Những bệnh viện xưa nhất
Du lịch - Ngày đăng : 08:44, 08/08/2009
Lâu đời nhất là bệnh viện Chợ Quán. Cách đây gần một thế kỷ rưỡi, vào năm 1862, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố Sài Gòn, kẻ ít, người nhiều chung tay xây dựng bệnh viện mang tên địa phương: Chợ Quán. Từ năm 1862- 1875, bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân hoa liễu và tù chính trị. Năm 1865, bệnh viện chuyển cho chính quyền quản lý.
Sau đó được sửa chữa, mở rộng thêm đôi chút dành cho bệnh nhân tù, bệnh nhân hoa liễu và truyền nhiễm. Từ 1904-1907, bệnh viện có thêm khu tâm thần (lúc bấy giờ gọi là tâm trí) và là nơi đào tạo y sĩ, y tá. Từ năm 1954-1957, bệnh viện Chợ Quán giao cho quân đội, gọi là Viện Bài lao Ngô Quyền, nhưng sau đó lại trở về dân sự.
Bệnh viện Chợ Quán ngày nay - Ảnh Quý Hòa |
Năm 1974, bệnh viện đổi thành Trung tâm Y tế Việt - Hàn, vì Nam Triều Tiên đã cùng bệnh viện xây một toà nhà cao tầng tại đây.Ngày 5/9/1989, bệnh viện Chợ Quán được mang tên Trung tâm Bệnh nhiệt đới.Tổng Bí thư đầu tiên Trần Phú đã hy sinh tại bệnh viện Chợ Quán ngày 6/9/1931.
Bệnh viện Grall xây dựng năm 1879, người thành phố quen gọi là bệnh viện Đồn Đất, dành cho người giàu có và Pháp kiều. Ngày 19/5/1978, bệnh viện mang tên Nhi Đồng II dành cho trẻ em.
Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng năm 1900 và có tên “Tây” là Hopital Municipal de Cholon, sau đổi thành Hopital Indigène de Conechine, và sau đó còn đổi tên đôi ba lần nữa, toàn là tên chữ Tây. Những cái tên tiếng Tây dài dòng, khó đọc này, chẳng mấy người nhớ. Hơn 100 năm nay, người dân vẫn gọi là bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 1971-1974, được Nhật Bản giúp xây dựng lại thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Năm 1993, Nhật Bản lại tài trợ 25 triệu USD để nâng cấp, tu sửa lại bệnh viện.
Ngày trước, Sài Gòn có nhiều bệnh viện do người Hoa xây dựng và phần nhiều dành cho cộng đồng người Hoa. Đó là “Dưỡng đường miễn phí”, còn mang tên số 1, xây dựng xong năm 1907. Đến năm 1919, do người bệnh nhiều, bệnh viện mở rộng và mang tên bệnh viện Quảng Đông. Đến năm 1965, bệnh viện được nâng cấp khá hiện đại. Năm 1978, bệnh viện được mang tên Nguyễn Tri Phương vì nằm trên con đường cùng tên.
Năm 1885, tại phần đất ở đường An Bình có một cơ sở chữa bệnh miễn phí nhỏ. Đến năm 1916, bệnh viện được thành lập và mang tên Lục Aùp, hay bệnh viện số 2. Đến năm 1945, lấy tên là Triều Châu. Sau 1975, là bệnh viện đa khoa An Bình.
Năm 1909, người Phúc Kiến xây bệnh viện mang tên Phúc Kiến, hay bệnh viện số 3. Sau năm 1975, đổi thành bệnh viện Nguyễn Trãi
Năm 1920, người Hẹ xây dựng một cơ sở chữa bệnh gọi là bệnh viện Hẹ hay là bệnh viện Sùng Chính. Năm 1971 bệnh viện xây dựng lại khá hiện đại, ngày 11/5/1985, đổi thành Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình thành phố Hồ Chi Minh.