Định hướng DN bằng lợi ích người tiêu dùng
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 08:16, 30/07/2009
![]() |
Nền kinh tế năng động, dân số trẻ, có tính cầu tiến cao là những yếu tố thuận lợi để phát triển kinh doanh ở VN. Thế nhưng, Luật Thương mại chưa cụ thể lại là rào cản mà các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang phải đương đầu.
Khởi sắc nhưng rối mắt
Báo cáo tại buổi gặp gỡ với các nghiên cứu sinh Trường Kinh doanh Cass (thuộc Đại học TP London) do Euro Charm tổ chức ngày 22/7 vừa qua tại TP.HCM, TS. Lê Đăng Doanh công bố những con số khiến những doanh nhân ngoại quốc quan tâm: Dự đoán tổng hoạt động đầu tư trong năm 2009 sẽ đóng góp đến 43% GDP của VN. Để thúc đẩy đầu tư, trong năm 2010, phía VN sẽ tiếp tục gia nhập, tham gia hoạt động của các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực.
![]() |
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm gốm sứ Minh Long ở showroom Minh Sáng (Bình Dương) - Ảnh Quý Hòa |
Trải nghiệm từ công việc kinh doanh tại VN trong thời gian qua, ông Paul Hayes, Giám đốc bộ phận dịch vụ xử lý chất thải công nghiệp, Tập đoàn Holchin VN, cũng khẳng định, Chính phủ VN hiện có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh doanh cũng như đời sống xã hội. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chứng tỏ môi trường kinh doanh ở VN khá an toàn. “Kinh tế VN sẽ còn phát triển hơn nữa”- Paul Hayes khẳng định.
Thế nhưng, theo Paul Hayes, sự phát triển mạnh mẽ nhưng lại mang tính tự phát, không được quy hoạch rõ ràng của các thành phần kinh tế đã khiến bức tranh kinh tế VN khởi sắc nhưng có phần hơi rối mắt. Tuy nhiên, vị giám đốc này lại cho rằng, tính tự phát của kinh tế VN hiện nay là điều kiện thuận lợi để các NĐT nước ngoài dễ dàng xác định vị trí trên thị trường. Cái khó, chính là việc thông hiểu những quy định của Nhà nước. “Sự điều chỉnh các luật định trong kinh doanh tại VN đôi khi lại không rõ ràng và mất nhiều thời gian, dễ khiến NĐT mệt mỏi”- Paul Hayes chia sẻ.
Kinh doanh gắn liền với luật định
“Bức tranh rối mắt” - theo cách nhìn của NĐT ngoại quốc kéo theo một hệ quả đáng tiếc là những thành phần kinh tế sẽ không có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều này thể hiện rõ ở các hoạt động rời rạc của những hiệp hội ngành nghề. Sau khi gia nhập WTO, đối mặt với các vụ kiện từ những hiệp hội nước ngoài, sự thua thiệt vẫn thuộc về phía các hiệp hội VN. “Ý kiến của các tổ chức hỗ trợ hoạt động kinh doanh của chúng tôi có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định của chính phủ”- anh Saud Doha, nghiên cứu sinh Trường Kinh doanh Cass chia sẻ.
Nguyên nhân làm nên tầm ảnh hưởng này, theo luật sư Patsy Day, thành viên Euro Charm, hoạt động của các hiệp hội kinh doanh phương Tây tuân thủ chặt chẽ luật pháp. Các luận điểm mà họ đưa ra ứng với luật định nhà nước ban hành nên tất yếu là chính phủ sẽ lắng nghe. “Chúng tôi xem quyền lợi của người dùng cuối cao hơn lợi nhuận của DN. Hiệp hội kinh doanh cũng lấy đó làm mục tiêu hoạt động nên uy tín của các tổ chức này đối với người dân cũng mạnh không kém”- luật sư cho biết thêm.
Đối lập với sự lớn mạnh của các tổ chức thương mại của nước ngoài là cơ cấu tổ chức lỏng lẻo và thiếu kỹ năng của đội ngũ điều hành các hiệp hội trong nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, với một nền kinh tế đang trong giai đoạn định hình, những vấn đề mà các hiệp hội DN VN vướng mắc hiện nay quả thật khó tránh.
Luật sư Patsy Day nhận định: “Nếu chỉ nghĩ hiệp hội DN là cơ quan bảo vệ chủ DN như hiện nay của VN thì chưa đủ”. Tư vấn khắc phục hiện trạng trên, bà cho rằng chỉ cần lấy quyền lợi người tiêu dùng trong nước làm trung tâm, những hiệp hội DN của VN sẽ tạo được uy tín trong cộng đồng. Khi đã có tiếng nói với người tiêu dùng, tất yếu việc bảo đảm quyền lợi và định hướng phát triển cho các DN sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, luật sư Patsy Day cũng thừa nhận, chính bản thân người tiêu dùng phải hiểu các quy định của pháp luật. Chỉ khi hiểu rõ luật, họ mới hiểu và ủng hộ các hoạt động của hiệp hội kinh doanh. Đáng tiếc, thiếu quy trình phổ biến các quy định, luật pháp trong kinh doanh vẫn đang là bài toán nan giải của kinh tế VN.