“Sống đẹp là được cống hiến và biết yêu thương”

Chân dung - Ngày đăng : 09:48, 05/07/2009

Khác với những cuộc hẹn trước đây, lần này chị tiếp tôi tại văn phòng của Hội Cơ khí - Điện TP.HCM. Phòng làm việc của “bà chủ tịch” khá giản dị, chỉ được “điểm xuyết” bằng một bức tranh về biển cùng vài tấm bằng khen.
“Sống đẹp là được cống hiến và biết yêu thương”

Khác với những cuộc hẹn trước đây, lần này chị tiếp tôi tại văn phòng của Hội Cơ khí - Điện TP.HCM. Phòng làm việc của “bà chủ tịch” khá giản dị, chỉ được “điểm xuyết” bằng một bức tranh về biển cùng vài tấm bằng khen. Nhìn nụ cười rạng ngời của chị bên chồng trên tấm hình ở phòng làm việc, tôi chợt hiểu vì sao trong hầu hết các câu chuyện của chị đều “thấp thoáng” bóng dáng anh...

* Xin được bắt đầu từ câu hỏi về Hội Cơ khí - Điện của chị nhé! Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã “quét” qua nơi đây như thế nào, thưa chị?

- Theo tôi, nhìn chung trong cuộc khủng hoảng này, các nước phát triển bị ảnh hưởng nhiều hơn VN. Với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nào liên quan trực tiếp đến thị trường xuất khẩu thì tốc độ ảnh hưởng cũng cao hơn, nhất là các doanh nghiệp gia công với thương hiệu của nước ngoài hay xuất khẩu thủy sản, mỹ nghệ...

Còn với ngành cơ khí - điện nói chung, Hội Cơ khí - Điện TP.HCM nói riêng thì hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa phần đều phục vụ thị trường trong nước (80%), phần còn lại là gia công chi tiết. Chính nhờ đặc thù này mà mức ảnh hưởng từ khủng hoảng ít hơn, sản lượng tiêu thụ chỉ giảm từ 20 - 30%.

Mặc dù gặp khó khăn về vốn, nhưng cho đến nay, phần lớn các doanh nghiệp trong Hội vẫn tự xoay xở được, chưa doanh nghiệp nào phải đóng cửa. Có một tín hiệu vui là thị trường xây dựng cũng đã bắt đầu khởi động trở lại và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp hội viên trong việc cung ứng các sản phẩm cơ khí cho công trình.

* Còn với riêng Công ty Tiến Lộc của chị thì sao?

- Sáu tháng cuối năm 2008, chúng tôi đã rơi vào khủng hoảng vì lãi vay ngân hàng quá cao mà nhu cầu tiêu dùng trong nước lại giảm. Doanh số 6 tháng cuối năm 2008 của Tiến Lộc giảm 50% so với cùng kỳ 2007. May mà tới tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã hỗ trợ nhiều để nhu cầu tiêu dùng dần bình ổn.

Cho đến nay, tình hình sản xuất của chúng tôi đã bình thường trở lại. Thật ra, khủng hoảng tinh thần theo kiểu dây chuyền còn đáng sợ hơn là khủng hoảng về tài chính. Sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua với doanh nghiệp như một liều thuốc bổ, ít nhất cũng có sự tác động về tâm lý, giúp doanh nhân chúng tôi phấn chấn hơn và mạnh dạn đầu tư.

* Hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân đều nhận định rằng kinh tế VN đã có dấu hiệu phục hồi, dù mới chỉ là những tín hiệu ban đầu, chưa mang tính bền vững. Để tiếp tục ứng phó với diễn biến khó lường của thị trường, Tiến Lộc đã có giải pháp gì?

- Song song với việc sản xuất xe gắn máy, chúng tôi đã quyết định mở rộng ngành nghề, đầu tư công nghệ để sản xuất thêm một số mặt hàng mới. Cụ thể, chúng tôi liên doanh với một đối tác Mỹ để chuẩn bị sản xuất động cơ điện phục vụ cho ngành xe máy, điện
gia dụng, ô tô... Trong tương lai gần, Tiến Lộc sẽ tiến tới sản xuất máy lạnh, nồi cơm điện...

Tiếp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại nhà máy của Tiến Lộc.

* Có ý kiến cho rằng, trong khủng hoảng mới thấy rõ sự linh hoạt của mô hình doanh nghiệp tư nhân. Chị thấy sao?

- Đúng vậy! Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp của TP.HCM nói chung và Hội Cơ khí - Điện nói riêng đã quen với cơ chế thị trường, biết cách tự bươn chải và ít nhiều đã có giá trị tích lũy. Và đa phần trong số ấy đều là doanh nghiệp tư nhân nên trong những lúc “nước sôi lửa bỏng” đã tự quyết định một cách nhanh chóng, linh hoạt việc sản xuất, kinh doanh.

Tôi nghĩ, TP.HCM nên cổ xuý và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty gia đình vì mô hình này rất linh hoạt, chắc chắn. Có dịp đi qua Ý, tôi thấy họ cũng làm như vậy. Có những công ty gia đình của Ý chỉ có 5 -7 nhân viên mà họ đã làm nên những thương hiệu nổi tiếng trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ điện gia dụng hay máy bơm nước.

Với VN, theo tôi, chúng ta có thể cạnh tranh với thế giới về những mặt hàng thủ công, liên quan đến bí quyết công nghệ. Còn để sản xuất đại trà, mẫu mã đa dạng, giá rẻ thì không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Mặt khác, từ kinh nghiệm của chính mình, tôi thấy doanh nghiệp VN nên cạnh tranh bằng chất lượng, chế độ bảo hành - hậu mãi.

* Phải chăng, kinh doanh là đồng nghĩa với mạo hiểm? Từ khi bước ra thương trường đến giờ, quyết định nào của chị là mạo hiểm nhất?

- Tôi không nghĩ như vậy, hay nói một cách chính xác hơn, đó là “tâm lý” của doanh nhân thời đất nước mới mở cửa. Ngày đó, ai cũng vừa làm vừa học nên sự mạo hiểm là cần thiết, nếu không cơ hội sẽ tuột mất.

Song, ngày nay thì mọi chuyện đã khác, làm gì cũng phải theo luật, đúng luật và phải tìm hiểu quy tắc vận động của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới. Vì chỉ có như vậy thì những sản phẩm mà doanh nghiệp làm ra mới phù hợp với văn hóa và nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong kinh doanh luôn đòi hỏi sự mạnh dạn và quyết đoán. Muốn thành công, phải tìm hiểu kỹ thị trường, chọn con đường đi riêng, biết lượng sức mình, xác định rõ mục tiêu thị phần để phấn đấu.

Với tôi, muốn làm gì cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo. Chẳng hạn, trước khi sản xuất xe máy, tôi đã từng kinh doanh xe máy ở một công ty nhà nước, từng làm đại lý cho một số thương hiệu lớn như Honda, Suzuki... Khi chuyển sang làm bất động sản cũng vậy.Ngay từ những năm 2003 - 2004, tôi dự định đầu tư xây dựng khách sạn, căn hộ cho thuê và tiến hành mua “đất sạch”, có chủ quyền.

Từ nền tảng này, năm 2006, tôi mới thành lập Công ty bất động sản Song Kim, làm từ dự án nhỏ đến dự án lớn, có việc rồi mới tuyển người. Chính vì vậy, mà thời gian qua, trong khi một số doanh nghiệp bất động sản lao đao thì ở Song Kim sự ảnh hưởng chỉ ở mức độ dự án bị chậm lại.

Khi đầu tư tài chính, tôi chỉ chọn những thương hiệu lớn để học hỏi cách quản lý chuyên nghiệp của họ và nhắm đến mục tiêu lâu dài. Tôi không đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán.

* Người xưa có câu “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Để có được thiên thời - địa lợi, phần nhiều là nhờ yếu tố khách quan, còn nhân hòa thì phải do chính mình tạo nên. Chị có đồng quan điểm này?

- Người xưa cũng có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”, nhưng dĩ nhiên chỉ mang tính tương đối thôi, vì trên thực tế vẫn có những người tốt mà không gặp may. Vấn đề là phải biết cách tận dụng khi cơ hội khi nó tới.

Với tôi, may mắn không nhiều nhưng tôi đều chớp được cả. Nói thì có vẻ sách vở, nhưng quả thật, một người kinh doanh chân chính không thể không có cái tâm tốt. Cái tâm ấy sẽ nhắc nhở họ không kiếm tiền bằng mọi giá, không đạp lên người khác để dành lợi thế cho mình và đây cũng chính là đạo đức kinh doanh.

* Sở hữu một loạt công ty cùng “bộ sưu tập” bằng khen, danh hiệu ghi nhận thành tích kinh doanh cũng như đóng góp cho cộng đồng, chị có nghĩ mình là người thành đạt?

- Nói một cách chính xác là tôi đang vươn tới sự thành đạt. Tôi chưa bao giờ tự hỏi mình rằng có bao nhiêu tiền mới là giàu. Tôi hài lòng với những gì mình hiện có và một khi đã được tín nhiệm thì phải làm hết sức mình, làm đến nơi đến chốn.

* Chị làm thế nào để “phân thân” một cách hiệu quả khi vừa điều hành doanh nghiệp vừa lãnh đạo Hội Cơ khí - Điện với tư cách Chủ tịch?

Nếu người lãnh đạo giữ được liên lạc thường xuyên với người lao động thì sẽ kiểm tra chéo được sự thực thi của cấp quản lý trung gian, tránh được sự bất nhất trong điều hành.

- Phải cố gắng thôi. Quan trọng nhất là phải có người đồng hành và mạnh dạn giao việc, phân quyền cho họ. Một người lãnh đạo giỏi là người biết cách kết nối mọi người chứ đâu phải là việc gì cũng biết làm, phải làm.

Trong vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp, tôi nhận thấy điều cần thiết nhất để giữ chân nhân viên là phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, phải biết vì sao họ nhiệt tình hay không nhiệt tình với công ty.

* Theo các chuyên gia tâm lý, đây cũng là một trong những bí quyết hữu hiệu để thu phục lòng người. Nhưng làm thế nào để “lắng nghe” cộng sự một cách chính xác, thưa chị?

- Tôi có nhiều kênh để làm việc này, đó là trực tiếp nghe báo cáo giao ban của giám đốc bộ phận và thư ký, tìm hiểu qua các đoàn thể đã được thành lập tại công ty như chi bộ Đảng, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.Số điện thoại di động của tôi được công bố rộng rãi, ai có khúc mắc gì có thể trực tiếp phản ánh và sẽ được phản hồi một cách sớm nhất.

Ngoài ra, công ty còn có một thùng thư góp ý. Kinh nghiệm cho thấy, nếu người lãnh đạo giữ được liên lạc thường xuyên với người lao động thì sẽ kiểm tra chéo được sự thực thi của cấp quản lý trung gian, tránh được sự bất nhất trong điều hành.

Làm giám khảo cuộc thi nấu ăn do Hội Phụ nữ của Công ty tổ chức ngày 8/3/2009.

* Chị kỳ vọng gì ở Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM sau Đại hội đại biểu nhiệm kỳ V?

Mong muốn của tôi là phải làm sao để việc kết nối giữa Hiệp hội với chính quyền, giữa Hiệp hội với doanh nghiệp hội viên, giữa hội viên với hội viên trở nên tốt hơn, mạnh hơn.

- Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho đại hội lần này là “cầu nối”, là thành viên của Hiệp hội tôi cũng có thêm cơ hội để hỗ trợ cho hội viên ở Hội Cơ khí - Điện của mình. Hơn nữa tôi cũng là chủ doanh nghiệp. 

Với vai trò “3 trong 1” này, tôi sẽ có điều kiện sâu sát hơn với cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội mạnh thì Hội của chúng tôi cũng mạnh. Mong muốn của tôi là phải làm sao để việc kết nối giữa Hiệp hội với chính quyền, giữa Hiệp hội với doanh nghiệp hội viên, giữa hội viên với hội viên trở nên tốt hơn, mạnh hơn.

* Bận rộn như vậy thì thời gian nào chị dành cho gia đình nhỉ? Chị có thể cho biết chị dạy con như thế nào?

- Quả thật là tôi không có nhiều thời gian cho con và luôn cố gắng dành thời gian buổi tối cho gia đình. Tôi chuẩn bị sang dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai lớn ở Cali, cháu học ngành tài chính. Con trai nhỏ của tôi đang học lớp 6, rất biết tự lập. Vợ chồng tôi luôn dạy con biết quý trọng đồng tiền. Con muốn mua cái gì tôi cũng “ra điều kiện” hoặc phải chờ đến ngày mẹ lĩnh lương mới có.

* Hạnh phúc với chị là gì? Làm thế nào để sống đẹp và sống khỏe, theo chị?

- Hạnh phúc của người phụ nữ là một mái ấm gia đình, vợ chồng yêu thương, tôn trọng nhau và có những đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang. Tôi cũng vậy và cộng thêm một số “chỉ số” nữa là sự nghiệp suôn sẻ, có điều kiện đóng góp phần nào cho cộng đồng.

Có hạnh phúc đã khó, nhưng giữ được nó còn khó hơn. Theo tôi, sống đẹp và sống khỏe là được cống hiến và biết yêu thương. Đây cũng chính là hạnh phúc lớn nhất của doanh nhân.

* Cho đến bây giờ, có điều gì mà chị “đi hoài chưa tới”?

- Điều tôi trăn trở nhất là tái cấu trúc công ty, phát triển Tiến Lộc theo mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành. Cái khó là thiếu con người. Tôi đang tìm giám đốc điều hành. Tôi mong muốn có một đội ngũ nhân sự tinh nhuệ hơn, phù hợp hơn với công việc sắp tới.

* Trong những lúc mệt mỏi hay khó khăn nhất, người chị thường chia sẻ là ai?

- Là ông xã. Với chúng tôi, thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Chúng tôi hiểu rõ mặt mạnh cũng như điểm yếu của nhau và phân quyền cụ thể: Anh lo về chiến lược và điều hành sản xuất, tôi lo mảng đối ngoại và quản lý tài chính.

Vợ chồng làm chung đôi lúc cũng có bất đồng quan điểm, nhưng chúng tôi luôn bình tĩnh để đối thoại thẳng thắn. Cái gì chồng hoặc vợ đã quyết rồi thì chỉ rút kinh nghiệm về sau.

* Xin cảm ơn chị!

KIM DUNG - Ảnh: CÔNG TOẠI