Động lực tăng trưởng mới?

Quốc tế - Ngày đăng : 03:26, 06/07/2009

Các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đang hồi phục nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Trong khi sản lượng công nghiệp tại Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 5, thì các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng bằng mức trước khủng hoảng...
Động lực tăng trưởng mới?

Các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đang hồi phục nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Trong khi sản lượng công nghiệp tại Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 5, thì các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng bằng mức trước khủng hoảng. Liệu châu Á có thể thay Mỹ trong vai trò làm động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu?

Ngân hàng JPMorgan ước tính các nước đang phát triển châu Á đạt tăng trưởng GDP 7% trong quý II vừa qua. Tăng trưởng của châu Á cho thấy sự sụt giảm của khu vực này thời gian qua chủ yếu là do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế Mỹ. Sản lượng công nghiệp nhiều nước hồi phục làm chấm dứt nỗi ám ảnh tồn kho của các nhà sản xuất, cũng như cho thấy hiệu quả tích cực của các gói kích cầu kinh tế. Tuy nhiên, cả hai ảnh hưởng này còn mờ nhạt. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu tại các nước đang phát triển có vẻ vẫn còn yếu.

Tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, mức độ tiêu dùng vẫn tăng hơn 5% trong suốt thời kỳ kinh tế toàn cầu suy giảm. Doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc tăng 15% trong năm ngoái. Sức tăng này chủ yếu do sức mua từ khu vực công, nhưng các khảo sát cho thấy, tiêu dùng cũng tăng với tỷ lệ ấn tượng là 9%. Chẳng hạn, tính đến tháng 5, doanh số mặt hàng điện tử tăng 12%, quần áo tăng 22% và xe hơi tăng 47%...

Tuy nhiên, tại nhiều thị trường trong khu vực, tiêu dùng đang giảm lại do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nhiều DN cắt giảm lương đồng loạt. Tại Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc, chi tiêu thấp hơn 1-5% so với một năm trước đó. Nhiều ý kiến cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á có thặng dư tài khoản vãng lai lớn vì người dân tại đây có xu hướng tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Thực tế, trong 5 năm qua, tiêu dùng tại đây tăng trung bình hằng năm 6,5% - tốc độ tăng cao nhất thế giới. Tỷ lệ tiêu dùng trong cán cân GDP giảm nhưng là do đầu tư và xuất khẩu tăng nhanh hơn, chứ không phải chi tiêu yếu đi.

Tại hầu hết các nền kinh tế châu Á, tiêu dùng cá nhân chiếm khoảng 50-60% GDP. Chỉ có Trung Quốc là một ngoại lệ khi tiêu dùng tư nhân giảm từ 46% GDP trong năm 2000 xuống còn 35% trong năm ngoái, bằng một nửa so với Mỹ. Tính theo tỷ giá USD, chi tiêu tại đây chỉ bằng một phần sáu tại Mỹ. Chính vì vậy, Chính phủ Trung Quốc đang mạnh tay kích thích chi tiêu. Trong vòng 6 tháng qua, Bắc Kinh tung ra nhiều chương trình khuyến khích người dân tiêu dùng, như dân nông thôn được vay hỗ trợ để mua xe, tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại di động...
k Một cách khác để thúc đẩy tiêu dùng là tạo điều kiện cho vay dễ dàng hơn. Tại hầu hết các nền kinh tế châu Á, nợ của các gia đình thường thấp hơn 50% GDP, so với gần 100% tại nhiều nền kinh tế phát triển. Chỉ riêng tại Hàn Quốc, nợ tiêu dùng lớn và tỷ lệ tiết kiệm giảm trong thập kỷ qua từ 18% thu nhập xuống còn 4%. Tuy nhiên, các nước trong khu vực cũng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, các ngân hàng Trung Quốc mới đây đã cho phép thành lập các công ty tài chính trong và ngoài nước cho cá nhân vay tiêu dùng.

Những biện pháp này khá đúng hướng. Nhưng để xây dựng một nền kinh tế tới tiêu dùng nội địa thì một câu hỏi đặt ra đối với nhiều chính phủ là có cho phép thay đổi tỷ giá hối đoái hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách vẫn còn lưỡng lự trong quyết định để đồng tiền tăng giá mạnh.

Chi tiêu tại châu Á là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu. Thậm chí, trước khi khủng hoảng, tiêu dùng tại các nền kinh tế đang phát triển đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn Mỹ. Nhưng ảnh hưởng này có thể lớn hơn nếu các nền kinh tế tại đây phát huy thế mạnh nội địa, hơn là phá giá đồng tiền để có lợi thế xuất khẩu sang phương Tây.  

LAM HỒNG