Luật Sở hữu trí tuệ: Thực thi bằng đạo đức và công bằng

Du lịch - Ngày đăng : 04:31, 31/07/2009

Với sự trợ giúp của các chuyên gia pháp luật quốc tế, VN đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả đối với các tác phẩm văn chương, nghệ thuật, như Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ 1/7/2006.
Luật Sở hữu trí tuệ: Thực thi bằng đạo đức và công bằng

Bảo vệ tác quyền cũng chính là nỗ lực nâng cao mặt bằng dân trí khi khuyến khích phát huy trí tuệ - Ảnh: M.T

Vẫn biết rằng, đối với một vấn đề cực kỳ phức tạp và liên quan đến rất nhiều loại hình hoạt động, nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau, khó có một hệ thống văn bản pháp luật nào có thể dự liệu đầy đủ mọi tình huống thực tế có thể xảy ra, vì vậy, ai cũng có thể dễ dàng nhận xét rằng luật pháp hiện nay về vấn đề này vẫn còn chưa đầy đủ và chưa sẵn sàng giải quyết bằng hình thức chế tài các hành vi vi phạm. Chúng tôi nghĩ rằng, bên cạnh những quy định của pháp luật, những hành vi có liên quan trong lĩnh vực này, dù là của cá nhân hay tổ chức, tư nhân hay công quyền, đều nên được ràng buộc và điều tiết bởi hai nguyên tắc cơ bản: đạo đức và công bằng.

Chưa nói đến ăn cắp kịch bản, chỉ mới ăn cắp ý tưởng là đã không công bằng với người “đẻ” ra nó. Không trả công đầy đủ cho người sáng tác, vi phạm bản quyền của người sáng tác là không đạo đức, không công bằng, đánh mất phẩm giá của chính mình..., nhưng người ta vẫn “vô tư” vi phạm vì có lợi cho mình. Một xã hội mà mọi người sống trong đó biết coi trọng công bằng, lấy đạo đức làm chuẩn mực hành động là một xã hội văn minh, tiến bộ, đồng thời còn tạo điều kiện và cảm hứng cho người sáng tác cho ra đời nhiều tác phẩm hơn.

Trong ngành in ấn, xuất bản sách báo ở một số nước tiên tiến, người ta tổ chức một dây chuyền hợp lý và khuyến khích người viết. Chẳng hạn như in các loại sách được gọi là “văn chương nhà ga” (littérature de gare). Loại sách này người ta đọc khi đi trên tàu hỏa, xe điện ngầm, hoặc xe buýt, tàu thủy, máy bay...

Vì gáy của sách không khâu chỉ, chỉ dán keo nên rất dễ bung ra khi bị gấp lại. Việc dán chứ không khâu gáy sách có mục đích rất rõ ràng: Sách đã bung ra thì chỉ có ném vào sọt rác, không thể chuyền tay nhau đọc, nên người sau muốn đọc thì phải mua cuốn sách khác. Như thế, số lượng bản in sẽ nhiều hơn, mà số lượng in nhiều thì bản quyền của tác giả được nhân lên. Khác với một số nhà xuất bản của chúng ta, nói là in 1.000 bản, nhưng thực tế là in gấp mấy lần hay mấy chục lần, trong khi tác giả thì mù mờ về số lượng bản in, nhận nhuận bút ít ỏi. Không có luật pháp nào bênh vực họ, nếu người làm phát hành không có ý thức đạo đức và công bằng thì họ đành chấp nhận thiệt thòi.

Hình như trong bất cứ lĩnh vực nào của vấn đề bảo vệ bản quyền trí tuệ, chúng ta đều có những vi phạm dưới hình thức này hoặc hình thức khác, khó thể tìm bằng chứng để đưa ra pháp luật chế tài, không đủ sức răn đe, do đó hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn.

SÂM THƯƠNG