Nông sản Mỹ: Tìm thế cân bằng

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:31, 22/10/2009

Cán cân hàng xuất khẩu giữa VN và Mỹ, đặc biệt là hàng nông sản luôn duy trì một khoảng cách, với sức nặng nghiêng về phía nhà xuất khẩu VN. Tuy nhiên, đã có những dịch chuyển bất ngờ...
Nông sản Mỹ: Tìm thế cân bằng

Cán cân hàng xuất khẩu giữa VN và Mỹ, đặc biệt là hàng nông sản luôn duy trì một khoảng cách, với sức nặng nghiêng về phía nhà xuất khẩu VN. Tuy nhiên, đã có những dịch chuyển bất ngờ...

Ông Trương Minh Đạo, chuyên viên Phòng Nông nghiệp, Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm công việc xúc tiến xuất khẩu nông sản Mỹ vào VN, kể, 5 năm trước đã dẫn đoàn DN kinh doanh sữa của Mỹ qua VN, nhưng lúc đó, hầu như chẳng được quan tâm, vì giá sữa của Úc, New Zealand rẻ hơn nhiều. Ngay cả thịt bò Mỹ nổi danh như thế, cũng chỉ bán được 2 - 3 tấn/năm, với vỏn vẹn vài công ty phân phối.

Thứ trướng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cùng ông Nguyễn Chiến Thắng - Ảnh Quý Hòa

Thế nhưng, một thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có khá nhiều số liệu bất ngờ: Trong vòng hai năm (2006 - 2008), nông sản Mỹ xuất khẩu vào VN tăng gấp bốn lần, từ 250 triệu USD lên xấp xỉ 1 tỷ USD. Hàng nông sản chiếm 1/3 trong tổng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào thị trường VN. Năm 2008, xảy ra khủng hoảng kinh tế, lượng xuất khẩu nông sản của Mỹ sang các nước đều giảm, nhưng riêng VN lại là thị trường nhập khẩu giảm thấp nhất so với các nước khác.

Hội chợ Food & Hotel Vietnam 2009 diễn ra từ 1 - 3/10 vừa qua tại TP.HCM cho thấy sự quan tâm của DN Mỹ đối với thị trường VN. Giá thuê trung bình một quầy hàng tại đây là 3.000USD và nhiều DN Mỹ đã thuê cả hai quầy một lúc để khuếch trương. Gian hàng Mỹ là gian hàng lớn nhất, với sự có mặt của 24 công ty, trong đó có 9 công ty hoàn toàn mới với thị trường VN. Trong số 9 công ty mới đó, có hai công ty rất lớn của Mỹ là General Mills và Heinz - đứng hàng thứ 3, thứ 4 trong lĩnh vực sản xuất nông sản, thực phẩm của Mỹ.

Theo số liệu của Văn phòng Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, tổng giá trị thực phẩm từ Mỹ xuất khẩu vào VN năm 2008 là 416 triệu USD, trong đó có các mặt hàng như sữa đạt 74 triệu USD, thịt gà 72 triệu USD, trái cây 15 triệu USD, hải sản hơn 8 triệu USD... Các mặt hàng nông sản còn lại mà VN nhập khẩu từ Mỹ là gỗ, da, bông..., trong đó gỗ chỉ đứng thứ hai sau gỗ nhập khẩu của Malaysia.

Ông Trương Minh Đạo nhận định, năm 2009, mức nhập khẩu nông sản Mỹ của VN có giảm, nhưng vẫn thấp hơn mức giảm của các thị trường khác, tháng 7/2009, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhận định này phù hợp với tình hình kinh doanh của các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ hiện nay. Jim Van Nelson, Tổng giám đốc Tập đoàn MIG, có mặt tại Hội chợ Food & Hotel Vietnam 2009 lần này cho biết, năm trước, MIG xuất khẩu được 53 container thịt gà sang VN. Còn riêng 9 tháng đầu năm nay, Công ty đã xuất được 50 container.

Trước diễn tiến thuận lợi của nông sản Mỹ, thì nông sản VN dường như không có bước tiến, thậm chí còn chịu sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này do ảnh hưởng khó khăn chung của thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN vào Mỹ chỉ chiếm 4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của VN trong 8 tháng đầu năm nay.

Đối với thị trường Mỹ, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản VN mới chiếm khoảng 0,4 - 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm sản của nước này. Đây là một con số khiêm tốn so với tiềm năng hiện có của ngành nông sản VN cũng như nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ. Ông William Troy, Công ty Thương mại Toàn cầu (Mỹ) nhận định: “Khả năng thâm nhập thị trường Mỹ của hàng nông sản VN còn hạn chế chính là do năng lực cạnh tranh kém".

Một trong những nguyên nhân được ghi nhận trong thời gian qua là tình trạng xuất khẩu vô tội vạ, nhà nhà làm xuất khẩu đã khiến nhiều ngành nông sản mũi nhọn của VN mất kiểm soát về chất lượng lẫn quyền chủ động trên thị trường thế giới, trong đó có thị trường Mỹ. TS. Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su chia sẻ, thói quen bán hàng xô cho Trung Quốc - nước vốn không khắt khe về tiêu chuẩn - đã dần hình thành thói quen bán xô cho mọi đối tác khác. “Vì thế, khi khách hàng Mỹ muốn nhập cao su, họ chọn Indonesia, Malaysia và Thái Lan trước VN, vì các nước này có giấy chứng nhận phẩm cấp, dù không nhất thiết là phẩm cấp tốt nhất, nhưng chắc chắn là đúng thông số”, bà Hoa than phiền.

Trong khi đó, trái cây VN thường bị nhiễm khuẩn, những mặt hàng nông sản khác có hàm lượng vi sinh vượt mức cho phép, thủy sản có dư lượng kháng sinh cao. Đây là những lý do khiến kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này vào Mỹ chỉ chiếm một lượng khá khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu hằng năm của thị trường khổng lồ này. Các DN trong nước còn chịu thêm một số bất lợi khác khi bị Hải quan Mỹ giữ hàng; chẳng hạn, 2.500USD cho chi phí khử trùng, lưu kho, đổ rác khi hàng bị ách tắc tại các cảng...

Ông Michael Michalak, Đại sứ Mỹ tại VN: Việt Nam là thị trường mới, cơ hội mới

Trực tiếp tham dự Hội chợ Food & Hotel Vietnam 2009 để động viên sự tham gia vào thị trường VN của DN Mỹ, ông Michael Michalak, Đại sứ Mỹ tại VN đã trao đổi với Báo Doanh Nhân Sài Gòn về mức tăng trưởng cao của nông sản Mỹ tại VN và xu hướng đầu tư của Mỹ.

* Dường như đang có chiều hướng ngược giữa xuất khẩu nông sản Mỹ và VN?

- Đúng là thời gian gần đây tôi luôn nghe được thông tin tốt lành về sự hợp tác giữa nhà xuất khẩu Mỹ với nhà phân phối VN. Xuất khẩu nông sản Mỹ vào VN tăng vì thu nhập người VN ngày một khá hơn, trong khi sản phẩm Mỹ chất lượng thuộc hàng đầu. Nhìn vào số DN tham gia hội chợ lần này sẽ thấy sự quan tâm đặc biệt của DN Mỹ. 24 công ty xuất khẩu ở hội chợ lần này đều là những công ty lớn ở Mỹ, trong đó có 9 công ty hoàn toàn mới, họ mong muốn làm ăn với VN, trong khi những DN cũ thì muốn mở rộng thị trường. Tôi không cho rằng hàng nông sản xuất khẩu của VN đang bị lép vế. Phở VN rất phổ biến ở Mỹ, trái thanh long thời gian qua cũng được tiêu thụ nhiều ở nơi đây.

* Xuất khẩu tốt, các công ty của Mỹ có tính đến chuyện đầu tư ở VN?

- Chuyện có mở nhà máy, trồng lúa, nuôi gà... hay không còn tùy thuộc vào đặc điểm sản phẩm tiêu thụ ở thị trường này, cũng như tùy thuộc vào từng thời điểm. Ví dụ, chúng tôi chưa nuôi gà ở VN, nhưng khi xảy ra dịch cúm gia cầm, DN Mỹ đã nỗ lực hỗ trợ người nuôi vực dậy ngành này tại đây. Nhưng tôi được biết, hiện hai công ty rất lớn của Mỹ là Heinz và General Mills đang thương thảo để đầu tư mở nhà máy chế biến thịt gà tại VN.

* Vì sao khủng hoảng, NĐT Mỹ lại tìm đến VN?

- Kinh tế Mỹ khủng hoảng, kinh tế VN thì đang đi lên. Vậy kiếm tiền ở đâu? Chẳng lẽ bây giờ lại đầu tư ở Mỹ. Các công ty Mỹ đã đầu tư nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, giờ đây họ phải tìm thị trường mới, cơ hội mới.

* Thời gian qua, dường như đầu tư của Mỹ chủ yếu tập trung vào ngành dịch vụ, giải trí. Và điều này đã giúp Mỹ đang xếp hạng nhất về đầu tư nước ngoài?

- Đầu tư dự án giải trí phải có kế hoạch cụ thể, nguồn vốn đã đến VN hay chưa hầu như ít ai biết. Đầu tư vào nhà máy sản xuất thì nhìn thấy thật, còn vào dịch vụ giải trí quá lớn, đôi khi chỉ là báo cáo.

QUỲNH MẠNH