Gió Sa Vĩ

Toàn cảnh - Ngày đăng : 09:53, 12/09/2009

Trên bản đồ VN, Sa Vĩ nhỏ bé oai phong đứng hứng gió Đông Bắc. Điểm đầu cực Bắc của Sa Vĩ có tên là Mũi Ngọc. Từ Mũi Ngọc, khoảng 18km theo mép biển là tới Trà Cổ.
Gió Sa Vĩ

Trên bản đồ VN, Sa Vĩ nhỏ bé oai phong đứng hứng gió Đông Bắc. Điểm đầu cực Bắc của Sa Vĩ có tên là Mũi Ngọc. Từ Mũi Ngọc, khoảng 18km theo mép biển là tới Trà Cổ. Theo sử sách để lại, Trà Cổ là tên ghép của hai làng Trà Phượng và Cổ Trai xưa.

Sa Vĩ không chỉ được nhiều người biết đến bởi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa...”. Khi đặt chân tới bãi biển Trà Cổ được mệnh danh là hoang sơ và thơ mộng nhất VN, thì ngay lập tức, những người bạn Móng Cái đã kéo tay tôi: Đến Trà Cổ, trước hết phải cho gió Sa Vĩ thấm vào hồn cốt, để cảm nhận rõ hơn dấu chấm nhỏ Sa Vĩ trên bản đồ Tổ quốc.

Nhà thờ Trà Cổ

Và gió Sa Vĩ là gió vi vút từ biển thổi vào, gió rì rào những hàng dương trên cát trắng. Sa Vĩ đón chào du khách với bức phù điêu xanh hình ba ngọn phi lao vươn thẳng lên trời mà hầu như ai đặt chân tới vùng đất thiêng này, dù chốc lát đều muốn được ghé lại lưu giữ hình ảnh của mình.

Xa xa trên biển, cột mốc biên giới Việt-Trung đánh dấu chủ quyền hai bên, trầm ngâm sóng đánh. Nơi đây, từ mũi Sa Vĩ địa đầu Tổ quốc, có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bờ biển Trà Cổ dài 17km, cong cong khởi đầu hình chữ S. Nhìn xa hơn, vào những ngày trời trong biển lặng, có thể nhận ra hình hài nhấp nhô của làng Việt cổ Vạn Vĩ, nơi những người Việt ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đã đến định cư suốt 500 năm nay. Nhiều người trong số họ đã trở về Sa Vĩ để thấy mình “cùng đón bình minh và cùng ngắm hoàng hôn” với Vạn Vĩ...

Những ngày trời mù sương, Sa Vĩ càng trở nên ám ảnh hơn với bãi vắng, người thưa, phi lao ngăn ngắt. Đàn bò bình thản tìm cỏ non. Những con thuyền biếng lười nghỉ ngơi trên cát trắng. Tưởng có thể nghe được tiếng sóng của hàng trăm năm trước, khi những gia đình người Trà Cổ đầu tiên (vốn là ngư dân ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đến đây vạch cát lập làng, dựng đình, đóng thuyền ra biển đánh bắt cá tôm... Đình làng được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XV), cách bờ biển chỉ vài trăm mét, vẫn tồn tại cùng năm tháng và vẫn giữ được nhiều hiện vật quý từ thời Lê, Nguyễn. Hơn 500 năm qua, cổng đình và mái đình rêu phong, được trùng tu nhiều lần, hiện diện như một “cột mốc văn hóa” của người Việt tại vùng biên ải Đông Bắc của Tổ quốc.

Nằm cạnh đường ô tô ra biển, nhà thờ Trà Cổ - điển hình của phong cách kiến trúc châu Âu, đẹp một cách cổ điển giữa những làng mạc dân dã.

Để Sa Vĩ - Trà Cổ, nơi địa đầu Tổ quốc có thêm một biểu trưng, từ 6 năm trước, thành phố Móng Cái đã có ý tưởng xây dựng “Cụm thông tin cổ động Sa Vĩ”, nhưng mãi ngày 31/7 vừa qua, công trình này mới chính thức khởi công. Theo thiết kế được duyệt, Sa Vĩ sẽ mọc lên một công trình điêu khắc bằng bê tông cốt thép cao 27m tính từ chân đế, rộng 16m, bao gồm cụm 8 ngọn dương cao vút trên nền bức tranh ghép gốm hình trống đồng Ngọc Lũ... Sa Vĩ hiện đại với những hàng hiên, khuôn viên, quảng trường, đường giao thông, cây xanh, cây cảnh, nhà cấp điện, hệ thống cấp thoát nước và nhiều công trình phụ trợ khác, chắc chắn sẽ là một khuôn mặt mới khác hẳn hiện trạng. Được biết, thời gian thi công công trình này là 36 tháng, tổng vốn đầu tư khoảng 51 tỷ đồng, chưa kể nguồn tiền do dân và các doanh nghiệp đóng góp.

Sa Vĩ ngày nay không chỉ có cát, cá tôm mà còn có cả sân golf, khách sạn. Đất đai bên đường từ Móng Cái vào Trà Cổ tăng giá vùn vụt. Nhiều dự án du lịch, vui chơi giải trí lớn nhỏ được khoanh đỏ trên tấm bản đồ làng biển. Không ít gia đình bị cuốn theo cơn lốc hội nhập, bỏ chài lưới, ôm ấp giấc mơ du lịch và dịch vụ ăn theo với hy vọng là tấm vé số may mắn để đổi đời. Từ một xã thuần ngư, Trà Cổ hôm nay đã có hơn 60% số hộ gia đình thoát ly nghề biển, nghề nông. Hiện làng biển có khoảng 45 nhà nghỉ đang hoạt động với gần 600 phòng, năm 2008, doanh thu từ du lịch và dịch vụ tăng 16,5% so với năm 2007, ước đạt trên 67 tỷ đồng.

Giá trị từ sản xuất ngư nghiệp đạt mức khiêm tốn hơn, bằng một phần ba, với 20 tỷ đồng. Có thể nói, cho đến hôm nay, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản vẫn được coi là “nghề truyền thống” của ngư dân Trà Cổ với 216 hộ và 269 bè máy các loại. Người Trà Cổ làm nông không nhiều. Toàn phường chỉ có trên 30 héc ta đất canh tác, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/héc ta, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 đạt gần 364 triệu đồng. Bởi vậy, không khó khăn lắm để nhận dạng cuộc sống của những người dân Trà Cổ qua những ngôi nhà của họ, che lấp giữa những khách sạn cao tầng.

Khách tắm biển dù không nhiều, nhưng đủ để rực rỡ sắc màu trên cát trắng như một điểm nhấn hiện đại. Nhà hàng bên bờ biển Trà Cổ nằm rải rác, giá cả dễ chịu, không “chặt chém” như các nơi khác. Những bữa tiệc hải sản bên bờ biển, gồm những tôm, ghẹ, bề bề, ốc, mực... có dư vị khó tả, vì sự tươi ngon của thực phẩm, sự niềm nở của người bán và cả không khí trong lành, thuần khiết của một vùng biển chưa mất hẳn chất dân dã.

Điều đáng tiếc nhất là, hình như cát ở biển Trà Cổ không thật trắng và sạch như xưa. Môi trường bị ô nhiễm do nước thải không qua xử lý chảy thẳng ra biển là điều nhiều người đã nói đến, nhất là ở thời điểm Trà Cổ đang tiếp tục được quy hoạch và mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác...

KIM HOA