Ngại ngần trái phiếu doanh nghiệp
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:25, 09/10/2009
![]() |
Sau khi tạm lắng trong năm 2008, trái phiếu DN dần tìm lại không khí sôi động. Có thể nói phương thức huy động thông qua phát hành trái phiếu không mới, nhưng liệu người mua trái phiếu có được bảo vệ đầy đủ chưa mới là điều đang được các nhà đầu tư quan tâm.
Lợi ích lớn
![]() |
Hoàng Anh Gia Lai mới phát hành đợt trái phiếu trị giá 350 tỷ đồng |
Ngày 1/10, Công ty cổ phần FPT phát hành trái phiếu với giá trị phát hành dự kiến không quá 1.800 tỷ đồng. Cứ một tỷ đồng mệnh giá trái phiếu sẽ được kèm theo không quá 1.500 chứng quyền (quyền mua cổ phần) với lãi suất dự kiến chỉ 5 - 7%/năm. Ngày 1/9, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) phát hành trái phiếu DN, trị giá 200 tỷ đồng, thời hạn 5 năm, lãi suất cố định 12,5%/năm. Trước đó, ngày 31/12/2008, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng phát hành trái phiếu theo hình thức tương tự với khối lượng phát hành 350 tỷ đồng, với lãi suất điều chỉnh 6 tháng một lần. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 12,25 - 12,75%/năm, tùy kỳ hạn 2 hay 3 năm...
Phần lớn trái phiếu DN có lãi suất từ 10,5 - 12,5%/năm, cao hơn lãi suất huy động của nhiều ngân hàng (NH) hiện nay và cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu chính phủ. Đó là lý do chính khiến các đợt phát hành trái phiếu chính phủ đều thất bại trong khi trái phiếu DN lại thành công. Nếu tham khảo ở trường hợp của Kinh Bắc, ngoài những yêu cầu và điều kiện thực tế, có thể ngầm hiểu KBC hạn chế việc pha loãng cổ phiếu thông qua giải pháp phát hành thêm. Điều này có thể chứng minh, việc phát hành trái phiếu ngoài kết quả đạt được còn mang lại nhiều lợi ích cho DN. Như Kinh Bắc hay Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch còn có sự chủ động và xét tính về chi phí gọi vốn. Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ lãi suất 4% khó được hưởng, DN phải tính toán giữa chi phí vay NH và gọi vốn qua trái phiếu. Có thể thấy lãi suất trái phiếu phổ biến 12,5%/năm tương đối cân bằng với lãi vay NH, thậm chí có thể thấp hơn. Do đó giảm chi phí sử dụng vốn đối với hoạt động kinh doanh của DN...
Rủi ro cũng nhiều
Rủi ro trước mắt có thể thấy được là việc hấp thụ lượng trái phiếu DN đưa ra chưa hẳn dễ dàng. Chẳng hạn như một NH lớn đầu năm được phép phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì về việc phát hành. Khi được hỏi về mức hấp dẫn của trái phiếu DN, ông Hoàng Việt Hưng (nhà đầu tư tại sàn chứng khoán SSI) nói rằng, người mua trái phiếu DN chủ yếu chỉ hưởng lãi suất cố định, giao dịch thứ cấp chủ yếu trên thị trường OTC, hoặc thông qua các tổ chức tài chính, nên tính thanh khoản không cao so với cổ phiếu. Do vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn không mặn mà với loại hình đầu tư này.
Tính tới cuối năm 2008, tổng dư nợ trái phiếu của VN tương đương với 14,2%GDP |
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phát hành trái phiếu nhìn chung vẫn chưa dễ dàng. Vì nhà đầu tư cũng chỉ cẩn trọng xem xét mua cổ phiếu của các DN tin tưởng và nhiều công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chứ không phát hành ra công chúng. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính tới cuối năm 2008, tổng dư nợ trái phiếu của VN tương đương với 14,2% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực luôn ở mức cao, như Singapore (66,8%), Thái Lan (52,4%), hay Philippines (34,2%)... Trong đó, trái phiếu DN chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ trái phiếu (5,84% tổng dư nợ trái phiếu năm 2008).
Về cơ bản, trái phiếu có thời hạn càng dài thì rủi ro càng lớn, và do đó vấn đề minh bạch thông tin càng quan trọng. Thêm vào đó là vấn đề thông tin của DN. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển phân tích, ngay cả các DN niêm yết còn chưa thực hiện đầy đủ việc công bố thông tin, thì tại thị trường thứ cấp như trái phiếu, có được thông tin chính xác từ phía các công ty là điều không dễ dàng. Do vậy, các DN phải lập dự án, chứng minh hiệu quả của mục đích huy động, trình các cơ quan chức năng phê duyệt... nên trái phiếu chỉ là sân chơi của DN lớn, DN nhỏ và vừa ít khả năng tham gia. Một vấn đề nữa, nếu xảy ra hiện tượng DN phát hành trái phiếu và NH mua lại, sau đó DN lại dùng khoản tiền này để trả nợ NH nhằm giúp NH xóa đi nợ xấu thì đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại cho cả NH, DN và nhà đầu tư...