Trăm năm biết đến Sa Huỳnh

Đời thường - Ngày đăng : 05:57, 30/07/2009

Văn hóa Sa Huỳnh, một văn hóa bản địa ở miền Trung xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ nhất, văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm ngày càng rõ nét và được quốc tế thừa nhận sau 100 năm nghiên cứu.
Trăm năm biết đến Sa Huỳnh

Văn hóa Sa Huỳnh, một văn hóa bản địa ở miền Trung xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ nhất, văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm ngày càng rõ nét và được quốc tế thừa nhận sau 100 năm nghiên cứu.

Một thế kỷ trôi qua, phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh của các học giả ngày một nhiều hơn, rõ hơn diện mạo và những mối giao lưu rộng rãi khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á của nền văn hóa này. Khởi đầu vào năm 1909, phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh là của M.Vinet về khu mộ chum 200 chiếc vùi trong đồi cát ven biển cạnh đầm An Khê, cực Nam tỉnh Quảng Ngãi. Những chiếc chum bằng đất này có chiều cao trung bình 0,8m, khác nhau về cách tạo dáng, trong chứa những chiếc nồi, bình bằng gốm và những đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh.

Mộ chum Sa Huỳnh được phục hồi nguyên dạng từ ngàng ngàn mảnh vỡ

Năm 1934, M.Colani khai quật 55 chum ở Thạnh Đức và 187 chum ở Phú Khương, Phú Lu (Quảng Ngãi). M.Colani còn khai quật ở Tăng Long, Đồng Phù, Phú Nhuận (Bình Định). Những người Pháp khác như E. Saurin, H. Fontaine, J.H.Davidson... đã phát hiện và nghiên cứu mở rộng khu vực mộ chum vào tận vùng Đồng Nai. Các học giả trên đã sử dụng thuật ngữ “Cánh đồng chum”(Champ de jarres) để chỉ khu mộ chum của di tích Hàng Gòn, Dầu Giây, Suối Chồn, Hòa Vinh và Phú Hòa. Những năm 1959-1961, W.G.SolheimII sau khi nghiên cứu loại hình gốm Kalanay ở Philippines, ông đã đề xuất khái niệm “Phức hệ gốm Sa Huỳnh - Kalanay”.

Trong giai đoạn 1909 - 1975, các nhà khảo cổ học Phương Tây đã phát hiện khoảng 1.000 mộ chum Sa Huỳnh. Các nhà khảo cổ học Phương Tây mở rộng không gian mộ chum Sa Huỳnh ra phía Bắc, tới Quảng Bình, địa bàn giáp ranh và đan xen với văn hóa Đông Sơn và kéo dài về phía Nam tận khu vực Đông Nam Bộ giáp với văn hóa Đồng Nai, và đẩy lên vùng bắc Tây Nguyên thông qua sự phát hiện của Lafont ở địa điểm Bàu Cạn bên triền sông Ia Puk. Các học giả Phương Tây như W.G. Solheim còn mở rộng không gian Sa Huỳnh trong khu vực Đông Nam Á thông qua truyền thống gốm Sa Huỳnh - Kalanay. Quan điểm của các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, văn hóa Sa Huỳnh không phải là văn hóa bản địa mà du nhập từ ngoài vào.

Giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay, thành tựu nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh thuộc về các nhà khảo cổ học VN, tìm thấy giai đoạn sớm hơn Sa Huỳnh cổ điển của người Pháp, thuộc thời đại Đồng thau và là những dòng chảy văn hóa có tính trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển lên đỉnh cao Sa Huỳnh sắt. Con đường hợp thành tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh là đa tuyến.

Một thành tựu quan trọng khác trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh của khảo cổ học VN là làm rõ sức sống nội sinh và ngoại lực phát triển của văn hóa Sa Huỳnh. Địa bàn cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh mở rộng từ vùng núi đến đồng bằng duyên hải và trên các đảo ven bờ. Đời sống văn hóa vật chất đa dạng, phong phú biểu hiện trong các bộ sưu tập về đồ đá, đồ đồng, sắt, nhuyễn thể, đồ trang sức, đồ gốm vô cùng đa dạng về loại hình và chủng loại. Táng thức mộ chum là truyền thống táng thức cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh, với các kiểu dạng chum hình trứng, hình cầu, hình trụ, có nắp đậy là bát bồng lớn hình nón cụt thân được trang trí hoa văn tỉ mỉ. Vấn đề nhân chủng của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh dần sáng tỏ thông qua các tư liệu di cốt người tìm thấy ở Mỹ Tường, Bầu Hòe, Hậu Xá, Bình Yên, Xóm Ốc, Suối Chình.

Thành tựu quan trọng khác củakhảo cổ học VN trong nghên cứu văn hóa Sa Huỳnh là là rõ tính biển trong văn hóa này. Trước hết, qua các cuộc khai quật ở các di tích văn hóa Sa Huỳnh vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, đã tìm thấy mối quan hệ giao thương mạnh mẽ giữa Sa Huỳnh và văn hóa Hán, Ấn Độ thông qua con đường giao lưu trên biển, trong mộ chum tìm thấy tiền đồng Ngũ Thù, Vương Mãng, gương đồng Tây Hán. Đồ gốm Hán, gốm phong cách Hán tìm thấy ở di tích Sa Huỳnh muộn vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đồng thời, đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh, gốm Islam của vùng Trung Á, Ấn Độ cũng tìm thấy ở các di tích Sa Huỳnh ở hai tỉnh này.

Vấn đề về sự chuyển tiếp Sa Huỳnh lên Chăm sớm, thông qua tư liệu gốm được phát hiện và xới lên. Tuy nhiên, tư liệu nghiên cứu hiện nay vẫn còn quá ít để đủ sức chứng minh về sự chuyển tiếp này. Như vậy, kể từ khi tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đăng tin về kho chum tại Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đến nay đã một thế kỷ. Số lượng các di tích văn hóa Sa Huỳnh tăng lên trên 70 di tích.

TS.ĐOÀN NGỌC KHÔI