Mỹ thâm hụt ngân sách 1,4 nghìn tỷ
Bình luận - Ngày đăng : 07:28, 08/10/2009
![]() |
Quốc hội Mỹ ước tính từ đầu năm tới ngày 30/09, thâm hụt ngân sách nước này tăng hơn gấp ba, lên mức kỷ lục 1,4 nghìn tỷ.
![]() |
Năm 2008 Mỹ thâm hụt ngân sách 459 tỷ đôla |
Các phân tích gia của Hạ viện trước đó dự báo thâm thủng ngân sách 1,6 nghìn tỷ, nhưng rồi điều chỉnh con số này để tung ra vào cuối năm tài chính.
Tỷ lệ thâm hụt nghiêm trọng này được cho là vì chi tiêu của chính phủ tăng quá mạnh trong khi thu nhập từ thuế lại giảm nhiều.
Giới chức tài chính sẽ phải công bố mức thâm hụt chính thức vào cuối tháng Mười.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho hay mức thâm thủng ngân sách nay tương đương 9,9% GDP của nước Mỹ.
Năm ngoái Mỹ thâm hụt 459 tỷ đôla, cao nhất từ trước tới thời điểm đó.
CBO nói việc tăng chi tiêu của chính phủ chủ yếu là cho Chương trình Cứu trợ Tài sản (Troubled Asset Relief Program), gói kích cầu kinh tế 787 tỷ đôla và tiền bỏ ra để giải cứu hai công ty cho vay mua nhà Fannie Mae và Freddie Mac.
California trong cơn 'khẩn cấp về tài chính'
Thống đốc California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về tài chính tại tiểu bang này trong nỗ lực giải quyết khoản thâm hụt ngân sách khoảng 24.3 tỉ đôla.
Thống đốc Arnold Schwarzenegger cũng ra lệnh cho nhiều văn phòng tiểu bang phải đóng cửa ba ngày mỗi tháng cho tới tháng 6/2010, và nhân viên sẽ không được trả lương trong những ngày này.
![]() |
Thống đốc Schwarzenegger nói ông vẫn tự hào về tiểu bang, cho dù có khủng hoảng |
California là một trong các tiểu bang bị thiệt hại nặng nề nhất vì cơn suy thoái kinh tế.
Hành động này được đưa ra sau khi các dân biểu tiểu bang bỏ lỡ hạn chót là ngày 1/7 phải thông qua ngân sách cho năm tài khóa mới.
Quan chức tiểu bang, John Chiang, nói việc không đáp ứng được hạn chót có nghĩa là thâm hụt ngân sách tiểu bang sẽ tăng thêm khoảng 6.5 tỉ đôla vào tháng Chín này.
Ông Chiang nói với BBC rằng việc tiểu bang không nhất trí được về ngân sách đã làm hại cho rất nhiều người khó khăn.
Trước đó, ông này cảnh báo sẽ có các biện pháp mạnh để bảo vệ nguồn tiền mặt, trong đó có việc trì hoãn thanh toán các công ty làm việc cho tiểu bang và những người phụ thuộc vào các khoản trợ cấp.
Theo các biện pháp khẩn cấp này, một số văn phòng tiểu bang sẽ phải đóng cửa trong ngày thứ Sáu đầu tiên, thứ hai và thứ ba của mỗi tháng cho tới 6/2010, và các nhân viên sẽ không được trả tiền trong những ngày này.
Ông Schwarzenegger nói trong một tuyên bố rằng mặc dù cơ quan lập pháp của tiểu bang đã không giải quyết được các vấn đề về ngân sách, chuyện “giải quyết toàn bộ thâm hụt ngân sách vẫn là ưu tiên số một và duy nhất” của ông.
Ông nói: “Tôi sẽ không thư thả được chừng nào chúng ta chưa giải quyết được vấn đề này”. Tòa Bạch Ốc nói họ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại tiểu bang California.
Tầm quan trọng
![]() |
Nhân viên tiểu bang sẽ không được trả lương trong những ngày đóng cửa |
Hôm thứ Ba, Thượng viện California không nhất trí được về các đề xuất của đảng Dân chủ, muốn cắt bớt 3.3 tỉ đôla từ giáo dục và các chương trình khác làm biện pháp giải quyết thâm hụt ngân sách hiện nay.
Phe Dân chủ cho rằng việc cắt giảm không nên cắt mạnh các chương trình xã hội tối cần thiết, trong khi phe Cộng hòa thì cho rằng cần phải cắt thêm nữa để cân bằng ngân sách.
Phe Cộng hòa và ông Schwarzenegger cũng bác bỏ khả năng sẽ tăng thuế.
Năm nào California cũng phải vật lộn để cân bằng ngân sách, nhưng năm nay, tình hình trở nên đặc biệt khó khăn.
Và quy mô của nền kinh tế California - là nền kinh tế lớn thứ tám thế giới và tạo ra gần 13% tổng sản phẩm quốc nội tại Mỹ - có nghĩa là những gì diễn ra tại đây sẽ tác động tới phần còn lại của Hoa Kỳ.