Những giấc mơ thay đổi trong 60 năm

Bình luận - Ngày đăng : 08:20, 08/10/2009

Sự ra đời của CHND Trung Hoa 60 năm trước góp phần thay đổi cục diện châu Á. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay góp phần thay đổi cục diện thế giới...
Những giấc mơ thay đổi trong 60 năm

Sự ra đời của CHND Trung Hoa 60 năm trước góp phần thay đổi cục diện châu Á. Sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) ngày nay góp phần thay đổi cục diện thế giới, làm chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông. Hãy nhìn sự thay đổi của TQ từ sự thay đổi của những mong muốn vật chất của người dân.

Người dân Bắc Kinh tổ chức kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 60

Những năm gần đây một câu hỏi thời sự đặt ra trên chính trường quốc tế: TQ ngày nay là một quốc gia như thế nào, và đời sống dân đại lục đã thay đổi ra sao trong hơn nửa thế kỷ qua?

Có thể nói TQ đã trở thành một cường quốc thương mại và sản xuất khổng lồ, “công xưởng thế giới” với sản lượng 210 loại sản phẩm công nghiệp đứng đầu thế giới... Nhờ dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (thặng dư hơn 2.000 tỷ USD), TQ đang vượt qua khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu với một vị thế nổi trội hơn trước. Khảo sát của Z/Yen Group, TQ có ba thành phố nằm trong 10 thành phố đứng đầu thế giới về cạnh tranh tài chính (Hồng Kông, Tham Quyến và Thượng Hải).

Vào năm 1949, một số thứ được coi là xa xỉ phẩm mà mọi người mơ ước là chiếc máy may, đồng hồ đeo tay và chiếc xe đạp, thì 60 năm sau, người dân thành thị TQ có những niềm mơ ước khác xa đó là một căn nhà hiện đại. Trước khi có các chương trình cải cách gia cư năm 1985, chỉ có 17% nhà cửa tại các thành phố là do tư nhân làm chủ.

Giờ đây, theo con số ước tính, có đến 80% hay hơn, nhà cửa tại các thành thị do tư nhân làm chủ. Trong khi đó, nhà cửa tại Bắc kinh rất đắt đỏ. Một gia đình trung bình cần một số tiền tương đương với 27 lần thu nhập hằng năm để mua một căn nhà bình thường. Tháng 6 năm ngoái, Versace liên tiếp mở ba cửa hàng tại các Thanh Đảo, Tham Quyến và Tô Châu, sức tiêu thụ lớn tại TQ đã giúp Versace thu được 336 triệu Euro trong năm 2008, tăng 8,3% so với năm 2007. Giancarlo Di Risio, Giám đốc điều hành Versace cho hay: “Chúng tôi tin tưởng TQ sẽ trở thành thị trường lớn nhất tại châu Á của Versace”.

Theo khảo sát của Công ty Tư vấn McKinsey, tính đến cuối 2008, số lượng gia đình giàu có của TQ vào khoảng 1,6 triệu gia đình, tốc độ tăng hằng năm là 15,9%. Dự báo, đến năm 2015, TQ sẽ có trên 4 triệu gia đình giàu có (với thu nhập năm đạt 250 nghìn nhân dân tệ), chỉ xếp sau Mỹ, Nhật và Anh. Vì vậy, tại TQ lúc này, không mặt hàng nào có thể giữ lâu được tính biểu tượng cho sự sang trọng. Với khả năng của giới tiêu thụ ngày càng cao, có thể mua được những mặt hàng lớn, đắt tiền, khát vọng của họ lại đổi sang những thứ phi vật thể như du lịch nước ngoài, du học...

Theo AFP, người dân đại lục trước đây trốn sang Hồng Kông nhằm thoát khỏi ám ảnh đói nghèo và những bức bối của cuộc sống, nay họ sang Hồng Kông định cư để hưởng tiện nghi của cuộc sống khá giá với hồ bơi và những tòa nhà nhìn thấy đường chân trời. Bất chấp khủng hoảng, số người đại lục tới Hồng Kông tìm mua nhà tăng từ 10 - 40%, đặc biệt những nhà cao cấp tại cảng Victoria Harbour hoặc tại quận thương mại Cửu Long. Theo đánh giá của CB Richard Ellis, khách từ đại lục thường mua nhà dạng penthouse có giá khoảng 38,5 triệu USD. Thậm chí, nhu cầu tại đại lục cũng là lý do để các nhà đầu tư Hồng Kông xây dựng tòa tháp The Arch với căn hộ ở tầng thứ 80 được bán với giá 225 triệu USD, tương đương 40.931 USD/m2...

Có thể nói, TQ đã có thay đổi hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Sau bước đi tạo nền móng vật chất, nay thách thức của TQ là sự tự do và công lý cho người dân nước này

HÀ CÚC