Bán hàng ở nông thôn "chạy" hơn cả ...siêu thị
Chính sách mới - Ngày đăng : 08:31, 09/07/2009
![]() |
Đã có DN khá sửng sốt là tại sao hàng của DN mình lại bán được ở nông thôn nhiều vậy, thậm chí tốt hơn là bán ở siêu thị. Bên lề buổi giao ban trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2009 ông Võ Văn Quyền (ảnh), Vụ phó Vụ Chính sách thị trường, Bộ Công thương trong nước cho rằng: Việc đưa hàng về nông thôn mà Chính phủ đang triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực.
- Thưa ông, thời gian qua Bộ Công thương đã triển khai chính sách kích cầu nội địa thông qua việc đưa hàng về nông thôn, đến nay chính sách này đã được thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?
- Vừa qua chúng tôi có tổ chức các đợt bán hàng chung về nông thôn ở một số tỉnh trọng điểm. Sau khi triển khai thì thực tế cho thấy nhu cầu ở đây là rất cao, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như bát đũa, ấm chén, may mặc, mì tôm... còn các mặt hàng đắt tiền như đồ điện tử rất khó bán.
Xác định được những vấn đề đó ,từ này đến cuối năm 2009 chúng tôi sẽ xúc tiến bán các mặt hàng thế mạnh này, trong đó tập trung phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại của người dân nông thôn.
- Trong quá trình triển khai thực hiện Bộ Công thương có hỗ trợ gì cho DN tổ chức đưa hàng về nông thôn hay không, thưa ông?
- Chúng tôi đang triển khai các loại hình hội chợ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước được hơn 1 tháng nay. Trong chuỗi đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một số hội chợ cấp miền, cấp vùng cho những nhóm ngành hàng của DN sản xuất trong nước cần tiêu thụ và NTD có thể mua được.
Về hoạt động thúc đẩy bán hàng, Bộ đã kết nối hệ thống phân phối trên toàn quốc để tổ chức các sự kiện như Tuần bán hàng Việt, Tháng bán hàng Việt có thưởng, có khuyến mãi... tạo thành một sự kiện chung có qui mô toàn quốc thay vì từng DN phải quảng cáo khuyến mại.
Như vậy, thay vì DN phải tự đứng ra tự tổ chức khuyến mại quảng cáo, thì Bộ sẽ làm những kết nối chung giúp các DN cùng quảng bá miễn phí. Không phải cứ nhà nước bỏ tiền ra mới là hỗ trợ.
- Qua hơn 1 tháng áp dụng việc triển khai đưa hàng VN về nông thôn thì theo đánh giá của ông chính sách này đã đem lại hiệu quả chưa, thưa ông?
- Có nhiều chứ! Đã có doanh nghiệp khá "sửng sốt" là tại sao hàng của doanh nghiệp mình lại bán được nhiều vậy, trước đây họ không hề biết tâm lý dùng hàng Việt và nhu cầu mua hàng ở nông thôn lại lớn như vậy.
Qua bán thử họ mới nhận ra rằng, hóa ra hàng do công ty họ sản xuất bán rất tốt, thậm chí tốt hơn là bán ở siêu thị. Qua khảo sát ở tỉnh Bắc Giang, những hàng hóa như đồ gia dụng, đồ tiêu dùng thiết yếu... bán rất chạy.
Tôi cho rằng, việc đưa hàng Việt về nông thôn là chương trình có ý nghĩa cấp thiết đồng thời mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và hàng hóa, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng thấp cấp của nước ngoài tại thị trường nông thôn.
Ngoài ra, giúp các DN sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người tiêu dùng nông thôn, duy trì sự có mặt lâu dài của hàng Việt ở thị trường nông thôn.
- Tuy nhiên, vừa qua người dân nông thôn vẫn có sự so sánh giá cả hàng VN với hàng Trung Quốc và cho rằng so với hàng Trung Quốc thì hàng Việt Nam vẫn cao hơn, ông nghĩ sao?Việc đưa hàng Việt về nông thôn là chương trình có ý nghĩa cấp thiết đồng thời mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN
- Tôi cho là, điều này không quá đáng ngại. Thậm chí, có thể hi vọng qua chương trình này, giúp cho DN có cơ hội điều tra tâm lý, hành vi mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng về giá cả, chất lượng, kiểu dáng đối với nhóm hàng lương thực – thực phẩm, dệt may- da giày và đồ gia dụng từ đó chúng ta sẽ giúp họ nhận dạng trở lại rằng, hàng Việt Nam cũng là rất tốt, rẻ.
Những lo ngại của người dân cho rằng, hàng hóa đưa về tiêu thụ tại các vùng nông thôn chủ yếu là hàng giá rẻ, kém chất lượng, lỗi mốt, hàng nhái hoặc đại hạ giá... đã không còn.
Theo tôi mục tiêu của DN đưa hàng về nông thôn bán chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất là DN đã đọc được những tín hiệu người dân ứng xử với hàng hóa đó như thế nào, cái nào tốt, cái nào không tốt để điều chỉnh.
Đây không phải là một chuyến bán dạo của DN, đừng nghĩ bán được 1 tỷ đồng là DN thành công, quan trọng là biết được thị trường đó phản ứng tích cực và tiêu cực từ đó có điều chỉnh để bán nhiều về sau.
Trên cơ sở đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, lôi cuốn người Việt Nam đến với hàng hóa do DN Việt sản xuất.
- Xin cảm ơn ông!