Hội chữ Thập đỏ Việt Nam kêu gọi quốc tế trợ giúp

Trong nước - Ngày đăng : 00:10, 06/10/2009

Tại những khu vực ngập sâu, người dân phải sử dụng chính nước lũ và dùng phèn hoặc cloramin B để lọc lấy nước dùng.”
Hội chữ Thập đỏ Việt Nam kêu gọi quốc tế trợ giúp

Hai tỉnh Quảng Ngãi và Kontum có số người thiệt mạng vì bão lớn nhất.

Sau chuyến thị sát thực trạng ảnh hưởng tại một số tỉnh miền trung từ Quảng Bình tới Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hà, giám đốc chương trình quản lý thảm họa của Hội chữ Thập đỏ Việt Nam nói có thuận lợi về thời tiết sau bão.

Tuy nhiên ông cũng nói người dân và chính quyền địa phương đang phải nỗ lực dọn rác thải, bùn lầy sau lũ lụt, chưa kể thiếu nước uống và nước sạch.

Ông Hà cho biết “Theo trao đổi của đoàn chúng tôi với chính quyền địa phương và bà con bị ảnh hưởng thì ưu tiên của bà con lúc này, nhất là trong thời gian từ nay tới tháng 12 là giống cây trồng và phân bón để có thể xuống giống được vụ tới.”

Theo báo cáo nhanh của văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, đến 18g ngày 4/10, thiệt hại về người do bão số 9 gây ra là 163 người chết và 14 người mất tích, 616 người bị thương.

Về nhà ở có 21.429 nhà bị sập, 258.306 nhà hư hỏng, 218.249 nhà bị ngập. Trên 5.200 trường học bị hư hỏng và ngập 5.280 phòng. Hơn 12.600 trạm y tế, trụ sở UBND xã, các công trình công cộng bị ngập và hư hỏng. Khoảng 100.000ha lúa và các loại cây trồng bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 14.300 tỉ đồng.

“Lũ lụt đã phá hủy giống cây trồng và đây là ưu tiên trong thời điểm này”.

“Tại những khu vực ngập sâu, người dân phải sử dụng chính nước lũ và dùng phèn hoặc cloramin B để lọc lấy nước dùng.”

“Hội chữ thập đỏ cũng đã và đang dựng các nhà tạm trú chống bão cho những người nhà cửa bị ngập và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực này”, ông nói thêm.

Được biết Hội chữ Thập đỏ Việt Nam cùng Hội chữ Thập đỏ Quốc tế vào chiều ngày 05/10 đã tổ chức họp báo với sự hiện diện của đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để thông báo về lời kêu gọi quốc tế trợ giúp.

“Chẳng hạn phía Australia thông qua Hội chữ Thập đỏ cũng đã tài trợ 400 ngàn đôla Úc trong khi USAID cũng đã hỗ trợ 100 ngàn đôla, cũng như nhiều tổ chức khác nữa”, ông Hà cho biết.

Bão số 9 được đánh giá là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất cho Việt Nam trong những năm gần đây.

Số liệu chính phủ Việt Nam công bố hôm thứ Sáu 2/10 cho hay, dự tính thiệt hại do bão số 9 gây ra là 587 triệu đô la. Cả thảy có 10 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9.

Chính phủ Việt Nam nói họ sẽ bỏ ra 460 tỷ đồng Việt Nam (khoảng 25,6 triệu đô la Mỹ) để giúp các vùng bị ảnh hưởng nhưng các tỉnh và thành phố này nói họ muốn được trợ giúp tổng cộng gần 40 triệu đô la Mỹ cùng với 600 tấn lúa giống, 20 tấn hạt rau và 30 tấn hạt ngô.

Tại tỉnh Quảng Nam, hầu hết tại các địa bàn bị ngập lụt nặng như Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn… đều có người dân bị bệnh đau mắt và lở loét tay chân.

Miền Trung bùng phát dịch bệnh sau lũ

24 giờ sau cơn bão số 9 kinh hoàng quét qua miền Trung, Làng mạc, nhà cửa, phố phường, đường sá tan hoang theo bão... Hàng ngàn người dân tại miền Trung lâm vào cảnh không nhà.

Tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, bệnh nhân mắc cúm, tiêu chảy, đau mắt đỏ nhập viện tăng gấp 10 lần ngày thường, các bệnh ngoài da như ghẻ lở, ngứa… bắt đầu xuất hiện trên diện rộng.

Trong vài ngày qua, tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, ngành chức năng và người dân tiến hành thu gom rác, vệ sinh môi trường sau lũ, nhưng số bệnh nhân mắc cúm, tiêu chảy, đau mắt đỏ nhập viện tăng gấp 10 lần ngày thường, các bệnh ngoài da như ghẻ lở, ngứa… bắt đầu xuất hiện trên diện rộng.

Đến chiều 5/10, Hà Tĩnh còn rất nhiều thôn xã bị nước lũ chia cắt và trên 5.000 học sinh của ba huyện Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang vẫn chưa thể đến trường. Nhiều học sinh khác đến trường phải đi trên những chiếc thuyền không phao cứu hộ, rất nguy hiểm.

Ngành Y tế các tỉnh đã cấp thuốc chữa bệnh và thuốc sát khuẩn môi trường cho các xã, thị trấn, nhưng cũng không hiệu quả vì nhiều nơi vẫn còn bị ngập sâu trong nước, hàng loạt gia súc, gia cầm bị chết trôi nổi trên nước lũ khiến môi trường bị ô nhiễm, hoặc chưa dọn dẹp xong bùn, rác, nước đọng gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ.

Tại tỉnh Quảng Nam, hầu hết tại các địa bàn bị ngập lụt nặng như Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn… đều có người dân bị bệnh đau mắt và lở loét tay chân. Tại thành phố Đà Nẵng, hàng ngày có rất nhiều ca cảm cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh về mắt nhập viện, có ngày lên đến 300 trường hợp, tăng gấp 10 lần so với bình thường.

Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, người dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vì 98% giếng nước đều bị ngập do lũ. Ngoài bệnh tiêu chảy đã và đang đe doạ cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân vùng lũ, các bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng, cảm cúm cũng đang xuất hiện ở nhiều nơi.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xử lý được khoảng 35.000 trong tổng số hơn 51.000 giếng nước bị ngập. Tỉnh cũng thành lập 4 đoàn xuống các địa phương để khám và chữa bệnh cho người dân, tăng cường thêm thuốc chữa bệnh và thuốc sát khuẩn môi trường cho các cơ sở y tế.

ASEAN hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả thiên tai


Theo ông Sayakane Sisouvong, các nước thành viên ASEAN cần thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, thiết bị trong việc phòng chống thiên tai và điều phối nỗ lực cứu trợ giữa các nước thành viên.

Ngày 5/10, Phó Tổng Thư ký ASEAN Sayakane Sisouvong đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để tìm hiểu và trao đổi đánh giá về mức độ thiệt hại và khả năng ASEAN có thể hỗ trợ các vùng và người dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 9 (Ketsana) vừa qua.

Chuyến thăm nằm trong nỗ lực chung của ASEAN nhằm giúp các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như Philippines, Việt Nam, Lào và Campuchia bị bão Ketsana tàn phá và Indonesia bị động đất.

Lãnh đạo các Bộ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao việc Phó Tổng Thư ký ASEAN đi thăm các nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai, coi đó là hoạt động thể hiện tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN, vì nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN chia sẻ, đùm bọc.

Lãnh đạo các Bộ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông báo với Phó Tổng Thư ký ASEAN về thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra ở các tỉnh miền Trung và nỗ lực cứu trợ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trên mọi miền đất nước.

Ông Sayakane Sisouvong khẳng định sẽ thông báo cho các nước về tình hình thiệt hại và giúp các nước bị ảnh hưởng của thiên tai kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Phó Tổng Thư ký ASEAN cũng thông báo Ban Thư ký ASEAN đã lập “Quỹ Hợp tác ASEAN để Cứu trợ khẩn cấp” vận động và làm đầu mối tiếp nhận các khoản đóng góp cho việc cứu trợ nhân đạo từ các nước thành viên, các bên đối tác của ASEAN và các nhà tài trợ.

Theo ông Sayakane Sisouvong, các nước thành viên ASEAN cần thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, thiết bị trong việc phòng chống thiên tai và điều phối nỗ lực cứu trợ giữa các nước thành viên.

Ngoài ra, Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thiên tai (AHA) tại Jakarta đã thành lập Đội Đánh giá nhanh (ERAT), khi có yêu cầu, sẵn sàng triển khai đánh giá thiệt hại tại các vùng bị ảnh hưởng và khuyến nghị mức độ hỗ trợ.

Tổng hợp