Đầu tư phim trường: Bao giờ cung đủ cầu?

Đời thường - Ngày đăng : 00:53, 28/09/2009

Xã hội hóa sản xuất các chương trình điện ảnh – truyền hình ở ta đang ngày càng trăm hoa đua nở, đòi hỏi một cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp và hiện đại.
Đầu tư phim trường: Bao giờ cung đủ cầu?

Xã hội hóa sản xuất các chương trình điện ảnh – truyền hình ở ta đang ngày càng trăm hoa đua nở, đòi hỏi một cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp và hiện đại. Trong đó, phim trường chuyên nghiệp để sản xuất các chương trình giải trí như: phim truyện, gameshow, tạp kỹ… đang trở thành nhu cầu vô cùng cần thiết. Dù biết rõ đây là lĩnh vực đầu tư có lời, song vẫn còn quá ít các doanh nghiệp mặn mà với việc xây dựng và phát triển phim trường…

Cung chưa đủ cầu

Một bối cảnh phim Dù gió có thổi trong phim trường Chánh Phương

Ở cấp quốc gia, hiện cả nước chỉ có một, đó là phim trường Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) do nước ngoài giúp xây dựng cách đây đã 30 năm, nhưng nhiều năm nay bị bỏ hoang. 5 năm trở lại đây, một số tư nhân có đầu tư xây dựng phim trường, tập trung hầu hết ở khu vực TP.HCM. Có thể kể: Phim trường ngoại ở quận 9 và phim trường nội ở quận 2 của Vifa ( thuộc Công ty Gia đình Việt), phim trường ở quận 9 của Công ty BHD, phim trường Chánh Phương ở Hóc Môn, phim trường Vision 21… Ngoài ra còn có phim trường Crea TV, Đông Nam, Vafaco, Hãng phim Trẻ… nằm rải rác trong một số quận nội thành. Còn ở phía Bắc, VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài VTV) liên kết với một công ty tư nhân làm phim trường ở Hưng Yên (cách Hà Nội 50km).

Những phim trường kể trên, thực chất vẫn chỉ là những trường quay của một công ty hay hãng phim, được đầu tư “tại chỗ” để phục vụ cho việc sản xuất từng bộ phim hay chương trình truyền hình - điện ảnh của họ. Hầu hết các phim trường hiện có ở ta chủ yếu tập trung vào bối cảnh nội, diện tích chật hẹp. Một nhà thiết kế nhận xét: Ở ta, chưa có trường quay với những bối cảnh cố định được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn phim cùng sử dụng. Trừ khung ngoài (tường của phim trường), còn bối cảnh bên trong đều xây bằng gạch mỏng, che gỗ ván ép hay xốp mút, quay xong phim nào thì phá bỏ hay cải tạo lại dùng cho phim khác. Việc đầu tư cho các dàn đèn, cách âm, điều hòa nhiệt độ trong nhiều phim trường chưa được đồng bộ, thậm chí chắp vá…

Số bối cảnh từng dùng để quay phim Mùi ngò gai hay Cô gái xấu xí cũng được Vifa và BHD dỡ bỏ hoặc tận dụng cho bối cảnh của các phim quay sau này. Mới đây, để “nhường” đất cho đoàn phim Thái sư Trần Thủ Độ vào trường quay nội ở Cổ Loa, đạo diễn Quang Hải dù tiếc đứt ruột cũng buộc phải dỡ bỏ bối cảnh khách sạn phim Mùa hè lạnh lẽo (gần 100 triệu đồng), vì chưa có tiền để bấm máy.

Mặc dù các phim trường tư nhân trên được đầu tư khá lớn, nhưng nhìn chung chỉ đáp ứng cho những dự án nhỏ. Đụng đến những tác phẩm quy mô lớn, nhất là phim lịch sử như Thái sư Trần Thủ Độ hay Tây Sơn hào kiệt, Thái Tổ Lý Công Uẩn thì chưa có phim trường nào đủ sức đảm đương. Phim Thái sư Trần Thủ Độ đang quay đã phải tốn một khoản kinh phí rất lớn để sang thuê phim trường Hoành Điếm ở Trung Quốc…

Hai năm nay, xã hội hóa sản xuất phim và chương trình truyền hình ngày càng tăng tốc. Với yêu cầu quay tốc độ từ 1-3 ngày/tập, thu âm trực tiếp, quay nhiều máy, các đoàn làm phim rất cần có phim trường chuyên nghiệp để có thể chủ động từ lịch sản xuất đến làm hậu kỳ, nhất là đối với phim dài hàng trăm tập có thời gian quay từ 1-5 năm. Phương án mà rất nhiều đoàn làm phim chọn là dùng bối cảnh đơn giản, hoặc có sẵn. Bởi vậy, những khu dân cư mới với những nhà phố, biệt thự, công viên cây xanh… được quy hoạch chuẩn ở Sài Gòn như Phú Mỹ Hưng, khu dân cư Tân Quy Đông (Q.7), Trường Sơn (Bình Chánh), Phan Xích Long (Phú Nhuận), khu biệt thự Thảo Điền Q.2, Q.9; khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), các khu du lịch ở Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang… đang trở thành “phim trường” ưa chuộng của các đoàn làm phim.

Với các chương trình giải trí như gameshow, hay truyền hình thực tế thì mặt bằng nhà thi đấu đa năng của các Trung tâm thể dục - thể thao - văn hóa hay hội trường của các Trung tâm hội chợ - triển lãm, nhà kho của một số công ty hay siêu thị… đều được tận dụng. Ví như: gameshow Đấu trường 100 vẫn ghi hình ở nhà thi đấu của Trung tâm Thể dục thể thao quận 4. Năm nay, khi nơi này sửa chữa, VTV và Công ty Sóng Vàng phải chạy đôn chạy đáo tìm địa điểm quay mới. Khi đưa gameshow Hành khách cuối cùng vào Nam, VTV cũng rất khổ sở để tìm một phim trường đủ chỗ cho cuộc thi đông hàng trăm người và thiết bị. Cuối cùng, Đấu trường 100, Hành khách cuối cùng đành chọn Vision 21 với không gian khá chật chội để ghi hình.

Thị trường: “Ngon” mà không dễ xơi

Quay phim Cỏ đuôi gà trong phim trường của Crea TV

Nằm ở trung tâm TP.HCM, phim trường cho thuê Vision 21 tấp nập từ sáng sớm đến khuya, với sự có mặt của các ê kíp sản xuất chương trình giải trí từ gameshow, talkshow, truyền hình thực tế, ca nhạc, phim truyền hình… Các trường quay ở Vision 21 hoạt động vượt công suất, muốn thuê phải đăng ký trước vài ba tháng. Các phim trường khác hầu như cũng chẳng mấy khi được… trống vắng. Đầu tư xây dựng phim trường chắc chắn có hiệu quả. Chỉ riêng nhu cầu sản xuất phim đã rất lớn, với mục tiêu đạt ngưỡng 50% thời lượng phim VN phát sóng trên truyền hình. Hàng chục kênh truyền hình, không kênh nào lại không cần đến phim truyền hình. Như thế, việc cho thuê trường quay cũng đủ để thu hồi vốn trong vài năm, chưa kể đến làm dịch vụ du lịch và giải trí như ở nước ngoài. Nhưng tại sao các hãng phim tư nhân và các doanh nghiệp vẫn chưa bỏ vốn đầu tư trường quay?

Thực ra, ngoài các phim trường nội kể trên, thời gian qua Nhà nước và vài công ty tư nhân đã có một số dự án phim trường nội và ngoại chuyên nghiệp với diện tích lớn để cho thuê, đồng thời kết hợp với việc tổ chức các tour du lịch, tham quan. Đó là phim trường Cánh đồng ước mơ của Trí Việt (10 ha ở Bình Dương) với vốn đầu tư 20 triệu USD; phim trường Vina Universal của Công ty cổ phần Tân Tạo (1.000 ha ở Sa Huỳnh - Quảng Ngãi) kinh phí ban đầu 50 triệu USD; phim trường của Đài Truyền hình TP.HCM (50 ha ở Củ Chi); phim trường VFC (Mễ Trì, Hà Nội, phim trường quốc gia ở quận 9 (TP.HCM)…. Đều đã rục rịch từ 1 đến 5 hay cả chục năm trời, song đến thời điểm này các dự án trên vẫn đang ở thì… mơ ước. Vì sao?

Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Tuy hoạt động sản xuất điện ảnh - truyền hình rất nhộn nhịp, song hiện vẫn ở giai đoạn khởi đầu. Cả nước có gần 100 đơn vị (phần lớn là các công ty quảng cáo và truyền thông) tham gia sản xuất chương trình giải trí điện ảnh - truyền hình. Nhưng trong đó, số đơn vị làm ăn bài bản và hiệu quả chỉ trên con số một chục, còn lại đều manh mún, nhỏ lẻ, thậm chí theo kiểu “chụp giật”. Kinh phí sản xuất phim hay chương trình giải trí khác đều trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm”. Kinh phí ít nên hầu như tất cả những bối cảnh huy hoàng, đồ sộ trong kịch bản đều bị cắt hoặc quay ăn gian, dùng cảnh có sẵn để tiết kiệm. Dòng phim lịch sử - cổ trang cần dựng bối cảnh hoành tráng thì vài năm mới có một bộ phim được sản xuất, mà kinh phí cũng “thắt lưng buộc bụng”.

Muốn xây dựng một phim trường thành một quần thể gồm trung tâm mua sắm, cụm rạp chiếu phim, nhà hàng, công viên giải trí, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, nhà nghỉ cho đoàn làm phim, kho đạo cụ, trường đào tạo…, cần một mặt bằng rộng, không quá xa các khu dân cư và thuận tiện giao thông. Trước đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch từng tính xây phim trường quốc gia ở Nha Trang để sẵn cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhưng lại quá xa Hà Nội và TP.HCM - nơi các hãng phim đặt bản doanh. Cuối cùng, Bộ đành quay lại với phim trường Cổ Loa cách Hà Nội vài chục km. Phim trường quốc gia ở quận 9 (TP.HCM) nằm trong dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, nhưng chậm triển khai vì vướng khâu đền bù giải tỏa. Phim trường Vina Universal nằm ở tít Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), nếu hoàn thành và đưa vào sử dụng thì trong vòng 5-10 năm nữa chưa chắc đã có được hiệu quả kinh doanh về du lịch (chưa tính đến phim ảnh) như mong đợi…

Nhân sự - cái khó không dễ gỡ

Phim Thái sư Trần Thủ Độ phải quay ở Hoành Điểm

Để xây dựng một phim trường có tầm cỡ, kinh phí phải rất lớn, chắc chắn một hãng phim hay một công ty không thể gánh nổi. Phim trường Vifa có sự đầu tư liên kết của một công ty phim Hàn Quốc; phim trường Cánh đồng ước mơ là của Trí Việt Media (đứng đằng sau là Công ty Toàn Mỹ) liên kết với đối tác Hàn Quốc; Đài HTV đang kêu gọi liên doanh đầu tư phim trường ở Củ Chi. Ngoài cả trăm tỉ đồng mà Nhà nước sẽ cấp thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng mong muốn huy động kinh phí từ mọi nguồn để xây dựng phim trường Cổ Loa đạt chuẩn quốc tế.

Có một vấn đề sẽ rất nan giải là nhân sự. Sẽ cần đến một đội ngũ phục vụ trường quay, kỹ thuật viên phim trường không chỉ rất đông mà còn phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Chưa kể, nhân lực cho các hoạt động du lịch và giải trí… Những khó khăn về mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng phim trường có thể sớm khắc phục, song việc đào tạo đội ngũ nhân lực thì vốn là thực trạng chung “nói mãi” của ngành điện ảnh - truyền hình ở ta bấy lâu…

Nhưng, nói gì thì nói, việc đầu tư xây dựng phim trường ở Việt Nam vẫn là nhu cầu có thực, và cần thiết, để hướng đến một nền điện ảnh - truyền hình chuyên nghiệp.

ĐINH HƯƠNG (DNSG cuối tháng)