Năm loại trái cây xuất sang Trung Quốc: Phải đăng ký
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 04:32, 04/07/2009
![]() |
Nông dân những vùng trồng nhãn, vải, chuối, thanh long, dưa hấu với sản lượng lớn, doanh nghiệp xuất khẩu các loại trái cây này đang lo lắng khi nghe thông tin từ 1/7, khi xuất hàng sang Trung Quốc (TQ) phải cung cấp thông tin về vườn trồng, trang trại, cơ sở đóng gói... Trong khi đó, trái cây TQ nhập vào VN mỗi ngày, chưa nghe nói loại nào phải cung cấp thông tin tương tự.
![]() |
Nhãn là một trong năm loại trái cây khi xuất sang Trung Quốc phải cung cấp thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói |
Xuất khẩu lo, nhập ung dung
Quy định trên được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) VN và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch TQ ký từ tháng 1/2009.
Tuy Cục Trồng trọt nói yêu cầu từ phía TQ mới chỉ là bước lấy thông tin đăng ký từ các đối tượng liên quan tới việc xuất khẩu, chưa có bất cứ một điều khoản nào về kiểm tra chất lượng đối với năm loại trái cây trên, nhưng cả nhà vườn lẫn doanh nghiệp (DN) trong nước đều lo sẽ khó xuất nếu không kịp đáp ứng những yêu cầu mà TQ đưa ra.
Tỉnh Bình Thuận có khoảng 11.263ha thanh long, trong đó diện tích cho trái gần 9.000ha, sản lượng 236.000 tấn, có 20.000 hộ dân trồng và gần 30 doanh nghiệp, cơ sở lớn thu mua, xuất khẩu thanh long. Ngoài 30.000 tấn quả hằng năm xuất đi các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và tiêu dùng nội địa, còn lại thanh long Bình Thuận được xuất đi TQ khoảng 130.000 tấn/năm, chủ yếu qua cửa khẩu.
Với số lượng đơn vị phải đăng ký khá đông, Bình Thuận lo sẽ không kê khai kịp vì mỗi DN có nhiều cơ sở thu mua, nhiều nơi đóng gói mỗi
nơi phải kê khai diện tích, sản lượng thu hoạch, thu mua, thống kê số xuất sang TQ trong năm 2008 và đăng ký năng lực xuất khẩu thanh
long trong các năm tới.
Đến ngày 12/6/2009, cả tỉnh có 13 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký có sản phẩm thanh long xuất khẩu sang TQ. Với các nhà vườn, trước mắt tỉnh Bình Thuận đăng ký cho các trang trại và các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh.
Hợp tác xã (HTX) thanh long Chợ Gạo dự kiến tháng 9 tới sẽ nhờ một tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP cho vùng trồng thanh long của HTX. Chi phí cho việc đánh giá, chứng nhận Global GAP khoảng 100 triệu đồng, không nhỏ đối với HTX, ngoài ra còn khoản chi phí
chiếu xạ để diệt ruồi đục quả (khoảng 17.000đ/kg), các nhà vườn phải chi trả khi muốn xuất khẩu.
Thế nhưng, HTX cũng không rõ như vậy đã đủ chưa hay còn những thủ tục gì. Trang trại, DN trong nước thì lo chờ kết quả đăng ký và các tiêu
chuẩn phải tuân thủ, còn DN, thương nhân nhập khẩu trái cây TQ thì cứ ung dung đưa hàng về VN mỗi ngày càng nhiều vì chẳng nghe ai nói gì về những loại trái cây TQ bị bắt buộc phải có những thủ tục đăng ký và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh của VN đưa ra.
Các công ty quản lý các chợ đầu mối trái cây không nắm thông tin gì. Các siêu thị đã từng yêu cầu phía đối tác TQ cung cấp trái cây theo “tiêu chuẩn siêu thị”, giờ cứ thế làm, sau hẳng hay.
Đừng tắc trách với doanh nghiệp
Ông Lý Hải Long, phụ trách xuất khẩu của Công ty Bảo Thanh cho biết, DN đã đăng ký, nhưng phải đợi bao lâu để biết được chấp nhận hay không đủ tiêu chuẩn xuất hàng vào TQ, đành “án binh mbất động”. Ông cho rằng cơ quan nhà nước đừng tắc trách với DN quá.
Từ 1/6, thương nhân ở TQ cho biết họ đã hoàn tất các thủ tục đăng ký. Khi nghe bạn hàng hỏi thì DN mới hay có quy định cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ trái cây xuất khẩu. DN không biết hỏi ai, than với giới báo chí, sau đó mới thấy Bộ NN&PTNT thông báo. Cây trái không biết đợi giấy phép, đến mùa thì trái chín, nếu có trục trặc thủ tục nhập - xuất thì DN chịu hết.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đã có 29 tỉnh, thành gửi danh sách các trang trại, DN có trồng và xuất khẩu năm loại trái cây trên, các bước thẩm định sẽ có thông báo.
DN nên xem đây là một mở đầu tốt đẹp để trái cây VN có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang TQ. Khi chưa có thêm thông báo gì từ cơ quan chức năng, thì sau ngày 1/7 vẫn xuất khẩu bình thường chứ không bị ràng buộc gì.
Điều DN trách nữa là Bộ NN&PTNT có trang web mà không hề sử dụng để làm cầu nối, cập nhật thông tin kịp thời về các chính sách thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Đến nay, các trang trại, DN muốn kiểm tra xem mình có bị lọt sổ đăng ký xuất khẩu năm loại trái cây sang TQ theo quy định mà địa phương nói đã chuyển danh sách lên Bộ NN&PTNT, thì không biết kiểm tra bằng cách nào.Cục Trồng trọt phía Nam, Hiệp hội Trái cây VN đến ngày 13/6 cũng chỉ biết chờ Hà Nội thông báo.