Châu Á: Tiền nóng

Bình luận - Ngày đăng : 00:36, 08/10/2009

Những nền kinh tế châu Á hồi phục nhanh nhất, nhưng cũng đang giữ những đồng tiền “dưới giá trị” nhất.
Châu Á: Tiền nóng

Những nền kinh tế châu Á hồi phục nhanh nhất, nhưng cũng đang giữ những đồng tiền “dưới giá trị” nhất. Mặt khác, chính sách tiền tệ “đồng tiền mạnh” của nhiều nước trong khu vực là một ẩn số cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới.

Đánh giá từ chỉ số Big Mac (chỉ số ngang giá sức mua), các đồng tiền châu Á hiện nay có tỷ lệ phá giá cao nhất trong bối cảnh khu vực này có tốc độ hồi phục kinh tế nhanh nhất. Lấy ví dụ Trung Quốc, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong ba năm, tính tới tháng 7/2008, đồng nhân dân tệ đã tăng tới 21% so với đồng USD.

Nhưng 14 tháng qua, đồng tệ đã gắn chặt với đồng tiền Mỹ và sự trượt giá của USD đã kéo theo sự mất giá 10% của đồng tệ trong giao dịch vào đầu năm nay. Chuyên gia kinh tế Morris Goldstein và Nicholas Lardy, thuộc Viện Peterson về các vấn đề kinh tế quốc tế, ước tính trong tháng 7 vừa qua, đồng tệ dưới giá trị thực khoảng 15 - 25%.

Một số đồng tiền châu Á khác có thể bị phá giá cao hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, vào tháng 3, đồng won Hàn Quốc dưới giá trị thực 41%. Thực tế là Chính phủ Nhật Bản đã cho đồng yên tăng giá so với USD, thậm chí vào thời điểm nền kinh tế nước này đang yếu đi, có thể tạo hiệu ứng cho chính sách tiền tệ khu vực. Đồng yên tăng 18% trong năm qua sau bình luận của Bộ trưởng Tài chính Hirohisa Fujii: “Chính phủ không can thiệp vào đà tăng giá tiền tệ”, đồng thời cũng phủ nhận việc hậu thuẫn cho đồng yên mạnh. Thực tế, đồng yên “yếu” đi trông thấy và dẫn đến kết quả: giá trị giao dịch thương mại giảm gần 7% vào đầu năm và thấp hơn tỷ lệ trung bình 15 năm qua.

Chính phủ các nước khác trong khu vực cũng can thiệp giữ giá đồng tiền do dòng vốn ngoại tăng mạnh trước sự phục hồi kinh tế rất lạc quan. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng kỷ lục lên 178 tỷ USD trong quý II so với mức tăng chỉ 8 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm. Trung Quốc chặn đà tăng giá nội tệ so với USD để duy trì xuất khẩu.

Thặng dư thương mại trong ba tháng (tính đến tháng 8) thấp hơn một nửa so với một năm trước đây (mặc dù thặng dư tài khoản vãng lai vẫn có thể đạt 6% GDP trong năm nay, duy trì áp lực lên chính sách tiền tệ). Chính phủ Trung Quốc không có hướng để đồng tệ tăng so với đồng USD cho đến khi thỏa mãn ba điều kiện: xuất khẩu tăng đều hằng năm, GDP tăng trưởng 10% và lạm phát có chuyển biến tích cực. Cả ba yếu tố này đều có khả năng đạt được vào cuối năm nay và có lý do để nghĩ rằng, Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trung Quốc cũng để đồng tệ mạnh hơn nhằm tăng sức mạnh cho đồng tiền nước này trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã cho phép giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng nhân dân tệ. Nếu Trung Quốc muốn biến đồng tệ thành bản vị quốc tế thì cần phải nới lỏng kiểm soát tỷ giá ngoại hối và thúc đẩy nhanh quá trình định giá lại đồng tệ.

Với vai trò cán cân thương mại của kinh tế thế giới, nếu Trung Quốc để đồng tệ tăng giá thì những đồng tiền châu Á khác sẽ "nối đuôi". Thực tế, những số liệu kinh tế khả quan bất ngờ xuất hiện trong những tuần vừa qua đã giúp tỷ giá đồng tiền của các nền kinh tế châu Á tăng so với đồng USD. Xu hướng này khiến nhiều nước không khỏi lo ngại xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, luồng vốn đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán ở Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan cũng đang góp phần làm tăng giá trị đồng tiền của các nền kinh tế này. Ngoài ra, nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, xem xét đến nhân tố xuất khẩu, các loại tiền châu Á khác luôn bị đánh giá thấp ở một mức độ nhất định, do đó, đồng đô la Singapore và đồng Ringit của Malaysia đều có thể bị tăng giá.

THỤY KHA