Kỳ 2: Tại sao người Việt ít đến bảo tàng?
Đời thường - Ngày đăng : 08:09, 10/07/2009
![]() |
Còn nhớ thập niên 70 thế kỷ trước, học trò tiểu học chúng tôi thường được đưa đến Bảo tàng (BT) Lịch sử Việt Nam (thời Pháp là Viện Viễn Đông Bác cổ) ở góc vườn hoa Tôn Đản và Nhà hát Lớn Hà Nội để học lịch sử.
Kỳ 1: Bảo tàng sáng giá nhất Việt Nam
Những đứa trẻ tiểu học được chỉ dẫn xem tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay của chùa Tây Phương, những chiếc cọc nhọn đen nhánh từng giết quân Nam Hán được đưa về từ Bạch Đằng Giang, hay trống đồng Ngọc Lũ. Chương trình dành cho học trò tiểu học kết cấu đơn giản, nhuốm màu cổ tích nên chúng tôi rất thích. Sau này tôi hiểu nhờ những lần xếp hàng đi BT ấy mà nhiều người đã hình thành thói quen tham quan BT mỗi khi đến một thành phố lạ.
![]() |
Tượng Chăm |
Chương trình giáo dục trong nhà trường 30 năm nay không có quy định đưa học trò vào BT, không tạo lập thói quen tự giác tìm hiểu lịch sử văn hóa ở mỗi học sinh. Nếu có đến BT, những chuyến tham quan đó mang tính giáo dục truyền thống, không được chuẩn bị kỹ để dễ tiếp nhận nên gây chán ngán cho học sinh. Sự thật đó đã để lại khoảng trống trong hưởng thụ văn hóa của mỗi người Việt hôm nay. Chẳng nên ngạc nhiên khi du khách đến Hà Nội thích vào chùa Trấn Quốc để thắp hương, chụp ảnh, hơn là đến BT Lịch sử chiêm ngưỡng những báu vật cha ông để lại. Nhiều khách nội địa có biết rằng đã bỏ qua cơ hội tìm hiểu lịch sử phát triển của đô thị cổ Hội An khi bỏ qua hàng loạt điểm đến các BT: Văn hóa dân gian, Văn hóa Sa Huỳnh, Gốm sứ mậu dịch và Văn hóa - lịch sử Hội An...
Tôi từng nghe một người bạn làm nghề xuất khẩu hỏi rằng, không hiểu sao người nước ngoài thích đến BT, trong đó có gì hấp dẫn? Anh ấy thường dẫn đối tác châu Âu đến thăm BT Chăm, nhưng bản thân anh không hiểu nổi sự quan tâm ấy của các đối tác trước mấy cái tượng mất đầu, gãy tay! Khi nghe người chơi đồ cổ trên thế giới mua một tác phẩm điêu khắc Chăm đến mấy trăm nghìn đô la Mỹ, anh mới bảo: “Chà, quý thật”!
Tại BT Chăm (Đà Nẵng), số khách nội địa chỉ chiếm 15% tổng số khách vào tham quan. Tại BT Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), số khách nội địa chiếm cao hơn nhờ nơi này thường xuyên tổ chức những lễ hội văn hóa. Những BT danh tiếng khác như BT Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM, BT Mỹ thuật Việt Nam, BT Mỹ thuật Cung đình Huế cũng có lượng khách khá cao, nhưng trên 80% vẫn là khách nước ngoài. Đó là những con số thật đáng buồn đối với đời sống văn hóa của người Việt hôm nay.
Nhưng cũng có một lý do khác để người Việt ít thích đến bảo tàng. Đến thời điểm này, hệ thống bảo tàng VN có 126 bảo tàng chuyên đề và tổng hợp. Nó được coi là một thiết chế văn hóa, một công cụ để giáo dục truyền thống hơn là một thước đo mức hưởng thụ văn hóa hoặc đẳng cấp văn hóa của một dân tộc. Một hệ thống BT trong đó được dựng lên chủ yếu phục vụ mục đích giáo dục nên không được đầu tư nhiều về tiêu chuẩn khoa học. Hơn 100 BT cấp địa phương được gọi dưới cái tên BT tổng hợp, chủ yếu là các hiện vật lịch sử kháng chiến, chứng tích tội ác chiến tranh và một ít hiện vật dân tộc học được trưng bày không dựa cơ sở khoa học.
![]() |
Một tác phẩm điêu khắc tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở Huế |
Giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc BT Dân tộc học nhận xét: “Trước hết, chúng ta chưa thực sự hiểu công chúng muốn gì, mong đợi gì ở BT. Chúng ta tổ chức trưng bày theo chủ ý của chúng ta. Phương pháp trưng bày lại không mạch lạc, rõ nét, khó hiểu, gây sự chán chường, mất tập trung. Các BT không ít hiện vật đẹp và quý hiếm, nhưng việc sử dụng hiện vật để chuyển tải ý tưởng chưa hiệu quả. Đó là chưa kể đến việc sử dụng hiện vật phục chế nhiều, các tài liệu khoa học phụ làm át nội dung chính, hay ánh sáng không tốt...”.
Hiện nay, tại VN chỉ có ba bảo tàng người Pháp để lại là BT Chăm, BT Lịch sử Việt Nam (Viện Viễn Đông Bác cổ cũ) và BT Dân tộc học mới xây dựng là đạt các tiêu chuẩn về khoa học, trưng bày, các hoạt động nghiên cứu, phục chế, trưng bày. Duy nhất thành phố Huế đầu tư xây dựng bảo tàng nghệ thuật cá nhân cho hai họa sĩ người Việt Nam nổi tiếng ở châu Âu là họa sĩ Lê Bá Đảng và nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Bảo tàng địa phương vốn lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa nghệ thuật nhưng hầu hết chỉ đủ sức làm tốt mảng chuyên đề BT cách mạng, chưa chú trọng khai thác kho tàng văn hóa khác. Chất lượng của hiện vật luôn đem lại thắc mắc cho người xem.
Một lần tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), tôi nghe người thuyết minh nói rất trôi chảy về những trận đánh oai hùng của Nguyễn Huệ, nhưng trước các bức tượng khổ lớn của ba anh em nhà Tây Sơn, người thuyết minh không trả lời được câu hỏi, khi đúc tượng vua Quang Trung, tác giả đã lấy mẫu từ đâu! Đó là câu hỏi hiển nhiên cần phải hỏi, vì ai cũng biết không có tài liệu nào mô tả chính xác chân dung của người anh hùng áo vải, khi nhà Nguyễn đã cố công xóa sạch vết tích của nhà Tây Sơn sau khi lên nắm quyền! Những người làm BT không trả lời thỏa đáng câu hỏi đó, bức tượng vua Quang Trung dẫu cao hơn chục mét, có được đặt thật oai phong giữa sân bảo tàng cũng không thể đem lại nhiều cảm xúc cho người ưa thích tìm hiểu ngọn nguồn. Đó cũng là lý do mà nhiều người không mặn mà với BT vì độ tin cậy thấp của những hiện vật, về sự yếu kém trong trưng bày, sưu tầm, và còn vì cả kiến trúc của đa số BT không phù hợp với chức năng của nó.