Những Yết Kiêu thời nay
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 05:55, 07/08/2009
![]() |
Thời bình, khi an ninh biển đảo của Tổ quốc gắn liền với chiến lược kinh tế biển thì lực lượng hải quân phải luôn chắc tay súng ở vị trí tiền tiêu.
Quân cảng Bãi Cháy, trưa ngày 5 tháng 8 năm 1964, kẻng báo động vang lên, một tốp 8 máy bay Mỹ hùng hổ từ biển lao vào một cách bất ngờ. Ba tàu tuần tiễu của ta bị trúng đạn ngay trong đợt tập kích đầu tiên của máy bay địch. Khi địch mở đợt không tập thứ hai, lực lượng hải quân non trẻ với sự tiếp sức của lực lượng phòng không trên bờ đã góp phần làm nên kỳ tích: bắn cháy 4 máy bay, làm bị thương một máy bay khác, bắt sống trung úy Everett Alvarez - viên phi công Mỹ đầu tiên bị bắt, ở miền Bắc. ..
![]() |
Đặc công nước - những Yết Kiêu thời nay |
45 năm đã qua, từ những chiến tích ngày ấy, Lữ đoàn 170 có 7 đơn vị lần lượt được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (gồm Phân đội 7 (nay là Hải đội 7), Tiểu đoàn 1 rà phá thủy lôi, Đại đội 8 công binh, tàu 199 (nay là tàu HQ-202), tàu 203 (nay là tàu HQ-203), Tiểu đoàn 135 (nay là Hải đội 135) và tàu HQ-201- đơn vị được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Ngồi trên mâm pháo của tàu, dưới cái nắng như lửa hắt các anh đã nghĩ gì? Rồi những lúc bão giật mưa chan phải dầm mình trong sóng dữ? “Biển càng “nóng” thì chúng tôi càng nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng của mình. Nước ngoài đang nuôi tham vọng độc chiếm, bá chủ biển Đông. 3.200km bờ biển và hơn một triệu km2 biển là tài sản quốc gia, mình phải bảo vệ, giữ gìn một cách kiên trì, khôn khéo” - Thượng tá Lữ đoàn trưởng 170 Trần Ngọc Quyết nói một cách giản dị. Cho nên, bất chấp biển động, tàu các anh vẫn luôn hướng về biển, có thời điểm phải nhổ neo trấn sóng, bão giật cấp 10 mà tàu nước ngoài còn lởn vởn thì tàu ta vẫn chưa rời vị trí...
Lính biển luyện tập, tuần tiễu, canh gác 24/24 giờ. Thượng tá Phó Chính ủy Phạm Văn Quang, trưởng thành từ chiến sĩ tàu tuần tiễu, nói: “Trên bờ, chúng tôi “xây hàng rào bằng lòng dân”, dưới biển, chúng tôi “giữ chủ quyền bằng bản lĩnh người lính”. Dân tộc Việt Nam đã trải qua chiến tranh quá nhiều, trả giá cho độc lập tự do quá đắt. Và người lính hải quân càng hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình”!
Những người lính biển hôm nay không chỉ dõi nhìn ra biển mà còn có những dự án nuôi trồng thủy sản, những kế hoạch cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ, hay hỗ trợ ngày nghỉ cuối tuần cho người được lên bờ, hoặc thiết thực không kém là cuốn sổ tiết kiệm cho những ai có thâm niên công tác trên 20 năm... Sự hy sinh trong thời bình của người lính biển vừa dung dị vừa không dễ gì đo đếm.
Biển trời Hạ Long xanh biếc. Những trái núi lớn bé tùy hứng neo đậu tạo nên một cảnh tượng kỳ vĩ, oai hùng.
![]() |
Trong phòng máy của trinh sát kỹ thuật hải quân |
Những người lính trinh sát kỹ thuật Trung tâm B7 thuộc Quân chủng Hải quân lại cho thấy chân dung khác biệt của những chàng Yết Kiêu thời nay. Các anh kiểm soát, nắm tình hình một vùng biển rộng lớn bằng những thiết bị, phương tiện hiện đại, bằng trái tim và bản lĩnh của cả dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Đại tá Hoàng Chí Công, Chính ủy Trung tâm B7, nhập ngũ từ tháng 2 năm 1975, cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc mình “bài học Trân Châu Cảng” mà Hải quân Mỹ đã từng vấp phải. Công việc chuyên môn của chúng tôi mỗi ngày là thu và “ bóc” ra những thông tin xác thực về mọi mặt liên quan đến lãnh hải Việt Nam, để lãnh đạo có đối sách quốc phòng, kinh tế kịp thời, hiệu quả”. Đó là một cuộc chiến của trí tuệ và lòng tin, của tinh thần cảnh giác cao độ. Nhiều tài liệu của Hải quân Mỹ để lại đã cho thấy những thông tin thu được trên biển của Hải quân ta thời chống Mỹ có đến 90% là chính xác!
Ngày nay, khi biển động, bão to, nhờ những thông tin kịp thời, chính xác của các anh mà lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển chủ động hơn, giúp hạn chế tối đa những thiệt hại cho ngư dân và đồng bào các vùng duyên hải. Đại tá Hoàng Chí Công gọi đó là “nhiệm vụ xã hội” của người lính biển.
Là bộ phận kỹ thuật, họ không có điều kiện (và không được phép) làm kinh tế. Những anh em làm nghiệp vụ, ngoài lương cơ bản, mỗi tháng được bồi dưỡng thêm 300-400 ngàn đồng để trang trải cuộc sống. Đất cảng Hải Phòng nổi tiếng ăn chơi, là nơi tập kết hàng lậu, có thể nói, nếu không có lòng yêu nghề, yêu biển, những người lính ấy khó có thể thủy chung và tự hào với bộ quân phục hải quân.