Quy trình GAP: Động lực từ thương nhân
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 04:54, 04/07/2009
![]() |
Người tiêu dùng mong sử dụng nông sản không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cao hơn nữa là cây trồng tiêu chuẩn GAP (Quy trình nông nghiệp an toàn). Việc đó cần phải làm vì là nhu cầu sử dụng nông sản hiện nay. Trong khi các trang trại, nhà nông chần chừ chỉ vì không tự lo được thị trường thì rất mừng, chính thương nhân đang chủ động huy động nông dân thực hành GAP.
![]() |
Người tiêu dùng mong sử dụng nông sản không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cao hơn nữa là cây trồng tiêu chuẩn GAP |
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit nhận định, các tổ chức khuyến nông không thúc đẩy được nông dân thực hành GAP vì không chỉ ra được nơi tiêu thụ rõ ràng. Chỉ có thương nhân mới có thể giúp cho các trang trại hiểu được thị trường đang cần gì.
Vinamit chủ động tìm đến các trang trại để đưa giải pháp nếu trang trại cùng Vinamit đầu tư thì 5 năm sau sẽ hình thành chuỗi giá trị gia tăng là bao nhiêu.
Nông dân cần được tư vấn quản trị giá vốn, quản trị chất lượng, phân tích phân khúc thị trường để thay đổi chiến lược trồng trọt, chiến lược tiêu thụ gắn kết thị trường. Giúp cho nhà nông tạo ra giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh, cùng lo phân phối, thậm chí đáp ứng cả yêu cầu đóng gói của nhà tiêu thụ, thì họ sẽ có trách nhiệm với nông sản làm ra.
Ông Phan Đỗ Duy Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Samsan mở được thị trường Hàn Quốc cho trái chanh không hạt, hiện sản xuất chưa đủ hu cầu. Huy động nông dân trồng từ 15ha trong năm nay, sẽ nâng dần đến 200ha trong ba năm, ông Bảo hướng dẫn sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn từ VietGAP đến GlobalGAP, chứ không để trồng tự do.
Ông làm thử nghiệm và gắn bó với từng nông dân, thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó nên việc khuyến khích nông dân mở diện tích không khó.
Bà Huỳnh Kim Liêng, một nhà buôn trái cây có mạng lưới thu mua rộng từ miền Tây đến miền Đông Nam bộ, khẳng định: “Sắp tới muốn buôn nhiều phải trương thương hiệu và công bố trái cây trồng theo quy trình GAP.
Chuyện này đáng lẽ nông dân tự biết làm, mình thu mua, nhưng khách mua hàng biết chủ hàng chứ nào biết nông dân.Vì uy tín nên tự mình phải tạo động lực cho nông dân làm GAP và thu mua sản phẩm với giá cao”.
Bà cho biết sắp tới sẽ cung cấp xoài cát, cam sành, quít đường an toàn cho thị trường nội địa vì đã có vùng quy hoạch hợp tác với trang trại miền Đông Nam bộ, đã đăng ký thương hiệu, thiết kế logo, nhãn hàng hóa. Bước đầu các chủ trang trại hợp tác với bà, đã giảm bớt sử dụng thuốc trừ sâu. Riêng bà có 60 - 70ha xoài tự trồng theo tiêu chuẩn GAP.