Không chỉ liên kết bốn nhà
Toàn cảnh - Ngày đăng : 00:11, 12/09/2009
![]() |
Mô hình kinh tế trang trại (KTTT) là bước đột phá trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Chủ tịch các Hội Nông dân và Hiệp hội Doanh nghiệp Trang trại VN, hoạt động của mô hình này vẫn còn nhiều bất cập, chưa tìm được sự liên kết chặt chẽ giữa các “nhà”, đặc biệt còn thiếu sự liên kết của “nhà” thứ 5: “nhà bank” (ngân hàng).
Theo ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trang trại VN, ưu điểm của KTTT là huy động được nguồn vốn trong dân, mở rộng diện tích đất sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn, hàng hóa nông, thủy sản làm ra có số lượng lớn, đảm bảo cung ứng cho thị trường và xuất khẩu. Không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, KTTT còn góp phần bảo vệ môi trường, như mô hình trang trại sinh thái Vườn Xoài của bà Đinh Thị Nhã, trang trại sinh thái Bình Mỹ (TP.HCM)...
![]() |
Một trang trại ở Đà Lạt - Ảnh Công Toại |
Thống kê hiệu quả của mô hình KTTT ở nhiều địa phương cho thấy, hầu hết thu nhập của người nông dân đều được cải thiện rõ rệt như trường hợp anh Hoàng Ngọc Sơn ở xã Quang Sơn (Hà Tĩnh) nhờ xây dựng trang trại nuôi cá và nuôi từ 140 - 160 lợn thịt và 20 lợn nái siêu nạc đã giúp gia đình thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Tương tự, mô hình KTTT tổng hợp của ông Phạm Thanh Vân ở xã Việt Thắng (Cà Mau), ngoài nuôi tôm, nuôi thêm cua, cá chẽm, cá kèo..., các loại cây ăn quả mà thu nhập bình quân của gia đình đạt trên 100 triệu đồng/năm. Ở một số trang trại lớn, chủ trang trại còn liên kết với các hộ nông dân bằng hình thức khoán đất canh tác, qua đó nông dân có điều kiện tiếp cận kỹ thuật canh tác.
Tuy nhiên, theo ông Minh, KTTT hiện nay vẫn còn khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật, vật tư, cây, con giống, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm. Do không nắm thông tin thị trường, đầu tư theo cảm tính, do đó, điệp khúc được mùa mất giá vẫn liên tục diễn ra, sản phẩm làm ra chỉ biết bán cho thương lái nên bị ép giá. Mặc dù Nghị định 80 của Chính phủ khuyến khích việc liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp) để cải thiện những bất cập này, nhưng thực tế, việc liên kết vẫn còn rời rạc và vai trò nhà thứ năm là “nhà bank” (được bổ sung và coi là quan trọng nhất) thì hầu như chưa hỗ trợ được gì. Nguyên nhân chính là do đất của các chủ trang trại phần lớn đều phải thuê từ các địa phương nên chỉ được cấp sổ xanh, nên khi cầm cố để vay vốn sẽ không được ngân hàng chấp nhận. Nếu mua đất (được cấp sổ đỏ, có thể thế chấp vay vốn) thì qui định hạn điền của Nhà nước chỉ cho mua tối đa 30ha (quá nhỏ để lập trang trại), hoặc nếu được vay vốn cũng chỉ ngắn hạn nên nhiều trang trại phải thu hoạch sớm, bán chạy sản phẩm để trả nợ. Thông thường vốn vay cho đầu tư trang trại phải cả tỷ đồng hoặc tối đa cũng 500 triệu, nhưng mức vay hiện chỉ vài chục triệu nên cũng chẳng bõ bèn gì. Chính điều này đã làm cho mô hình KTTT khó phát triển qui mô lớn, chủ trang trại không an tâm canh tác, chăn nuôi, đầu tư kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu.
Ông Nguyễn Văn Phước ở An Giang cho biết, ông có nhu cầu vay 500 triệu đồng đầu tư nâng cao hệ thống ao, hồ nuôi cá thâm canh nhưng trang trại của ông không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có tài sản thế chấp ngân hàng, khu đất ông thuê lại là khu đất đấu thầu nên không yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kiên cố để nuôi cá lâu dài. Một rào cản khác, theo ông Phước là đất cho trang trại, nhất là trang trại thủy sản cũng chưa được Nhà nước qui hoạch tổng thể, rõ ràng nên hầu hết các chủ trang trại không yên tâm đầu tư sản xuất.
Nói về mối liên kết giữa DN và nông dân chưa chặt chẽ, ông Lê Duy Minh cho biết: “Do không có quỹ đất lớn nên các trang trại và nông dân nói chung hiện nay hầu như vẫn chỉ trồng tỉa và chăn nuôi nhỏ lẻ, không có sản lượng lớn bán ra một lúc, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều nên DN thu mua không mặn mà trong việc bao tiêu sản phẩm. Một số DN có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm thì thường bị nông dân “lật kèo”, cụ thể khi thị trường có giá cao thì nông dân không bán hàng cho DN, khi giá thấp thì buộc DN phải mua sản phẩm theo giá cam kết.
Để mô hình trang trại phát huy hiệu quả và tạo sự liên kết chặt chẽ với các “nhà”, ông Minh kiến nghị: “Nhà nước cần hỗ trợ cho DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vốn vay ưu đãi để họ bán chịu hoặc có chính sách bán phân bón, thuốc trừ sâu, con giống... cho nông dân. Hai là hỗ trợ lãi suất thấp nhất cho DN yên tâm thu mua sản phẩm cho nông dân (thấp hơn mức 4% như hiện nay). Nhà nước cần sớm qui hoạch những vùng canh tác, nuôi trồng thủy sản phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền và mở rộng hạn điền, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển qui mô lớn”.
Mặc dù Nghị định 80 của Chính phủ khuyến khích việc liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp) để cải thiện những bất cập này, nhưng thực tế, việc liên kết vẫn còn rời rạc và vai trò nhà thứ năm là “nhà bank” (được bổ sung và coi là quan trọng nhất) thì hầu như chưa hỗ trợ được gì... |