn bao nhiêu con lợn và bao nhiêu mũi con trâu, bò. Không chỉ được người dân tín nhiệm bởi tay nghề cao, mà bởi chị Đức còn dám chịu trách nhiệm “đền” nếu chẳng may con nào chết sau khi hoạn, nhưng cả chục năm làm nghề này, số con lợn qua tay chị làm bị chết chỉ đếm trên đầu ngón tay - Và cái biệt danh Đức “hoạn” của chị ra đời từ ngày đó.
Cho đến nay khi trở thành doanh nhân thành đạt, có dịp về thăm vùng Yên Bái, Nghĩa Lộ, nếu hỏi đến cô Minh Đức giám đốc Công ty TNHHXD Minh Đức thì nhiều người lắc đầu, nhưng hỏi đến biệt danh Đức “hoạn” là người ta nhận ra ngay.
Vượt lên nỗi đau...Những nỗ lực vươn lên của chị Nguyễn Thị Minh Đức đã được ghi nhận. Năm nay, chị Đức được nhận danh hiệu Doanh nhân Tâm - Tài và Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng.
Năm 1988, nhịp đập của trái tim yếu ớt không thể tải nổi công việc quá sức nên chị phải lên bàn mổ - năm đó chị 36 tuổi. Hoàn cảnh gia đình lúc đó rất nghèo, phải ăn sắn qua bữa thì làm gì có tiền để chạy chữa, chồng là nhà giáo nhưng cũng đau yếu luôn do căn bệnh đau dạ dày hành hạ, hai đứa con thì nheo nhóc, còi cọc. Trong thâm tâm chị luôn mơ ước trúng một cái vé số để có tiền chữa bệnh cho mình và cho chồng.
Và số phận cũng đã mỉm cười: Hôm đó đi hoạn lợn về, dọc đường chị Đức mua đúng một cái vé xổ số và may mắn trúng giải độc đắc trị giá 2,5 triệu đồng, người ta đưa chị lên xe đi quảng cáo khắp tỉnh. Vật chất mà chị nhận được toàn bằng vật dụng, nào là xe Mokich, quạt điện, máy khâu con bướm... “Nhờ số tiền bán được từ các vật dụng trúng vé số, vay mượn thêm người thân, tôi mới có tiền xuống Hà Nội để phẫu thuật tim” - chị Đức nhớ lại.
Sau lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên năm 2004 đúng một ngày, bầu trời dường như đã sụp xuống dưới chân chị Đức, khi đứa con trai độc nhất không may bị chết đuối tại suối Thượng ngàn. Bao nhiêu hi vọng ở người con trai vừa tốt nghiệp đại học kinh tế đã tan biến. Chị khuỵu xuống, bệnh tim một lần nữa tái phát. Nỗi đau mất con khiến tim chị suy ngày một nặng. Năm 2006, chị lên bàn phẫu thuật tim lần thứ hai, phải thay bằng van tim nhân tạo.
Suốt từ năm 2004 – 2006, bệnh tật và nỗi đau mất con tưởng như đánh gục chị. Điều may mắn là Công ty vẫn phát triển lớn mạnh thêm, vì chị có đội ngũ cán bộ công nhân viên hết lòng vì công việc, tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều lúc buồn vì nhớ con trai, chị quên cả lương của anh em, nhưng không một ai kêu ca, đòi hỏi. Khi bình tâm lại, chị nghĩ: nếu mình cứ suy sụp như thế này mãi thì Công ty sẽ phá sản, thua những kẻ ác mồm.
Khởi nghiệp từ công trình nhỏ
Khởi nghiệp từ năm 1992, chị Đức chọn cho mình ngành nghề kinh doanh gạch, cát, sỏi xây dựng. Năm 1993 giao lại nghề này cho anh em trong tổ sản xuất, chị chuyển sang lĩnh vực mới hơn - đó là doanh nghiệp xây dựng với số vốn 30 triệu đồng. Bước sang nghề xây dựng, lúc đầu doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, nhất là xin giấy phép đăng ký ngành nghề kinh doanh.
Vì thời điểm đó, nhiều người còn hoài nghi về kinh nghiệm chuyên môn trong xây dựng của chị nên nhất quyết không cấp giấy phép hoạt động. Lúc đó chị xin được gặp trực tiếp và đối chất thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh Lào Cai: Xin thưa với đồng chí Bí thư và Chủ tịch, các đồng chí có giỏi được tất cả 17 -18 ngành nghề mà mình đang quản lý không? Người lãnh đạo giỏi chỉ cần đội ngũ cấp dưới giúp việc có chuyên môn tốt là được. Điều quan trọng là sự quản lý, tuyển dụng lao động có tay nghề cho mình.
Lý lẽ của chị ngay lập tức thuyết phục được lãnh đạo và doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động. Nhờ vào khả năng quản lý và tuyển dụng lao động của mình nên doanh nghiệp của chị Đức nhanh chóng thu nạp được đội ngũ kỹ sư giỏi nhiệt tình với công việc và chỉ sau thời gian ngắn những hợp đồng kinh tế xây dựng đã được ký kết.
Xuất phát điểm của nghề xây dựng, Công ty của chị nhận làm từ những công trình nhỏ nhất như: hàng rào, công trình vệ sinh, nhà cấp 4. Những công trình này cho dù là nhỏ nhưng đều đảm bảo chất lượng, vì vậy chẳng bao lâu Công ty được chỉ định thi công các công trình lớn như: Cung văn hoá thiếu nhi, Nhà thi đấu thể thao trị giá nhiều tỷ đồng và đã gần 20 năm qua những công trình này vẫn vững chắc theo thời gian.
Nguyên tắc của chị Đức trong quản lý là nghiêm khắc, nhưng không bao giờ để cho anh em công nhân thua thiệt, thưởng phạt công bằng, vì thế nhân viên trong Công ty đều nể phục. Năm 1998 chị mở rộng ngành nghề làm giao thông, khai thác mỏ và kinh doanh khách sạn ở Sa Pa. Từ một doanh nghiệp với số vốn khởi điểm là 30 triệu đồng, đến nay Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Minh Đức đã lớn mạnh có tên tuổi ở tỉnh Lào Cai.
Mặc dù công việc kinh doanh rất bận rộn, nhưng hàng năm chị Đức vẫn dành thời gian vào thăm Bệnh viện tim Tâm Đức, TP HCM đến 4 lần, nơi đã mổ tim cho chị năm 2006. Kèm theo đó là nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân hậu, chị giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo mỗi lần từ 15 - 20 triệu đồng. Hàng năm, chị đều trích một phần lợi nhuận của Công ty để ủng hộ các quỹ từ thiện xã hội.
Những nỗ lực vươn lên của chị Nguyễn Thị Minh Đức đã được ghi nhận. Năm nay, chị Đức được nhận danh hiệu Doanh nhân Tâm - Tài và Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng.