“Phải biết làm cho mình đủ lớn!”

Chân dung - Ngày đăng : 09:22, 25/06/2009

Người phụ nữ này, khi kể về nỗ lực làm cho đối tác phải vì nể mình, đã nói: “Trong kinh doanh, có nhiều trường hợp, để được ở thế thượng phong, mình phải là người bày trận”… Bản lĩnh, sâu sắc, quyết đoán nhưng cũng rất sinh động và cảm xúc, một mẫu phụ nữ có thể làm điểm tựa cho người khác cả về lý trí và trái tim.
“Phải biết làm cho mình đủ lớn!”

Hơn một lần, tôi có dịp ngồi trước người phụ nữ này, nghe chị kể chuyện bằng vẻ rưng rưng về những người nghèo cần sự từ tâm của những người may mắn. Cũng có lần, đã trễ lắm, chị gọi điện thoại để “khoe” rằng vừa mới gặp một chuyện rất đẹp: Ông tài xế taxi có tâm hồn rất thiền, trên đường chở chị về nhà đã đọc cho chị nghe những bài thơ bình an về cuộc sống. Và cũng chính người phụ nữ này, khi kể về nỗ lực làm cho đối tác phải vì nể mình, đã nói: “Trong kinh doanh, có nhiều trường hợp, để được ở thế thượng phong, mình phải là người bày trận”… Bản lĩnh, sâu sắc, quyết đoán nhưng cũng rất sinh động và cảm xúc, một mẫu phụ nữ có thể làm điểm tựa cho người khác cả về lý trí và trái tim.

* Năm vừa rồi, chị đã “khuấy động” cả làng kinh doanh thủy sản ở mình bằng dự án “sản phẩm cá tra giàu Omega 3”. Dự án đó đang được tiếp nối ra sao, thưa chị!

Trong hội thảo công bố dự án “Sản xuất cá tra giàu Omega 3”

- Nếu tính về quy mô hay doanh số xuất khẩu, công ty của chúng tôi khá nhỏ so với nhiều đàn anh, đàn chị trong ngành. Nhưng năm rồi, chúng tôi được Tạp chí Thương mại - Thủy sản của VASEP xếp vào hàng doanh nghiệp “vàng” của ngành thủy sản VN, đó thực sự là sự nhìn nhận về “chất”, chứ không chỉ về lượng. Và cách nhìn nhận đó khiến tôi thấy mừng.

Thủy sản xuất khẩu của VN đang và sẽ chịu đối diện với sự khắt khe của khách hàng và sự khắc nghiệt của cạnh tranh, cho nên, đã đến lúc chúng ta không thể cứ mãi quan tâm hay tự hào về số lượng, mà phải nghĩ đến chuyện tạo sự bứt phá, nâng cấp giá trị sản phẩm để thực sự trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trên thị trường xuất khẩu thủy sản.

Dự án sản xuất cá tra giàu Omega 3 của chúng tôi xuất phát từ suy nghĩ đó. Cá tra phi-lê xuất khẩu của VN lâu nay vẫn đang được thị trường quốc tế đánh giá tốt. Nhưng nhiều nước khác đã bắt đầu đầu tư mạnh để phát triển ngành này và sớm muộn, họ cũng sẽ theo kịp chúng ta. Trong khi đó, người tiêu dùng ở các nước phát triển ngày càng có khuynh hướng chọn lựa thực phẩm không chỉ ngon, an toàn, mà còn phải rất hữu ích.

Omega 3 là thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, đã được chứng minh có thể giúp đề kháng, phòng chống, hạn chế nhiều thứ bệnh tật mà lối sống hiện đại và thực phẩm công nghiệp đang mang đến cho con người. Do đó, các viện nghiên cứu dinh dưỡng ở châu Âu và Mỹ đều nỗ lực khuyến khích những loại thực phẩm tăng hàm lượng Omega 3.

Khi nắm bắt được nhu cầu này, chúng tôi xây dựng dự án nghiên cứu mô hình nuôi cá tra giàu hàm lượng Omega 3. Trong đó, phải cải tạo từ thành phần thức ăn cho cá đến môi trường nuôi. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia từ châu Âu và cuối cùng, đã hình thành được công thức quyết định.

Thử nghiệm trên ao nuôi Nam Bộ Farm tại An Giang, kết quả mang lại cao hơn mong đợi. Thành phần Omega 3 có trong cá tra phi-lê xuất khẩu của chúng tôi bằng cá biển tự nhiên. Và gần như ngay lập tức, chúng tôi nhận được các đơn đặt hàng lớn từ các nhà nhập khẩu. Họ chấp nhận giá mới, cao hơn so với sản phẩm trước đây. Chúng tôi không chỉ có được lợi nhuận nhiều hơn trên từng thành phẩm xuất khẩu, mà còn tạo thế cạnh tranh vượt trội. Điều đó khẳng định những gì chúng tôi đã suy nghĩ trước đây.

Hiện chúng tôi đã cho nhân rộng công thức nuôi mới trên ao của mình và chia sẻ miễn phí cho những người có cùng mong muốn, nhất là nông dân nuôi cá. Họ là chính đối tượng mà chúng tôi muốn chia sẻ nhất ngay chính từ khi bắt đầu ý tưởng cho dự án này.

* Cất công nghiên cứu rồi chia sẻ kết quả miễn phí, chị không khỏi làm người khác hoài nghi rằng đó là lòng tốt hay còn một mục đích nào khác?

Làm việc với Chủ tịch tập đoàn Food Empire tại Bỉ

- Không, tôi rất thực tế, chứ không làm những chuyện viển vông. Một nhà kinh doanh không thể đơn lẻ, mà phải có cộng đồng của mình. Sản phẩm của chúng tôi chỉ có thể “có giá” hơn trên thị trường quốc tế khi ngành xuất khẩu thủy sản của nước ta mạnh. Nhưng như đã nói, chúng ta không thể chỉ hài lòng về số lượng như đang có mà giẫm chân tại chỗ.

Phải nghĩ đến chuyện xa hơn, tạo sự khác biệt, bứt phá, giá trị cao cho sản phẩm để có lời nhiều hơn và vị thế vững chắc hơn. Do đó, tôi muốn chia sẻ công thức để mọi người cùng làm và cùng tạo nên lợi thế cạnh tranh mới cho toàn ngành. Nông dân nuôi cá sẽ có lợi nhiều hơn khi làm nên những sản phẩm có giá trị cao.

Nhưng chia sẻ miễn phí không có nghĩa là cứ tung ra, mạnh ai nấy làm, mà phải có sự kiểm soát để đảm bảo chất lượng và tránh bị lợi dụng. Từ khi công bố kết quả nghiên cứu đến giờ, rất nhiều người tiếp cận với tôi, nhưng tôi rất cẩn trọng. Chỉ những ai thực sự đủ điều kiện triển khai, tôi mới chia sẻ được.

Dù chuyện chia sẻ để triển khai vẫn chưa rộng và nhanh như mong đợi, do nhiều điều kiện, cả những điều kiện ngoài chủ quan của tôi, song tôi tin rằng mình đã làm được việc quan trọng là đánh động ý thức của cộng đồng về Omega 3 nói riêng và thực phẩm dinh dưỡng nói chung. Cái quan trọng hơn, chúng tôi đã đánh động với toàn ngành về yêu cầu phải nâng cao giá trị xuất khẩu cho cá tra VN nếu muốn có vị thế khác trên thị trường quốc tế trong tương lai gần.

* Làm xuất khẩu và làm việc với khách hàng, đối tác quốc tế, chị thấy vị thế của doanh nghiệp VN ra sao, đặc biệt, khi chị là doanh nhân nữ?

- Là doanh nghiệp xuất khẩu, nên nhiều khi, chúng tôi không được người tiêu dùng trong nước quen mặt biết tên đâu! Và tôi khẳng định rằng, kinh doanh quốc tế vô cùng gian khổ, từ chuyện nhỏ như xa xôi, cách trở, cho đến chuyện lớn là làm sao để đối tác phải tôn trọng mình. Vị thế của chúng ta thực tế ra sao, hẳn nhiều người đã biết nên tôi không đề cập sâu hơn. Tôi chỉ có một kinh nghiệm như thế này:

Cách đây không lâu, một doanh nghiệp rất lớn của Đài Loan chuyên bán thức ăn cho cá đã mời đoàn doanh nghiệp VN (là đại lý và khách hàng của họ) sang đó để tham quan và bàn chuyện hợp tác. Trên đường từ Cao Hùng đi Đài Bắc, tôi thấm thía thế nào là nỗi đau của phụ nữ VN khi thấy những cô gái trẻ đến từ nước mình ăn mặc phong phanh đứng bán trầu ngoài đường, rồi chứng kiến sự đáng thương của những cô dâu Việt.

Sau sự bàng hoàng, cay đắng, trong tôi hình thành một quyết tâm: Phải làm cho ông chủ doanh nghiệp Đài Loan có cái nhìn khác về VN và phụ nữ VN. Đó trước hết là vì niềm kiêu hãnh, nhu cầu được tôn trọng đối với cá nhân tôi, rồi đến hình ảnh của đất nước mà tôi thuộc về. Trong sâu thẳm mỗi người đều có nhu cầu và niềm kiêu hãnh đó, chứ không phải mình tôi đâu. Mà một khi mình được tôn trọng, thì mối quan hệ hợp tác, kinh doanh mới được công bằng.

Trong các buổi họp sau đó, tôi có cách riêng để buộc đối tác - một tỷ phú, doanh nhân thuộc loại hàng đầu của Đài Loan - phải chú ý đến tôi. Trong khi các đồng nghiệp khác hỏi qua đáp lại với ông ấy, tôi chỉ ngồi nghe, im lặng. Đến lúc, dường như không thể thắng nổi sự hiếu kỳ, ông buộc phải lên tiếng hỏi tôi trước.

Tôi quyết định không nói tiếng Việt để người ta dịch sang tiếng Hoa, mà dùng tiếng Anh, yêu cầu ông một buổi gặp riêng để thuyết trình những đề xuất của mình. Có thể sự “chảnh” của tôi, một đối tác nhỏ bé, đã làm ông ấy bất ngờ nên sau đó, ông bị “cuốn” theo “rắp tâm” dẫn dắt của tôi. Sau khi nghe tôi trình bày, ông quyết định ngay sẽ đích thân sang VN gặp tôi để bàn bạc sâu hơn.

Đúng một tuần sau, ông sang y hẹn. Lúc đó, tôi phát sinh một trăn trở khác. Ông ta rất giàu, đã đón tiếp mình bằng những cung cách yến tiệc thượng lưu khi mình sang đó. Vậy bây giờ mình là chủ nhà, phải làm sao để tương xứng? Tôi nghĩ đừng chỉ nói đến trí tuệ hay tấm lòng không thôi, mà chúng ta còn phải thể hiện được cung cách ngang bằng, ít ra là tương đối ngang bằng, khi muốn thay đổi cái nhìn cũ và chinh phục người cao hơn mình.

Vì thế, tôi bày biện một bữa ăn thượng lưu ở khách sạn 5 sao để đón tiếp, mời các anh chị doanh nhân thực sự có tầm đang sinh hoạt cùng CLB Doanh nhân Sài Gòn với tôi đến dự để giới thiệu một đẳng cấp khác của giới doanh nhân VN trước đối tác. Quả thật, “phép tính” của tôi đã đúng. Đối tác lớn của tôi đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn về làng kinh doanh VN và tất nhiên, tôi cũng có một vị thế mới trước ông. Từ đó đến nay, chúng tôi đã hợp tác suôn sẻ, bình đẳng, giao hảo tốt đẹp. Ông ấy trở thành đối tác chiến lược của công ty tôi và là người bạn lớn của tôi.

Tôi muốn nói rằng: Chúng ta thật sự vất vả để tìm vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Chúng ta chỉ có thể đạt được sự vị nể, công bằng trước những đối tác lớn khi biết cách làm cho mình lớn.

* Được biết, chị thường một mình đi xúc tiến thị trường nước ngoài. Vì sao phải vất vả như thế mà không ủy quyền cho cộng sự hay mang trợ lý theo?

Trong chuyến đi đáng nhớ ở Idaho. “Khi xe khách sạn đến đón tôi trong tuyết, tôi nhờ tài xế chụp lại tấm ảnh này”

- Thứ nhất, tôi đã thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ủy quyền cho cấp dưới nhưng thực ra là không sâu sát. Đối với thị trường hay khách hàng mới, phải đích thân tôi đi tìm hiểu, thẩm định, tôi mới tường tận và quyết định được những con đường lâu dài. Cấp dưới của mình còn non, thì mình phải là người mở đường chính xác, rồi mới giao cho họ thực thi, chứ không thể dồn trách nhiệm khai phá con đường mới cho họ. Khi họ không đủ sức làm mà vẫn phải làm, sẽ hại cả cho họ lẫn cho mình.

Thứ hai, tôi là một doanh nghiệp nhỏ đi lên, nên bản thân tôi cũng cần phát triển chính mình trước. Dắt theo trợ lý hay cộng sự, dễ sinh tâm lý ngại ngùng, ỷ lại, cả đời không thể nói được tiếng Anh và bản lĩnh ứng xử trước nhiều dạng khách hàng khác nhau. Mặt khác, có nhiều sự vụ trong giao thương mà chỉ có người đứng đầu doanh nghiệp mới quyết định nhanh, ứng xử linh hoạt được. Thay vì ngồi nhà chờ báo cáo, xin ý kiến, tôi đích thân đi và ra quyết định trực tiếp với đối tác. Cho đến giờ này, cách làm của tôi đang đúng. Bản thân tôi học được rất nhiều từ những chuyến đi “đơn độc” của mình.

* Chị học được những bài học cụ thể nào trong những chuyến đi gần đây nhất?

- Một ngày “đẹp trời” cách đây chưa lâu, tôi nhận được hung tin 17 container hàng của mình bị kẹt bên Ba Lan. Nếu bây giờ bị trả về, thiệt hại rất nhiều. Chỉ riêng tiền lưu kho bãi mấy chục ngày ở bên đó và tiền vận chuyển qua lại cũng đủ “mệt” rồi. Vả lại, tôi nghĩ, chắc có uẩn khúc gì đây, đối tác mới tự nhiên “giở chứng” làm khó mình.

Tôi quyết định bay sang tận nơi giải quyết. Đến nơi, tôi quan sát nhanh và nhận ra, dù đối tác của mình viện lý lẽ nọ kia, song vấn đề nằm ở chỗ, do khủng hoảng kinh tế nên họ không có tiền, chỉ còn có thể nhập một lượng hàng nhất định và giá phải thấp xuống. Tôi nêu vấn đề thẳng luôn với giám đốc bên đó, rồi nhanh chóng “cắn răng” hạ giá, chịu mất một khoản không hề nhỏ - trên 120.000USD. Nhưng nếu tôi đắn đo, tình thế sẽ khác ngay.

Người ta sẽ mua hàng giá rẻ của người khác, còn mình phải “ôm” hàng về và chịu bao nhiêu thứ chi phí đắt đỏ. Có những lúc, không thể cứ nói lý lẽ, luật pháp, mà cần sự linh hoạt, nhún nhường. Sau quyết định của tôi, đối tác cũng rất mừng vì thật ra, họ quen mua hàng của mình. Chúng tôi vẫn giữ được một khách hàng cho lâu dài. Đó là một bài học trên thương trường về quan sát tình hình và ra quyết định mà tôi sẽ còn phải ghi nhớ lâu dài.

Gia đình tôi, hai con trai tôi là thành tựu lớn nhất của tôi trong cuộc đời này

Gần nhất là chuyến đi Mỹ. Sau khi đoàn xúc tiến thương mại của chính quyền bang Idaho đến VN, họ mời tôi sang đó để tìm hiểu thị trường. Tôi cũng một mình sang đó và trải qua một chuyến đi đáng nhớ. Idaho là một tiểu bang xa xôi và họ có đến 2 sân bay. Do không chú ý đến điều này, đại lý vé máy bay tại VN đã đặt vé cho tôi đến sân bay này trong khi đối tác hẹn đón mình ở sân bay kia. Mà hai sân bay xa nhau vời vợi, bất tiện vô cùng.

Khi tôi đến nơi, trời lạnh giá, tuyết phủ dày cả vùng, hành lý bị lạc. Muốn đến nơi tôi cần đến, cần phải chờ đến ngày mai mới có chuyến bay. Bực, giận, lạnh, lạc lõng... khiến tôi phát khóc. Mình là phụ nữ mà! Muốn thuê khách sạn để nghỉ thì khách sạn lại ở rất xa sân bay. Ở đó, người ta chỉ cho thuê xe tự lái chứ không có taxi.

Tôi phải lội bộ trong tuyết ngập đến đầu gối, giữa thời tiết âm 9 độ C, quần áo không đủ ấm... để đi tìm chỗ gọi điện và tìm khách sạn. Một mình giữa mênh mông trắng xóa, nhiều lúc tôi mệt đến kiệt sức, đi được nửa đường thì đôi chân đã không còn là đôi chân của mình nữa. Nhưng tôi phải liên tục tự nhủ phải ráng thêm nữa, ráng đi được đến nơi mình cần, không được gục ngã lúc này...

Sau nhiều cách trở nữa, cuối cùng chuyến đi ấy cũng đạt được những mục đích mong đợi cho công việc. Xúc động trước những gì tôi phải trải qua, đích thân bà chủ tịch Công ty ra đón tôi tại sân bay. Sau khi làm việc với nhau, họ đã đồng ý nhập hàng chế biến sẵn giá trị cao của chúng tôi. Sắp tới, các mặt hàng này sẽ được họ đưa trực tiếp vào hệ thống bán lẻ của Mỹ.

Tôi học từ đây bài học lớn nhất về cuộc sống, khả năng chịu đựng, ứng phó và quyết tâm đi đến tận cùng. Trong chúng ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn mà nếu không có bản lĩnh và ý chí, không thể đánh thức được sức mạnh ấy lúc cần. Và nữa, từ giờ, luôn phải kiểm tra kỹ tên các sân bay (cười).

PHẠM HOA LÀI