Pháp bảo chùa Trúc Lâm

Đời thường - Ngày đăng : 08:10, 26/09/2009

Chùa Trúc Lâm tọa lạc trên đồi Dương Xuân Thượng thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, TP. Huế.
Pháp bảo chùa Trúc Lâm

Chùa Trúc Lâm tọa lạc trên đồi Dương Xuân Thượng thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, TP. Huế. Ngôi chùa này do sư bà Diên Trường xây dựng vào năm 1902. Sau đó, sư bà đã thỉnh cố hòa thượng Giác Tiên ở chùa Tây Thiên (gần đàn Nam Giao) về làm trụ trì và khai sơn tổ đình Trúc Lâm. Ngoài vẻ đẹp về khung cảnh thiên nhiên, ngôi chùa còn nổi tiếng với ba báu vật mà theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan “không thể tìm có cái thứ hai ở trên đất nước mình”.

Hòa thượng Thích Lưu Hòa giới thiệu về bộ kinh hiếm có

Quý nhất có lẽ là bộ kinh Kim Cang (kim cương) được thêu bằng gấm lót và chỉ ngũ sắc. Nguồn gốc bản kinh này có từ cuối đời Tây Sơn (1800) và đầu triều Nguyễn, lần đầu tiên bản kinh được tìm thấy tại Khương Ninh Các (thuộc cung Diên Thọ ở Đại nội, Huế) nhưng sau đó thất lạc. Nhận biết đó là báu vật của Phật giáo Việt Nam, nhiều người đã cất công đi tìm nó, trong đó phải kể tên hai người là hòa thượng Phước Huệ và ni sư Diệu Không.

Sau một thời gian dài, cuối cùng ni sư Diệu Không cũng tìm được và mua lại bản kinh cùng chiếc hộp đựng với giá 250 đồng thời Nguyễn (tương đương 7 lượng vàng). Căn cứ những chữ Hán ghi ở trong bức kinh và lời dịch của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, hòa thượng Thích Lưu Hòa được biết người thêu bản kinh này là tỳ kheo ni Diệu Tâm, thời gian hoàn thành vào ngày 1/11 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Từ thời hòa thượng Mật Hiển trụ trì cho đến thời điểm hiện tại là hòa thượng Thích Lưu Hòa thì bản kinh đó vẫn được xem như là một báu vật của chùa.

Bên cạnh đó, nhà chùa còn cất giữ chiếc lư trầm bằng gốm tráng men màu có từ đời Lê. Trên đầu chiếc lư ghi: “Lê Triều Long Hưng, Chính Hòa”. Chính Hòa đích thực là niên hiệu của vua Lê Hy Tông (1680 - 1704), tương ứng với thời kỳ trị vì của các chúa Nguyễn ở Đàng trong (Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu...). Theo lời kể của sư thầy Thích Lưu Hòa, chiếc lư này do thượng thư Hồ Đắc Trung - bố sư bà Diệu Không đem từ Thanh Hóa vào để dâng cúng cho chùa. Nhưng căn cứ vào các phiên bản chữ Hán được tạc trên chiếc lư cho thấy rõ: Đây là tự khí của chùa Bảo Sơn, huyện Đông Ngàn, tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh). Hiện tại, chiếc lư này được nhà chùa cất giữ rất nghiêm ngặt vì đó là pháp bảo cực kỳ quý hiếm.

Báu vật thứ ba là chiếc bình bát bằng chu sa của hòa thượng Thạch Liêm, tác giả của bộ sách quý Hải ngoại kỷ sự, có niên đại từ năm 1691 - 1725. Trước đây, chiếc bình này ở chùa Khánh Vân thuộc huyện Hương Trà, sau đó hòa thượng Thích Mật Hiển đem về cất giữ cho đến ngày nay.

Cả ba báu vật hiện có tại chùa Trúc Lâm, Huế là “những kiệt tác nghệ thuật của Phật giáo” cực kỳ quý hiếm, cần được nhà chùa, chính quyền bảo vệ chặt chẽ, vì thời gian qua, tại Huế, kẻ trộm lấy đi rất nhiều hiện vật quý được lưu giữ tại các tổ đình.

NGỌC MINH