Thí điểm nông thôn mới
Chính sách mới - Ngày đăng : 01:05, 03/08/2009
![]() |
Để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, 11 xã trên cả nước đang được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Vậy, diện mạo nông thôn mới nước ta sẽ ra sao?
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT: Nhà nước và nhân dân cùng làm
* Ông có cảm nhận gì về sự thay đổi của nông thôn trong thời gian qua?
![]() |
Ông Tăng Minh Lộc |
Sau gần 10 năm đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cả ba lĩnh vực này đều có bước chuyển biến tích cực. Về nông nghiệp, cơ cấu sản xuất chuyển mạnh sang hướng sản xuất có hiệu quả, không những đảm bảo đủ ăn mà còn xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng đạt từ 4,5 - 5%/năm là một thành tích lớn. Về nông thôn, hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, xây mới nhiều đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Đời sống vật chất của đại bộ phận dân cư nông thôn được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội. Nông thôn hiện nay được xây dựng tự phát, thiếu quy hoạch, bê tông hóa nhiều làm mất đi vẻ đẹp sinh thái của làng quê Việt Nam. Môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, đã đến mức báo động. Bản sắc của làng quê bị phai nhạt, lối sống thực dụng đang ngày một phổ biến.
* Tháng 4/2009, Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (gồm 19 tiêu chí). Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng Đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, vậy diện mạo nông thôn mới nước ta sẽ ra sao thưa ông?
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, chí ít là ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực. Xây dựng hạ tầng nông thôn hiện đại, môi trường trong sạch, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát huy, nâng cao dân chí, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Bộ tiêu chí cũng quy định, tất cả các xã nông thôn mới đều phải có hệ thống thủy lợi cơ bản, đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có internet đến thôn; có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và không có nhà tạm, dột nát...
* Theo ông, để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, cần lưu ý điều gì?
Xây dựng nông thôn mới phải xuất phát từ nhu cầu, ý muốn và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư tại địa phương. Để phát triển nông thôn mới đúng hướng, bền vững, sau khi Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các bộ, ngành liên quan phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng tiêu chí, để người dân biết phải làm như thế nào. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân. Việc xây dựng nông thôn mới phải tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương, và đảm bảo các tầng lớp đều có lợi ích.
* Các địa phương cần phải làm gì để xây dựng thành công nông thôn mới, thưa ông?
Muốn xây dựng thành công nông thôn mới việc trước tiên phải tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng mô hình nông thôn mới. Thứ hai, phải giúp người nông dân xây dựng được quy hoạch phát triển nông thôn mới ở địa phương của họ dựa trên bộ tiêu chí quốc gia đã ban hành và dựa trên bộ quy chuẩn của các ngành. Thứ ba, cho người nông dân biết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để từ đó họ có thể lựa chọn việc nào cần làm trước, việc nào nên làm sau. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người nông dân luôn nhận được sự tư vấn của các chuyên gia.
* Theo ông, Nhà nước nên hỗ trợ những gì và nông dân phải làm những gì?
Nhà nước nên hỗ trợ 100% những điều thiết yếu như: đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống trục đường giao thông chính của xã, bưu điện, trường học, trụ sở ủy ban, và hỗ trợ một phần xây dựng đường giao thông từ thôn, xóm đi ra, hệ thống nước sạch, sân vận động, nhà văn hóa cộng đồng… Việc hỗ trợ cũng chia theo vùng, những vùng khó khăn thì hỗ trợ nhiều hơn.
Trong thời gian triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới chưa đòi hỏi sự đóng góp quá sức với người dân, bởi sẽ làm cho người dân không thiết tha trong việc xây dựng nông thôn mới nữa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tới đây Nhà nước sẽ hỗ trợ cho toàn bộ. Việc Nhà nước và nhân dân cùng làm vừa bớt gánh nặng cho ngân sách có hạn của Nhà nước nhưng điều quan trọng hơn là khi người dân tham gia đóng góp công sức của mình, họ sẽ có ý thức trách nhiệm hơn trong bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo những điều mà họ đã làm được. Phát huy sự đóng góp của người dân không chỉ về tiền bạc mà cả sáng kiến, công sức.
** TS. Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN&PTNT: Tạo ra giá trị mới của nông thônTS. Nguyễn Trọng Bình
Nguồn lực ở nông thôn trước đây chỉ có người nông dân sử dụng, ngày nay đô thị, doanh nghiệp cũng sử dụng. Khi xã hội ngày càng phát triển, trình độ của người nông dân thấp, họ rất khó khăn trong việc tiếp cận với những công việc có kỹ thuật, điều này khiến cho thu nhập của họ không được cải thiện, không theo kịp các tầng lớp khác trong xã hội. Người nông dân luôn ở trong tình trạng yếu thế, do đó phải gánh chịu nhiều tác động tiêu cực.
Điều quan trọng nhất của việc xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới của nông thôn, một nông thôn hiện đại phải có những giá trị mới về kinh tế, văn hóa, tổ chức cộng đồng, thể chế hoàn toàn khác với nông thôn cách đây 20 - 30 năm, và người nông dân phải có tính năng động, tự chủ.
Để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, có hai điều chú ý: Thứ nhất, nông thôn và thành thị hiện đang có khoảng cách khá xa nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Thứ hai, để người dân có thể tự vận hành, phát triển được nông thôn mới của họ phải tạo cho họ tính tự chủ, năng động. Nếu Nhà nước hỗ trợ tiền thì hãy để cho người dân được toàn quyền sử dụng số tiền đó, để họ được làm chủ, họ đầu tư vào đâu, làm gì theo ý muốn của họ.
Xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội là một trong 11 xã trên cả nước được chọn thí điểm để xây dựng mô hình nông thôn mới. Xã Thụy Hương có 7 thôn thì chỉ có thôn Trung Tiến là chưa có nhà văn hóa. Vì vậy, sau khi nghe họp về mô hình nông thôn mới sắp triển khai ở xã, người dân thôn Trung Tiến rất phấn khởi vì tới đây, thôn mình cũng có nhà văn hóa. Ông Đặng Đình Vân, người dân thôn Trung Tiến, cho biết: “Đi qua thôn khác, thấy nhà văn hóa của người ta đèn đuốc luôn sáng choang, loa đài xập xình, người dân đông vui, nhiều khi cũng thấy chạnh lòng. Sắp tới, thôn mình cũng có nhà văn hóa thì thật là vui”. Nghe phổ biến đề án xây dựng mô hình nông thôn mới, người dân mừng vui vì tới đây tất cả đường ra đồng, đường ngõ xóm đều được bê tông hóa, trạm y tế được xây dựng thêm khu điều trị, chùa chiền được trùng tu, sửa chữa, có vùng trồng rau an toàn, quy hoạch lại làng nghề. Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết, sau khi được lựa chọn là một trong 11 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, xã Thụy Hương đã thành lập Ban quản lý xây dựng mô hình nông thôn mới cấp xã do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và các tiểu ban quản lý ở các thôn do trưởng thôn là trưởng ban. Ban quản lý cấp xã đã phối hợp với ban quản lý của TP. Hà Nội và huyện Chương Mỹ xây dựng đề án tổ chức họp dân ở cả 7 thôn để phổ biến cho người dân biết, nghĩa vụ của họ ra sao, quyền lợi của họ thế nào, mọi việc đều được công khai, được nhân dân bàn bạc và quyết định. Tuy nhiên, ông Học cũng lo lắng bởi hiện nay, đối chiếu với 19 tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì xã Thụy Hương chỉ đạt 60%. Công việc rất nhiều mà năng lực cán bộ xã hạn chế. Ông Học đề nghị UBND huyện Chương Mỹ và TP. Hà Nội cho thành lập tổ tư vấn biệt phái để giúp xã trong suốt thời gian thực hiện đề án. |