Xứng danh với chốn “Tây đô”
Trong nước - Ngày đăng : 07:29, 02/10/2009
Trong ngày khai trương Metro Hưng Lợi (22/12/2004), ông James Scott, Tổng giám đốc Metro Cash&Carry Vietnam lúc bấy giờ, nói: “Hôm nay là kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng mang lại hòa bình, không chỉ cho người Việt mà cho cả những nhà đầu tư thừa hưởng hòa bình. Phải làm cho hòa bình trở thành cơ hội phát triển”...
Cùng nông dân làm thương hiệu
Từ ngày Metro Hưng Lợi hoạt động, cứ mỗi cuối tuần, xe tải nhẹ từ các tỉnh về Cần Thơ, vào trung tâm phân phối này mua hàng - hàng ngoại nhiều hơn hàng nội. Rồi hàng nội xuất hiện ngày một nhiều, nhất là sản vật đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Một góc Metro Hưng Lợi |
Để có rau, củ, quả chất lượng cao phục vụ cho việc bán buôn và bán lẻ, Metro Cash&Carry (Metro C&C) và DEG (Deutsche Entwick lungs Gesell schart), ngày 25/1/2006, đồng ý thực hiện chương trình rau sạch với nông dân với kinh phí 400 ngàn euro, theo đó Metro C&C hỗ trợ 50% kinh phí, DEG hỗ trợ tập huấn nông dân từ phương thức sản xuất hiện đại, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đến cách bảo quản, đóng gói bao bì phù hợp với yêu cầu của một sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao. Thế là HTX Rau Long Tuyền và ông Triệu Công Đỉnh trồng rau giao cho Metro, trở thành nhà cung cấp rau chuyên nghiệp từ làng quê ngoại thành Cần Thơ.
Ngay từ đầu Metro C&C Vietnam đã khẳng định, các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, như HACCP, GMP, SSOP là nền tảng để bảo đảm năng lực cạnh tranh. Ở thời điểm đó, Metro C&C, một trong bốn nhánh của Tập đoàn Metro toàn cầu có 488 trung tâm phân phối tại 26 quốc gia, xếp hạng bốn thế giới với doanh số 54 tỷ euro/năm.
Ở ĐBSCL, nơi lập siêu thị đầu tiên là Cà Mau. Tại Cần Thơ, siêu thị tiên phong là Co.opMart, nhưng Metro mới là nơi tạo ra bước ngoặt làm thương hiệu. Metro làm thương hiệu trái cây, chương trình mà nhiều nhà quản lý nói “coi chừng sẽ mất thương hiệu trái cây của tỉnh mình”. Metro Hưng Lợi giúp quảng bá đặc sản bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long), nhãn lồng Hưng Yên và bơ sáp Dắk Lắk.
Ông Uwe Hoelzer, Tổng giám đốc Metro C&C Vietnam hiện nay, trong buổi nói chuyện tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL và Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia, khẳng định: Metro không chỉ hướng tới thị trường tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu. HTX Mỹ Hòa đã ký kết với Công ty TNHH Metro C&C Vietnam sản xuất 31ha buởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Eurep GAP (thực hành nông nghiệp tốt theo quy định của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Châu Âu). Metro đã tài trợ khoảng 40.000USD để thuê chuyên gia phối hợp cùng nông dân thực hiện 13 bước quan trọng trong quy trình chất lượng Eurep GAP. Giữa tháng 5/2008, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Châu Âu đến kiểm tra và cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn Eurep GAP (nay là Global GAP). Cách làm này khiến đơn giá xuất khẩu loại bưởi này sang thị trường Hà Lan dao động từ 1,04 - 1,1USD/kg và sang thị trường Nga là 1 - 1,62USD/kg.
Với diện tích 30.000m2, vốn đầu tư 14 triệu USD, Metro Hưng Lợi không chỉ cung cấp 14 ngàn đến 16 ngàn mặt hàng mà đã phổ biến mô hình quản lý chất lượng đồng nhất từ nông trại đến bàn ăn để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất. Trong 4 năm, họ đã cùng ít nhất 18.000 nông dân và ngư dân Việt Nam thực hiện các phương pháp và kỹ thuật nuôi trồng hiện đại, nhờ đó, nhiều sản phẩm như bưởi, vú sữa, xoài, thanh long, tôm, cá đã tìm được thị trường ở châu Âu.
Lan tỏa từ “Tây đô”
Nếu Metro Hưng Lợi là điểm đến của những nhà buôn trong khu vực thì Co.opMart Cần Thơ là điểm mua sắm khá hấp dẫn của dân cư Cần Thơ và các tỉnh - thành lân cận.
Năm năm trước (ngày 19/8/2004), Co.opMart Cần Thơ được xây dựng với số vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, là siêu thị lớn nhất ĐBSCL, ngay sau đó, hệ thống siêu thị này hé mở cánh cửa cho những làng nghề đặc sản và nhà cung cấp nông sản chuyên nghiệp.
Trên một trục giao thông không quá 5km, Cần Thơ có bốn siêu thị lớn. Vinatex khai trương siêu thị tại nội ô Cần Thơ vào ngày 22/7/2006, bày bán hơn 40 ngàn mặt hàng các loại, được phân theo khu vực hàng cao cấp và bình dân để khách hàng dễ dàng chọn lựa. Siêu thị CitiMart Cần Thơ có diện tích trên 6.500m2, với khoảng 26 ngàn mặt hàng đủ mọi chủng loại. Các siêu thị cuốn hút Ngân hàng Vietcombank, Đông Á, Sài Gòn Công Thương vào cuộc đua cung cấp dịch vụ mới, giúp khách hàng có thêm sở hữu và những tiện ích mới.
Sau 5 năm, Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (cuối tháng 8 vừa rồi được công nhận là đô thị loại 1), điều dễ nhận ra nhất là người thành thị, người ven đô đã đòi hỏi những tiện ích mới trong mua sắm và sâu xa hơn là yêu cầu nhà cung cấp phải nghĩ khác, làm khác để xứng danh với chốn “Tây đô”.
Cần Thơ là điểm nhấn trong sự phát triển vùng nam sông Hậu. Dòng hàng hóa đang được định hướng vào 8 trung tâm thương mại, 33 siêu thị trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL. Mai đây, An Giang sẽ có một Metro như Cần Thơ.
Một cấu trúc mới của những trung tâm mua sắm hiện đại đã hình thành từ những trải nghiệm ở thành phố lớn nhất ĐBSCL.