Kinh doanh phải tính đường dài

Chân dung - Ngày đăng : 09:20, 16/07/2009

Chị Phạm Thị Mỹ Lệ chọn con đường kinh doanh. Sau 16 năm bươn chải ở TP.HCM, chị đã tạo được một thương hiệu trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo nhân lực….
Kinh doanh phải tính đường dài

Học sư phạm nhưng không theo nghiệp đứng lớp, chị Phạm Thị Mỹ Lệ chọn con đường kinh doanh. Sau 16 năm bươn chải ở TP.HCM, chị đã tạo được một thương hiệu trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo nhân lực…

* Được biết, chị tốt nghiệp thủ khoa tiếng Anh Trường Đại học Sư phạm Huế, được giữ lại giảng dạy nhưng vẫn một mình vào Sài Gòn?

- Tôi rời Huế vì cảm thấy cuộc sống ở đó quá tĩnh tại trong khi mình thì luôn sôi nổi, xốc vác. Bạn bè và người thân bảo tôi lập dị, mà tôi cũng thấy thế. Thời còn đi học, tôi như con trai vậy, đi giày bốt, mặc quần jean, có khi còn đội nón bê rê đỏ.

Con đường vào đại học của tôi cũng là duyên số. Mộng của tôi là kinh doanh sớm, nhưng do là học sinh giỏi cấp quốc gia nên tôi được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Huế. Vừa ra trường, qua một người quen, tôi biết thông tin Công ty Thép Miền Nam đang tuyển phiên dịch. Vậy là tôi nộp đơn, trúng tuyển và bắt đầu “Nam tiến”. Trong thời gian làm việc ở Thép Miền Nam, tôi học đại học về quản trị kinh doanh, sau đó làm quản lý cho một công ty khác. Năm 2001, dù công việc ổn định với vị trí cao và mức lương hấp dẫn, nhưng tôi vẫn thành lập e&Associates chuyên về tư vấn và đào tạo nhân lực.

* “Ra riêng” với công việc ở một lĩnh vực khác, chị không ngại khó khăn sao?

- Tôi hoàn toàn tự tin về sự lựa chọn của mình, bởi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý công ty. Hơn nữa, lúc phụ trách phòng kinh doanh ở một công ty nước ngoài, tôi phải lo toàn bộ hệ thống cửa hàng, đội ngũ bán hàng cũng như tìm đại lý phân phối. Để có được đội ngũ bán hàng như yêu cầu của công ty, người quản lý phải tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm, các công ty “săn đầu người”, nhưng chưa hẳn có được người như ý. Thị trường lao động rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, vì thế tôi chọn hướng đi này để khởi nghiệp, dù rằng vào thời điểm đó đã có đến 1.200 công ty làm dịch vụ này, mà theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, chỉ cần một cái bàn, một cái ghế là có thể thành lập doanh nghiệp dịch vụ việc làm, nên việc cạnh tranh hết sức gay gắt.

* Ra đời trong điều kiện như thế, làm cách nào để Le&Associates có chỗ đứng như hôm nay?

- Phải nói đó là cả một quá trình làm việc không mệt mỏi. Sau 6 tháng hoạt động, Le&Associates đã được thị trường biết đến và chúng tôi có khách hàng liên tục. Không đi theo hướng thu phí người lao động, tôi chuyên tuyển dụng quản trị viên cao cấp, và chỉ thu phí nhà tuyển dụng. Thấy cách tôi làm, nhiều người bảo tôi khờ vì “không biết bắt nạt thằng yếu” để thu 50, 100, 500 ngàn đồng vì có rất nhiều người cần việc.

hậm chí nếu người lao động vô công ty làm rồi, nếu “văng ra” cũng không sao vì mình đã thu phí. Nhưng mình làm kinh doanh phải tính đến đường dài, phải thật nhân bản. Muốn phát triển bền vững, tôi tìm phân khúc thị trường lao động ít cạnh tranh hơn, đó là nhân sự giàu “chất xám”. Sau 9 năm hoạt động, doanh số của Le&Associates liên tục tăng, ở mức 100% - 150%/năm.

* Nhiều năm làm trong lĩnh vực này, chị đánh giá thế nào về nguồn nhân lực của nước ta?

- Số lượng ứng viên nhiều nhưng người đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng không được bao nhiêu. Mỗi khi nhận yêu cầu từ nhà tuyển dụng, chúng tôi phải “lọc” không biết bao nhiêu ứng viên mới tìm được người phù hợp.

Nếu so một manager của VN với một manager của Thái Lan, của khu vực, thì mình thua họ xa về ngoại ngữ, kỹ năng quản lý, giao tiếp, nhưng khoảng cách giữa lao động cấp cao của VN so với các nước vẫn còn đỡ hơn nhiều khối lao động cấp thấp. Theo thống kê của ngành lao động, năng suất (tính bằng tiền) của công nhân VN chỉ bằng 1/14 so với các nước khác trong khu vực.

* Theo chị, sự cạnh tranh giữa các công ty “săn đầu người” hiện nay có gay gắt?

- Từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xẩy ra, nhu cầu tuyển dụng giảm vì nhiều công ty giảm người hoặc không tuyển thêm. Trong lĩnh vực của chúng tôi cũng có nhiều công ty thải người, đóng cửa, nên việc cạnh tranh giảm bớt. Hy vọng sang năm kinh tế hồi phục, dịch vụ này sẽ phát triển trở lại.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định không chỉ cung cấp dịch vụ quản trị viên mà còn cung cấp giải pháp về nhân lực. Ngoài dịch vụ tuyển dụng, công ty còn thực hiện dịch vụ đào tạo nhân lực, tư vấn, xây dựng cho doanh nghiệp hệ thống quản lý nhân lực và thực hiện một số công đoạn của công ty như dịch vụ nhập liệu, dịch vụ lương... Với nhiều công ty nước ngoài, chúng tôi như là phòng nhân sự của họ vậy.

* Mới đây, Le&Associates còn mở rộng sang lĩnh vực mới với thương hiệu Motibee. Chị có thể chia sẻ về hoạt động này?

Chị Lệ cùng cộng sự - Ảnh: Lâm Thanh

- Ban đầu, chúng tôi có những dịch vụ cộng thêm cho khách hàng, như quảng cáo tuyển dụng, tuyển dụng qua mạng và làm các event quản trị viên tập sự. Trang web jobviet.com hoạt động một thời gian, chúng tôi thấy dịch vụ này nếu cứ làm theo kiểu xoay quanh chuyện tìm việc - nộp hồ sơ - tìm việc thì không đáp ứng đầy đủ nhu cầu người lao động. Nhìn lại bản thân mình cũng vậy, có được ngày hôm nay là nhờ may mắn mà thành chứ tôi không được tư vấn một cách chu đáo.

 Hơn nữa, làm trong lĩnh vực này phải song hành với người lao động. Họ phải được định hướng về nghề nghiệp một cách cụ thể, rõ ràng; được hướng dẫn tìm việc phù hợp với năng lực; phát triển nghề nghiệp một cách tối ưu… Chính vì vậy mà bên cạnh người sử dụng lao động, tôi mở rộng hoạt động phục vụ người lao động, như tư vấn, đào tạo, tìm việc hay cung cấp thẻ ngân hàng. Với thẻ này, người lao động được giảm giá mua thiết bị học hành, giảm giá các khóa học, được tham gia các hoạt động do chúng tôi tổ chức.

*“Sức người có hạn” mà Le&Associates lại có nhiều dự án đang chạy cùng lúc, làm sao chị kham nổi?

- Việc này chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu chứ không phải nói là làm liền được. Hơn nữa, Le&Associates đã phát triển ổn định và đội ngũ kế thừa có thể đảm trách công việc. Sắp tới chúng tôi sẽ tách thành hai công ty độc lập, phát triển theo hai hướng khác nhau. Tôi phụ trách thương hiệu Motibee với các hoạt động dành cho người lao động còn Le&Associates vẫn cung cấp các giải pháp trọn gói phục vụ người sử dụng lao động do đội ngũ cộng sự làm. Hiện tại, chúng tôi đang làm thủ tục để “ra riêng”.

* Công việc công ty nhiều như thế, có khi nào chị gặp khó khăn tưởng chừng không vượt qua được?

- Công ty tôi phát triển “nóng” quá nên tiền “nở” ra không đủ phục vụ công việc. Những lúc như thế, người thân trong gia đình là chỗ dựa (cả vật chất và tinh thần) cho tôi.

Hồi trước, khi công ty của riêng mình nên mỗi khi “gặp chuyện”, tôi cảm thấy nặng nề lắm, nhưng nay thì nhẹ nhàng hơn nhiều vì có các đối tác cùng chia sẻ. Sau này, khi cổ phần công ty, bên tôi còn có các đối tác để mình có thể bàn bạc. Nhưng tìm được những đối tác có thể “kề vai sát cánh” với mình là cả một vấn đề.

* Theo chị, đối tác tốt phải như thế nào?

- Hiện tại, tôi chỉ có đối tác cá nhân chứ chưa có đối tác công ty. Theo tôi, là đối tác phải có cách kinh doanh, cách sống tương đồng nhau, từ đó mới xác định cách làm ăn như thế nào, cách hành xử ra làm sao, chứ một bên chỉ để ý đến đường dài còn một bên lại chú trọng đến cái ngắn hạn thì chắc chắn sẽ không hợp tác với nhau được. Là đối tác phải hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau. Tôi may mắn có được những cộng sự cùng chí hướng. Không biết khi công ty phát triển hơn nữa thì sẽ ra sao, nhưng hiện tại, mấy anh em trong cổ đông rất thuận.

* Nghe nói “ông xã” chị cũng làm kinh doanh?

Cùng chồng con

- Trước chúng tôi làm chung một công ty, sau đó mỗi người đi theo mỗi hướng. Giúp nhau trực tiếp thì không nhưng gián tiếp thì có. Mỗi khi tôi gặp khó khăn, người đầu tiên tôi chia sẻ là anh ấy. Ngược lại, mỗi khi anh ấy có khó khăn cũng tham thảo ý kiến tôi.

* Cả hai đều bận rộn cho sự phát triển của công ty riêng, vậy anh chị dành thời gian cho gia đình như thế nào?

- Chúng tôi may mắn là có cùng sở thích. Hằng tuần, đều đặn vào hai buổi thứ Ba, thứ Năm, chúng tôi cùng đánh tennis rồi đi ăn tối. Ngày thứ Bảy, không làm việc ở văn phòng, sáng tôi gặp gỡ khách hàng, chiều dắt con đi chơi, tranh thủ thời gian còn lại đi Metro mua thức ăn cho cả tuần sau đó. Ngày Chủ nhật, sáng cả nhà đi uống cà phê rồi chở nhau về nhà nội ở Hốc Môn.

Trước khi có con, hơn 5 năm liền, chúng tôi sống với nhau như hai người bạn độc thân ở chung một nhà. Sau khi sinh con, những cuộc vui của chúng tôi có thêm thành viên thứ ba.

* Hiện nay nền tảng gia đình VN đang bị lung lay, theo chị, để giữ gìn hạnh phúc, các thành viên trong gia đình phải như thế nào?

- Hạnh phúc gia đình không thể do một bên mà phải có sự vun vào của cả hai bên. Vợ chồng phải “cơm sôi thì nhỏ lửa”, chồng giận thì vợ bớt lời. Vợ chồng không chỉ quan tâm đến gia đình nhỏ của mình mà còn phải quan tâm đến gia đình lớn của cả hai bên.

* Trong suốt câu chuyện, chị hay nói đến chữ “may mắn”. Chị có duy tâm không?

- Trong công việc và trong cuộc sống gia đình, tôi rất may mắn. Lấy chồng cũng do duyên số. Ông bà ta thường nói “Trong nhờ đục chịu”, tôi may mắn tìm được “bến trong”. Vợ chồng tôi có cùng chí hướng, cùng sở thích nên luôn gắn kết nhau.

Trước kia tôi ngang tàng lắm, không tin gì cả. Lấy chồng tôi không coi ngày, dọn nhà, lập công ty cũng thế. Tôi chưa bao giờ tin bói toán, nhưng tin những gì có cơ sở khoa học.

* Đến bây giờ, điều gì chị cảm thấy hài lòng nhất? Và điều gì chị muốn đạt được trong tương lai?

- Với tôi, điều hài lòng nhất là những lựa chọn của mình đều đúng. Tôi sẽ viết một cuốn sách về kỹ năng sống, kỹ năng quản trị hoặc một cuốn sách về cuộc đời tôi để chia sẻ những điều mình đã nghe, đã thấy...

* Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này! 

HỒNG NGA thực hiện