Doanh nghiệp sẽ "kiệt sức" nếu không được hỗ trợ
Chính sách mới - Ngày đăng : 08:06, 10/07/2009
![]() |
Để tái cơ cấu lại nền kinh tế sau khủng hoảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lưu ý không nên bỏ qua thị trường nội địa, coi đây như một hướng lâu dài và có kế hoạch phát triển đồng bộ thị trường.
Xây dựng chiến lược thương mại mớiNguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lưu ý không nên bỏ qua thị trường nội địa
Phát biểu tại Hội thảo "Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu" hôm 9/7 tại Hà Nội, ông Vũ Khoan nói các nhà đầu tư nước ngoài đã từng "đổ" vốn vào Việt Nam như một thị trường tiềm năng thì "không có lý do để Việt Nam bỏ qua thị trường nội địa của mình".
Ông Khoan dẫn câu chuyện Nhật Bản sản xuất loại điện thoại di động chất lượng cao, dùng loại điện năng rẻ cho người dân mà chỉ có thể dùng ở Nhật Bản, không thể dùng ở nơi khác. Trong cơ cấu nền kinh tế, nước này đã hướng tới sản xuất hàng hóa trong nước có chất lượng cao hơn hàng xuất khẩu.
Theo ông, các nước đều chuyển hướng vào thị trường nội địa, nhiều biện pháp bảo hộ mậu dịch công khai hoặc trá hình được áp dụng rộng rãi, lượng hàng tồn kho trong thời khủng hoảng sẽ được tung ra ồ ạt. "Mọi quốc gia đều ra sức tận dụng sự phục hồi có lợi nhất cho mình, nên cạnh tranh sẽ càng khốc liệt", nguyên Phó Thủ tướng nói.
Nhận định cầu tiêu dùng hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục yếu đi sau khủng hoảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa đồng tình: "Chiến lược quan trọng bậc nhất sau giai đoạn khủng hoảng là xây dựng một chiến lược thương mại mới trên nền tảng cân đối giữa thị trường nội địa và bên ngoài".
Ông Nghĩa cũng cho hay sau khủng hoảng, cơ hội đầu tư vào thị trường bản địa của các nước lớn nên cơ hội vốn FDI đổ vào các nước mới nổi, đang phát triển như Việt Nam sẽ bị "chia sẻ", ngay với chính nước xuất phát của nguồn vốn đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì e rằng trong thời gian tới, nếu không có những chính sách đồng bộ, mạnh dạn và kịp thời để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, lực lượng sản xuất của Việt Nam sẽ đi đến "kiệt sức". "Hàng ngoại từ mọi nguồn gốc sẽ nhân cơ hội tràn vào với giá rẻ, nền kinh tế Việt Nam khó có thể bảo vệ được sân nhà", ông Thành cảnh báo.
Nguy cơ tái lạm phát sau khủng hoảngChuyên gia cho rằng sau khủng hoảng, cần xây dựng một chiến lược thương mại mới trên nền tảng cân đối giữa thị trường nội địa và bên ngoài. Ảnh: LX
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu 6 tháng còn lại của năm, thâm hụt ngân sách sẽ tăng cao, nhập siêu bùng phát, giá cả thế giới biến động... tạo ra nguy cơ tái lạm phát.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng dù không quá bi quan nhưng không thể xem thường nguy cơ tái lạm phát, trong khi mức lạm phát giảm thời gian qua chưa phải là mức thấp. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, lạm phát năm nay có thể hơn 6% nhưng năm tới, mức lạm phát có thể lên tới 9 - 10% (theo cách tính của Việt Nam).
Một câu hỏi khác được đặt ra là trong bao lâu, Việt Nam có thể khôi phục lại tốc độ tăng trưởng cao sau cơn khủng hoảng. Sau khủng hoảng khu vực năm 1997, kinh tế Việt Nam mất 8 năm mới lấy lại được tốc độ tăng trưởng năm 1997.
Với mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt 4,8 - 5% năm nay, ông Nghĩa đánh giá đó là mức "có thể tự hào". Năm 2010, dự kiến tăng trưởng GDP có thể đạt khá hơn, khoảng 6 - 7%. Nhưng sẽ khó có thể lấy lại mức tăng trưởng trung bình 8% trong thời gian ngắn.
Ông Vũ Khoan nhận định điều quan trọng không chỉ là khôi phục lại tốc độ tăng trưởng cao mà chủ yếu là "tăng trưởng bằng giá nào, hiệu quả và chất lượng ra sao, với cơ cấu kinh tế thế nào".